Nỗi khổ từ xe quá khổ, quá tải: Có kiểm soát được không?

28-04-2014 08:00 | Thời sự

SKĐS - Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều vụ TNGT liên quan xe quá khổ, quá tải làm thiệt hại về người và tài sản.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều vụ TNGT liên quan xe quá khổ, quá tải làm thiệt hại về người và tài sản. Mới đây, trên Quốc lộ 70 thuộc địa phận huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, xe chở gạo đang di chuyển bất ngờ lật nghiêng, đè chết tại chỗ 2 người. Nguyên nhân được xác định, xe chở vượt tải gần gấp đôi. Làm sao để giải quyết triệt để vấn nạn này? Để có câu trả lời, phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Chung - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ, và ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT.

Ông Đặng Văn Chung.

PV: Vừa qua, tại các trạm cân tải trọng trên một số tuyến đường, các lái xe đã chống đối như cho nhiều xe không quá tải dẫn đầu đoàn xe quá tải, khi đến khu vực trạm cân, các xe này sẽ án ngữ trước trạm cân giả bộ hỏng xe để tạo điều kiện cho các xe quá tải vượt trạm. Không những vậy, có những lái xe khi lực lượng chức năng yêu cầu cho xe vào trạm cân đã tắt máy, đóng cửa rồi bỏ đi làm ách tắc giao thông nhiều giờ trên tuyến Quốc lộ 1A như ở Bình Thuận. Cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

Ông Đặng Văn Chung: Ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo Công an tỉnh và Sở GTVT tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng thời xác định công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, để khắc phục các tồn tại trong thời gian vừa qua, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và góp phần giảm thiểu TNGT. Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra để xử lý các xe chở hàng dừng, đỗ, đi đường khác tránh trạm cân, chống người thi hành công vụ để kiên quyết xử lý.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc cân tải trọng xe chỉ giải quyết được phần ngọn, vậy theo ông muốn giải quyết tận gốc phải làm như thế nào để tránh việc diễn ra như tại Bình Thuận và tại các trạm cân khác trên các tuyến quốc lộ hiện nay?

Ông Đặng Văn Chung: Nói rằng việc kiểm tra tải trọng xe chỉ giải quyết được phần ngọn là không sai, vì để giải quyết triệt để việc này cần thực hiện nhiều biện pháp và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ở các địa phương. Qua theo dõi và báo cáo của các địa phương, hiện nay xe quá tải đã giảm rất nhiều, chỉ còn khoảng gần 20%, còn lại xe chở hàng hóa lưu thông trên đường đã chở đúng tải trọng. Đó là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên công việc này không thể thực hiện trong thời gian ngắn được. Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe phải thực hiện từ nay đến năm 2030, do đó, Bộ sẽ chỉ đạo kiên quyết thực hiện đến bao giờ giải quyết hết tình trạng này thì thôi.

Ông Khuất Việt Hùng.

PV: Vừa qua có tình trạng sai số giữa cân tải trọng của các cơ sở dịch vụ và cân của Bộ GTVT cấp cho các địa phương, theo ông vấn đề này được lý giải như thế nào?

Ông Khuất Việt Hùng: Cân đã chuyển về các địa phương đều được Tổng cục Đo lường chất lượng kiểm định và xác nhận độ chính xác. Theo đó, khi cân cho phép sai số là 3% và sẽ được trừ vào tải trọng xe sau khi cân. Cân của các cơ sở dịch vụ cân có thể do trong quá trình bảo dưỡng, duy trì không đúng với quy trình nên dẫn đến sai số. Cũng có thể do quá trình hoạt động đặt cân bị lệch, hoặc do nước lọt vào các khe tạo ẩm gây ra sự sai số. Các địa phương đã được tập huấn các quy trình cũng như việc lựa chọn vị trí lắp đặt cân, cách vệ sinh cân rất kỹ... Do đó, chúng ta không nên lo lắng về chất lượng của cân hiện đang được sử dụng để kiểm soát tải trọng xe.

PV: Cần phải làm gì để tháo gỡ những vướng mắc trong việc kiểm soát tải trọng xe, chấm dứt tình trạng bao che, dung túng chở hàng quá tải?

Ông Khuất Việt Hùng: Việc kiểm soát tải trọng xe là một trong các đề án tái cấu trúc thị trường vận tải nhằm đưa thị trường vận tải Việt Nam trở lại trạng thái bình thường, không bị phụ thuộc vào đường bộ đang bị quá tải như hiện nay. Để vận tải đường sắt, đường thủy và đường hàng không gánh vác chia sẻ với vận tải đường bộ, đó là giải pháp căn cơ trước mắt cũng như lâu dài. Năm 2014, Ủy ban ATGT Quốc gia lấy chủ đề là: “Siết chặt công tác quản lý vận tải và tải trọng xe”, theo đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm, các địa phương đồng loạt ra quân, xử lý kiên quyết đối với tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành, thùng xe, mục tiêu cuối cùng là để các chủ xe có muốn chở quá tải cũng không chở được.

Trần Lâm - Khánh Hà


Ý kiến của bạn