ọng về sau như tiểu đường, tim mạch, ung thư... Tuy nhiên, nhiều người dân chưa quan tâm hoặc hiểu biết đến nguy cơ này…
Tăng cả về lượng lẫn “chất”
Tại Hội thảo “Phòng chống béo phì, thừa cân ở Việt Nam và cảnh báo của chuyên gia” vừa diễn ra ở Hà Nội, đã có những con số thống kê đưa ra khiến nhiều người phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề.
GS.TS. Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TP.HCM đã gia tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% (năm 2000) lên 11,5% (năm 2013) và tỉ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông tại TP.HCM tăng gấp đôi, từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).
Các hoạt động thể chất trong nhà trường là giải pháp tốt để phòng chống béo phì, thừa cân ở trẻ.
Theo TS. Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam: “Ở 8 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng…, số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100.000 trẻ, nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy, trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.
Mục tiêu của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em là khống chế tỉ lệ trẻ béo phì dưới 5% và không có tỉnh nào vượt quá 10%, nhưng đến thời điểm này, mục tiêu đó đã bị phá vỡ. Ở TP.HCM, các kết quả của nhiều nghiên cứu đều chỉ ra số lượng trẻ em thừa cân béo phì đã vượt xa số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng.
Có thể nói, trẻ thừa cân béo phì là xu hướng đáng lo ngại không chỉ ở nước ta mà trên toàn cầu. Trong khi tỉ lệ suy dinh dưỡng đã được khống chế và giảm nhiều thì cho đến nay chưa có châu lục hay quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự tăng lên của tỉ lệ thừa cân/béo phì”.
Nguy cơ cao, kiểm soát thế nào?
TS. Từ Ngữ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa như rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tăng huyết áp, sỏi mật, chứng ngưng thở khi ngủ… Tình trạng trẻ em bị béo phì gia tăng với cấp độ phi mã do bữa ăn gia đình bị phá vỡ và trẻ thiếu vận động. Trẻ con ngày nay ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Khẩu phần ăn ở trường học với trẻ thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng đều giống nhau dẫn đến “trẻ thừa cân vẫn thừa, trẻ thiếu cân vẫn thiếu”.
Theo các chuyên gia, những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực: Thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Thay đổi hành vi: Khuyến khích việc tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu. Ngủ: 0-5 tuổi (ngủ đủ 11 giờ/ngày); 5-10 tuổi (10 giờ/ngày); trên 10 tuổi (ngủ đủ 9 giờ/ngày).
Về phía nhà trường, giải pháp can thiệp hiệu quả và khả thi để phòng chống béo phì trẻ em là khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục thể thao tại trường. Ngoài ra, cần phải điều chỉnh cấu trúc bữa ăn học đường cho học sinh; không khuyến khích trẻ uống nước ngọt có ga đều đặn và thường xuyên.