Bệnh nhân L.T.L. 68 tuổi ở Ngã Năm – Sóc Trăng, vào viện vì nói khó, yếu nửa người bên phải. Bác được chẩn đoán nhồi máu não do tắc và hẹp 90% động mạch cảnh tại gốc (P). Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định nong và đặt Stent động mạch cảnh, đây là trường hợp khó thực hiện kỹ thuật vì bệnh nhân từng được phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ đùi, huyết áp tay trái không đo được nên chỉ có thể thực hiện can thiệp xuất phát từ động mạch cánh tay phải. Sau gần 02 giờ, thủ thuật kết thúc thành công, bệnh nhân đã cải thiện đáng kể sức cơ và nói khó so với thời điểm nhập viện.
Các bác sĩ thực hiện can thiệp mạch não cho bệnh nhân
Trước đó, các bác sĩ cũng đã can thiệp mạch não thành công cho hai trường hợp. Đó là bệnh nhân bị vỡ túi phình động mạch não, điển hình là bác V.T.N. 63 tuổi, địa chỉ Long Phú – Sóc Trăng, vào viện vì đau đầu, lơ mơ. Sau khi nhập viện, dựa vào thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết dưới nhện nghi do vỡ túi phình động mạch não. Các bác sĩ đã tiến hành chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) nhằm đánh giá những tổn thương hoặc dị dạng mạch máu não và là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán xác định đồng thời can thiệp điều trị khi có chỉ định. Kết quả sau khoảng 01 giờ can thiệp, túi phình động mạch não kích thước 3mm x 8mm đã được bít tắc hoàn toàn. Sau đó, bệnh nhân được theo dõi điều trị nội khoa và xuất viện trong tình trạng ổn định về sức khỏe và vận động.
Các bác sĩ cho biết, sau khi điều trị đột quỵ thành công, một số trường hợp di chứng, hạn chế vận động, bệnh nhân cần được tham vấn bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên gia phục hồi chức năng để áp dụng vật lý trị liệu phục hồi chức năng phù hợp nhằm phục hồi vận động, chăm sóc hiệu quả và hạn chế các yếu tố nguy cơ tránh đột quỵ tái phát.