Còn hơn tuần lễ nữa là đến Tết truyền thống. Nhu cầu của người tiêu dùng trước các mặt hàng thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát là rất cao. Khi nhu cầu cao nhưng lượng cung chưa theo kịp cùng với tâm lý tranh thủ “kiếm Tết” của các nhà sản xuất thì chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm bỗng trở thành nỗi lo thường trực của người dân.
Công bằng mà nói thì những năm gần đây các mặt hàng phục vụ ngày Tết đã có mặt “dàn trận” tại thị trường khá sớm với vô vàn mẫu mã chủng loại đa dạng, phong phú, tạo cho người mua có thêm nhiều sự lựa chọn. Vấn đề là đằng sau nhưng bao gói bắt mắt kia, thứ nào đảm bảo an toàn thực phẩm, thứ nào không lại là điều người tiêu dùng không dễ nắm bắt.
Đi qua một số chợ, thấy nhiều loại bánh kẹo, mứt, ô mai được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải trong tình trạng “ba không” mới thấy sởn gai ốc! Hỏi người bán xem nguồn gốc địa chỉ sản xuất? - Không! Cầm hàng lên tìm nhãn mác, hạn sử dụng cũng không thấy! Rồi mặt hàng tươi sống bày bán tràn lan mà không có dấu kiểm dịch, chứng nhận an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng cũng trở thành “chuyện bình thường ở... phố!”.
Đọc báo thấy thời gian qua các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến cho người tiêu dùng càng thêm lo. Phát hiện đấy để dân biết mà tránh nhưng tránh như thế nào lại là chuyện khác khi việc phát hiện có tính chất lẻ tẻ chứ không phải một cuộc “tấn công” toàn diện do... lực lượng mỏng.
Ngay đầu năm dương lịch, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra kho hàng tại 127 An Dương Vương, TP. Hồ Chí Minh, phát hiện hơn 10 tấn mứt mận, táo tàu, hạt dẻ, hạt điều... do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm với nhiều bao mứt loại 50kg chất ngổn ngang, đầy ruồi bâu đang được công nhân chia nhỏ rồi đóng vào các thùng hàng 10-12kg. Không biết còn bao nhiêu kho hàng như thế chưa được phát hiện.
Khỏi phải nói về tác hại khủng khiếp khi sử dụng phải các loại thực phẩm bẩn. Và nếu lực lượng chức năng không kịp thời phát hiện, xử lý, các loại thực phẩm bẩn có nguy cơ “giết người” đó sẽ trở thành “mồi ngon” trên bàn nhậu hay có mặt trên mâm cơm của các gia đình ngày Tết Nguyên đán. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, các đơn vị chức năng cần tăng cường hoạt động thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm Tết như các loại bánh, mứt, kẹo, ô mai; các sản phẩm chế biến từ thịt, dịch vụ ăn uống tại các tỉnh, thành phố... trong đó chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Không lẽ ngày xuân cứ phải chờ may rủi khi các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm không được phát hiện kịp thời? Dường như việc kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật lại quá nhẹ so với lợi nhuận nên chưa đủ sức răn đe những nhà sản xuất chưa bị lộ.
Thôi thì đành tự an ủi rằng mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác, thể hiện là người tiêu dùng thông minh, kiên quyết không mua bán các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bao bì, nhãn mác và có thái độ cùng đồng lòng tẩy chay các loại thực phẩm kém chất lượng để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người thân, gia đình.
Tết là ngày vui của toàn dân trên mọi miền đất nước. Hy vọng các cơ quan chức năng ra tay mạnh với cách tổ chức quản lý thị trường chặt chẽ để người dân được đón một cái Tết thật an toàn.