Hà Nội

Nối liền môi mũi đứt rời bằng vi phẫu

13-03-2009 19:05 | Thời sự
google news

Vừa qua, Khoa Phẫu thuật tạo hình và Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức đã nối liền môi và mũi đứt rời cho một bệnh nhân bị tai nạn xe máy.

Vừa qua, Khoa Phẫu thuật tạo hình và Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức đã nối liền môi và mũi đứt rời cho một bệnh nhân bị tai nạn xe máy. Phẫu thuật tạo hình môi và mũi đứt rời rất hiếm gặp trên thế giới. Ở bệnh viện Việt Đức, đây là trường hợp đầu tiên được nối ghép môi và mũi thành công. Ngoài trường hợp này, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật vi phẫu để phẫu thuật tạo hình cho rất nhiều trường hợp bị tai nạn gây tổn thương khác như lột mảng da đầu, chân, tay đứt rời, dương vật đứt rời.

7 giờ phẫu thuật dưới kính hiển vi

Bệnh nhân là nam, 29 tuổi, quê ở Lạng Sơn, bị tai nạn giao thông làm phần môi, mũi bị đứt rời. Sau khi được sơ cứu tại tuyến cơ sở, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức sau 5 giờ đồng hồ.

ThS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức cho biết, do vùng tổn thương là mũi và môi nên động mạch và tĩnh mạch là những nhánh quá nhỏ, động mạch chỉ từ 0,5-0,6mm, tĩnh mạch nhỏ hơn nên quá trình vi phẫu hết sức khó khăn và vất vả. Các bác sĩ phải dùng kính hiển vi phóng đại để khâu nối các mạch, sau đó dùng chỉ chuyên dụng để khâu khoảng 8 mũi nối các mạch máu với nhau. Sau khi nối xong động mạch, máu đến vạt nhiều, trong khi đó tĩnh mạch để dẫn máu về quá nhỏ nên kíp phẫu thuật phải tiến hành rạch da trên vạt được nối để thoát bớt máu ra ngoài tránh hiện tượng ứ máu tĩnh mạch sẽ gây tắc động mạch được nối...

Đứt rời môi mũi là tổn thương nặng nề, gây biến dạng mặt. Cho đến nay, trên thế giới cũng mới có khoảng 20 ca được phẫu thuật tạo hình thành công. Tất cả các phương pháp phẫu thuật tạo lại môi khác đều không thể đảm bảo được chức năng và thẩm mỹ. Duy nhất phương pháp khâu nối ghép lại miếng môi đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu mới trả lại cho bệnh nhân toàn bộ chức năng của môi như che phủ khoang miệng, thở, ăn uống, vận động môi như thổi sáo, chúm môi, thể hiện cảm xúc...

 
 Bệnh nhân trước (trái) và sau phẫu thuật nối liền môi mũi bị đứt rời (phải).
Kỹ thuật vi phẫu và những ứng dụng thành công

Vi phẫu thuật là những phẫu thuật được thực hiện dưới sự trợ giúp của kính hiển vi. Phẫu thuật viên đã nhờ khả năng phóng đại của kính để thấy rõ các mạch máu, thần kinh có kích thước nhỏ trung bình từ 16 đến 25 lần, thậm chí lên tới 40 lần để có thể phẫu tích chuẩn xác, khâu nối những thần kinh mạch máu có đường kính nhỏ dưới 1mm. Nhờ đó mà chắp nối lại được những bộ phận đã bị đứt rời khỏi cơ thể như bàn tay, bàn chân, những ngón tay, mảng da đầu dương vật hay chuyển một vạt tổ chức từ vị trí này qua vị trí khác trên cùng cơ thể. Để thực hiện được kỹ thuật vi phẫu còn đòi hỏi phải có những dụng cụ chuyên dụng có độ chính xác cao và có kích thước nhỏ phù hợp. Kéo, dao mổ, kìm cặp kim, nỉa phẫu tích, kẹp mạch máu đơn hay kẹp đôi... nhỏ, có đầu hoạt động thanh mảnh, cấu tạo tinh xảo và đảm bảo đóng mở nhẹ nhàng, chính xác khi phẫu thuật được thực hiện trong vi trường của kính hiển vi. Ngoài những dụng cụ cần thiết chủ yếu, còn cần những dụng cụ thứ yếu như nhíp nong đầu mạch, cây đỡ, bơm rửa mạch máu, các mảnh lót nền. Kim chỉ khâu trong vi phẫu thuật là loại không gây chấn thương với trôn kim bọc quanh chỉ. Chỉ thường là chỉ nilon sợi đơn hay chỉ polypropylen, sợi chỉ tròn đều, trơn và bóng để giảm tối đa khả năng gây tổn thương thành mạch khi khâu. Tại Khoa phẫu thuật tạo hình và hàm mặt của Bệnh viện Việt Đức, kỹ thuật này được áp dụng từ năm 2004 một cách có hệ thống nhưng mới chỉ phẫu thuật cho những trường hợp bị đứt rời bàn tay, đứt cẳng tay, cẳng chân, lột toàn bộ vùng da đầu, dương vật bị đứt rời...

Để cấp cứu kịp thời cho những trường hợp không may bị tai nạn gây đứt rời một số bộ phận trên cơ thể, cần 2 yếu tố: thứ nhất là bệnh nhân được chuyển đến cơ sở y tế kịp thời. Với những bộ phận đứt rời không được bảo quản, thời gian tối thiểu để chuyển tới viện khoảng 5 giờ đồng hồ, tùy vào mức độ tổn thương. Tốt nhất bệnh nhân nên được sơ cứu tại tuyến y tế gần nhất, bao gồm rửa vết thương, băng cầm máu và bảo quản phần cơ thể bị đứt rời bằng cách cho vào miếng giấy sạch hoặc vải sạch, ngâm vào nước muối sinh lý rồi cho vào túi nước lạnh ở nhiệt độ đá tan. Tuyệt đối tránh dùng đá cục để ủ lạnh trực tiếp phần cơ thể đứt rời vì sẽ gây bỏng lạnh ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật. Thứ hai, bệnh nhân phải được chuyển ngay tới các bệnh viện có điều kiện tiến hành vi phẫu càng sớm càng tốt.

Minh Thu


Ý kiến của bạn
Tags: