Nỗi khổ... nước bẩn giá cao!

20-05-2012 21:31 | Xã hội
google news

Giá nước máy theo quy định của Nhà nước là 4 nghìn đồng/m3 nhưng ở các khu trọ, chung cư mini, giá nước dao động từ 10-15 nghìn đồng/m3.

(SKDS) - Giá nước máy theo quy định của Nhà nước là 4 nghìn đồng/m3 nhưng ở các khu trọ, chung cư mini, giá nước dao động từ 10-15 nghìn đồng/m3. Mặc dù chủ nhà đã cam kết 100% nước máy sạch nhưng hiện tượng nước vàng, đục, mùi hôi tanh diễn ra phổ biến. Dù vậy người thuê nhà mà phần lớn là các sinh viên vẫn phải chấp nhận...

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Kể về 3 lần chuyển trọ liên tiếp trong 1 năm học, Thu Hà (SV Học viện Báo chí) cho biết: “Những lần chuyển trọ của mình đều do nước sinh hoạt ở các khu trọ không đảm bảo trong khi trước đó chủ nhà đã cam kết là nước máy sạch và lấy tiền đắt gấp 3 lần so với giá quy định và luôn cao hơn so với mặt bằng chung tại các khu trọ xung quanh”. Tại khu trọ nằm trong ngõ 1 Phạm Văn Đồng, vào đêm, khi dùng nước để đánh răng, mùi hôi tanh càng phả lên mạnh hơn, Thu Hà và bạn cùng phòng phải mua nước đóng bình để nấu ăn thậm chí dùng trong sinh hoạt. Sau khi phải chịu đựng 1 tháng, Thu Hà đã tìm nhà trọ khác tại Đình Thôn (Mỹ Đình, Hà Nội) nhưng cũng không khá hơn.
 
 Cả xóm trọ gần 100 sinh viên chung nhau hai bể nước.
 “Nước dùng để tắm khiến người nổi mẩn đỏ và ngứa. Đem chuyện hỏi cô chủ nhà, cô chủ nhà thành thật: Cô đã pha nước máy với nước giếng khoan vì nếu chỉ dùng nước máy thì số tiền các cháu nộp hằng tháng không thể đủ để trả 1/2 tiền nước”. Tiếp tục chuyển trọ sang khu Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), nhưng phải dùng nước máy bẩn với giá đắt hơn các khu trọ khác xung quanh dù trước đó bà chủ đã cam kết là nước máy sạch 100% nên Hà quyết định chuyển nhà trọ ra lần nữa và phải chuyển nhà đến lần thứ 4 Hà mới tìm được chỗ trọ ưng ý vì chắc chắn được dùng nước máy sạch.

Sử dụng nước bẩn có thể gây ra các bệnh về da liễu, nổi mẩn đỏ, ngứa, nước ăn có mùi hôi tanh, ảnh hưởng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng điều đáng nói, khi các sinh viên lên tiếng, chủ nhà chỉ nói gọn lỏn: “Không chịu được thì chuyển đi chỗ khác, không có người này thì có người nọ đến ở”. Thu Hoài (SV ĐH Hà Nội) bức xúc sau khi thắc mắc với chủ nhà về chất lượng nguồn nước nhưng nhận về là sự phủi tay: “Trước khi thuê nhà, họ luôn cam kết với mình đây là nước máy sạch nhưng ở rồi dùng mới biết, lúc ấy tiền đóng cọc 3 tháng liền cũng không thể chuyển đi được, chỉ còn cách cố sống hết 3 tháng, mua nước đóng bình về nấu ăn, rửa bát đĩa bằng nước đun sôi rồi sẽ tìm nơi trọ là phòng của một gia đình ở Hà Nội, được dùng nước cùng họ sẽ yên tâm hơn”.

Minh Đạt (SV Học viện Bưu chính viễn thông) cho biết: “Dùng nước giếng khoan tại khu nhà trọ khiến cho những chiếc áo sơ mi, áo phông trắng mau chóng bị ngả màu, trông mất thẩm mỹ nên những chiếc áo như vậy thì phải bỏ đi và thay vì mặc áo trắng chỉ dám dùng áo kẻ hoặc áo phông màu”.

Nước sạch tăng giá, nước bẩn cũng tăng

Mới đây, ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, đơn vị này đang xây dựng đề án tăng giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố, dự kiến giá nước sẽ tăng 30-35%. Và các chủ trọ cũng vịn cớ, rục rịch tăng giá: “Tháng sau tiền nước sẽ tăng, các cháu dùng hạn chế không đến lúc thanh toán nhiều tiền lại kêu ca” - Thùy Linh (SV Học viện Ngân hàng) kể lại lời bác chủ nhà gần Ngã Tư Sở. Thùy Linh cho biết: “Giá nước sạch của Nhà nước tăng là một việc không liên quan đến giá nước ở khu trọ này tăng vì rõ ràng ở khu trọ bác chủ nhà không cho sinh viên thuê dùng nước máy sạch mà là nước giếng khoan”.

Qua khảo sát các khu trọ tại đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu, Phùng Khoang, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Láng... giá nước tại các khu trọ dao động trong khoảng từ 10 -15 nghìn/m3, với những phòng trọ không có riêng đồng hồ nước thì số tiền phải đóng hằng tháng từ 80-150 nghìn/người.

Giá hiện hành của mỗi khối nước là 4 nghìn, việc tăng 30-35% thì giá sẽ trên 5.000/m3 nhưng khi các chủ trọ cố tình áp dụng việc tăng giá theo Nhà nước, giá nước mà sinh viên phải trả mỗi tháng cũng tăng 30-35% thì không còn là một con số nhỏ. “Bình thường, hai chúng tôi đã sử dụng 120.000 tiền nước mỗi tháng, nếu sắp tới chủ nhà tăng giá, giá phải trả cho tiền nước hằng tháng sẽ nhiều hơn 200.000”, Hoài Thanh (SV ĐH Giao thông vận tải) cho biết. Còn theo Thùy Linh, vì số tiền phải trả hằng tháng được tính theo đầu người nên việc tăng giá nước trong một vài tháng tới sẽ tăng từ 100.000/người lên 130.000/người.  

Nguyễn Thảo


Ý kiến của bạn