Nỗi lo mất bản quyền rối nước

15-01-2012 08:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

Chuyện chú Tễu xuất ngoại thì quá quen rồi, từ năm 1984 múa rối nước Việt Nam đã có những chuyến đi biểu diễn ra nước ngoài và đến nay thì chú Tễu đã đặt chân lên hầu như khắp các châu lục trên thế giới.

Sau hơn một năm kể từ ngày xây dựng dự án nghệ thuật giữa Nhà hát (NH) Múa rối quốc gia Việt Nam và NH quốc gia Bordeaux - Pháp (10/2010 – 11/2011), chương trình múa rối nước mang tên Người thầy của những con rối (đạo diễn Dominique Pitoiset - Giám đốc NH quốc gia Bordeaux) đã ra mắt đêm đầu tiên vào ngày 15/11/2011 tại NH quốc gia Bordeaux. Ngay đêm đầu tiên, 1.000 khán giả Pháp đã vô cùng thích thú, thán phục nghệ thuật múa rối nước độc đáo của Việt Nam.

Khi chú Tễu chu du

Chuyện chú Tễu xuất ngoại thì quá quen rồi, từ năm 1984 múa rối nước Việt Nam đã có những chuyến đi biểu diễn ra nước ngoài và đến nay thì chú Tễu đã đặt chân lên hầu như khắp các châu lục trên thế giới. Khỏi phải nói sự tiếp đón nồng nhiệt của khán giả các châu lục đối với nghệ thuật múa rối nước bởi đó là nghệ thuật độc nhất vô nhị của VN. Báo chí các nước giật những hàng tít đầy lôi cuốn mỗi khi múa rối nước VN sang biểu diễn: Nghệ thuật lung linh kỳ ảo; Nghệ thuật độc đáo; Những đêm diễn tuyệt vời hiếm thấy… Quả là niềm tự hào vô bờ bến khi các nghệ sĩ múa rối đã làm rạng danh nền nghệ thuật cổ truyền của ông cha.

 Vở rối Người thầy của những con rối.
Còn lần này, đích thân đạo diễn người Pháp, ông Dominique Pitoiset sang VN để thực hiện dự án nghệ thuật với NH Múa rối quốc gia VN chương trình múa rối nước mang tên Người thầy của những con rối. Đi theo ông đạo diễn này là một êkip người Pháp gồm nhà sản xuất, đội ngũ kỹ thuật để hình thành ý tưởng, khảo sát sân khấu, con rối, lựa chọn nghệ sĩ múa rối, ca sĩ… sang Pháp tập luyện và biểu diễn.

Sự hợp tác này đã mang đến cho múa rối nước diện mạo mới, chương trình cơ bản vẫn là những con rối truyền thống, vẫn kỹ thuật biểu diễn của múa rối nước VN nhưng nó đã khác với chương trình biểu diễn múa rối nước bằng những trò diễn miêu tả sinh hoạt nhàn tản của người nông dân trong cảnh sống thanh bình ở chương trình biểu diễn quen thuộc của các NH, đoàn nghệ thuật múa rối nước lâu nay mà ít nhiều cũng đã nhàm chán với người dân và khách du lịch.

Dưới bàn tay của ông đạo diễn người Pháp, chương trình Người thầy của những con rối đã được xây dựng thành một kịch bản có ý tưởng đầy ý nghĩa: muốn tri ân đến những người sáng tạo ra bộ môn nghệ thuật dân gian này để nghệ thuật truyền thống không hoàn toàn bị biến mất hay lãng quên trong đời sống hiện đại.

Sân khấu biểu diễn chính vẫn là bể nước chứa khoảng 25.000 lít nước, phía trên có màn hình lớn chiếu video ghi lại cảnh ồn ào, tấp nập của đô thị VN. Nhưng trong cái náo nhiệt của cuộc sống hiện đại đó, vẫn có những người dân VN âm thầm gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông và có ý thức truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lồng trong ý tưởng đó, phần diễn chính vẫn là cảnh thanh bình trên sông nước trong không gian núi non hùng vĩ, tiếng chim hót véo von, tiếng gió thì thầm. Trên mặt nước gợn sóng là hình ảnh những con cá vàng lóng lánh, rồng phun lửa, rùa dạo chơi, cảnh người nông dân đi cấy đi cày, ông lão đánh cá… những trò diễn truyền thống được kết nối một cách sinh động. Đặc biệt, độc đáo hơn, đạo diễn Dominique còn đưa cả cảnh chùa chiền, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay lên mặt nước đưa người xem lạc vào một không gian huyền ảo sương khói, đắm chìm trong những khoảnh khắc đậm chất văn hóa Á Đông.

Có thể nói, chương trình múa rối nước Người thầy của những con rối là một chương trình biểu diễn múa rối nước hoàn hảo kết nối được những trò diễn sinh động, hấp dẫn, độc đáo trong một nội dung đầy tính nhân bản. 30 buổi biểu diễn tại các thành phố của Pháp: Bordeaux, Angouléme, La Rochell, Arcachon, Narbonne, Tarbes, Chalon Sur Saone, Caen - tới đâu đoàn cũng nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt. Tình cảm nồng ấm của khán giả dành cho nghệ sĩ làm tan đi cái giá lạnh của thời tiết mùa đông châu Âu khi phải ngâm mình trong nước để biểu diễn.

Những băn khoăn đáng suy nghĩ!

Lâu nay, trong con mắt bạn bè thế giới, nghệ thuật múa rối nước VN luôn là điều bí ẩn, nhiều người ngạc nhiên không hiểu sao trên mặt nước những con rối lại biểu diễn sống động, uyển chuyển linh hoạt và kỳ ảo đến thế. Chính cái bí quyết đó tạo nên sự hấp dẫn của nghệ thuật múa rối nước độc đáo, có một không hai trên thế giới.

Mới đây thôi, NH Múa rối quốc gia VN cũng đã từng dàn dựng thành công vở diễn Hồn quê (đạo diễn Vương Duy Biên), những trò múa rối nước được đan cài trong một kịch bản thấm đẫm nét sinh hoạt mộc mạc, giản dị của những người nông dân VN. Hồn quê như một nét bứt phá của múa rối nước VN, vượt qua những trò diễn cổ truyền đơn điệu để lồng các trò diễn vào một câu chuyện xuyên suốt. Hồn quê đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và cũng đã được đón nhận ở một số nước, nhưng hoàn toàn là “cây nhà lá vườn”.

Chương trình Người thầy của những con rối có thể nói là rất hiệu quả, nhất là lại được làm tại một nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển. Nhưng cứ trộm nghĩ, cả một êkip người Pháp sang VN nghiên cứu, tìm hiểu rồi lại mang về Pháp thiết kế, thi công bể nước, sân khấu, ánh sáng… rồi các nghệ sĩ VN lại sang Pháp tập luyện dưới sự hướng dẫn của ông đạo diễn người Pháp thì liệu những bí kíp của nghệ thuật truyền thống còn được giữ gìn?

Báo chí Pháp những ngày các nghệ sĩ VN biểu diễn trên đất Pháp liên tục có bài ca ngợi. Đây là vở diễn tâm đắc của Giám đốc NH quốc gia Bordeaux Aquitaine. Còn Patrice Monsons (một chuyên gia kỹ thuật) nói rằng: Tôi làm nghề này gần 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy một sân khấu như thế. Đây cũng còn là một sân khấu hiếm thấy đối với Emanuelle Journeaud (chuyên gia điều khiển ánh sáng), chuẩn bị cho buổi biểu diễn, anh phải mang theo một rơmooc chứa hàng trăm mét khối dụng cụ trang trí, con rối, hệ thống lọc và bộ điều chỉnh nhiệt độ nước.

Mang nỗi băn khoăn này hỏi lãnh đạo NH múa rối quốc gia VN rằng có sợ đạo diễn Pháp và các cộng sự của ông sẽ coppy nghệ thuật múa rối nước của VN không, chúng tôi nhận được câu trả lời đầy lạc quan rằng: Họ có làm thì cũng chỉ là coppy mà thôi. Họ có đủ điều kiện để coppy nhưng họ vẫn phải mời nghệ sĩ VN sang biểu diễn.

Hy vọng là như vậy nhưng vẫn canh cánh nỗi lo “hậu sinh khả úy”, nhất là ở một nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển cao.

Tố Lan


Ý kiến của bạn