Nỗi khổ ngủ ngáy và cách xử lý

25-08-2019 07:10 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngủ ngáy là một biểu hiện thường gặp. Tuy nhiên ngáy trầm trọng quá mức gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bản thân, thậm chí trong một số trường hợp nặng có thể đe dọa tới tính mạng.

Người ngủ ngáy thường có các biểu hiện như: Buồn ngủ nhiều lần trong ngày. Ngáy to khi ngủ. Thời gian ngưng thở khi ngủ kéo dài (được quan sát bởi người khác). Tỉnh dậy đột ngột và khó thở. Miệng khô và đau họng khi thức dậy. Đau đầu vào buổi sáng. Mất ngủ hoặc khó ngủ. Giảm khả năng tập trung.

Ngoài ra tiếng ngáy to gây ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ của người ngủ cùng nên có thể... ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.

Nguyên nhân ngủ ngáy

Tại hốc mũi có thể có các nguyên nhân sau:

Viêm mũi xoang: Viêm mũi xoang làm cho hốc mũi hẹp lại do sự quá phát của cuốn dưới (viêm mũi quá phát cuốn), do thoái hóa niêm mạc mũi xoang - sự hình thành polip trong hốc mũi, dịch choán chỗ trong hốc mũi và xoang (các khoang cộng hưởng).

Các dị hình hốc mũi: Các mào vách ngăn lớn cản trở đường thở hoặc thay đổi van chuyển luồng không khí khi đi vào hốc mũi của một van nằm trên vách ngăn.

Các dị vật hốc mũi: như các loại hạt, chất vô cơ, sỏi mũi...

Do các khối u lành tính hoặc ác tính...

Bên cạnh triệu chứng ngáy sẽ là triệu chứng của các bệnh đi kèm: Biểu hiện chảy mũi, ngạt mũi, hắt hơi, thay đổi màu sắc niêm mạc hốc mũi và dịch trong các ngách xoang (viêm mũi xoang), biểu hiện mào hoặc gai vách ngăn (dị hình), mủ thối 1 bên kèm chảy máu mũi, ở trẻ em (dị vật mũi).

Bệnh lý khối u hốc mũi: Ngạt tắc mũi, chảy máu lờ lờ máu cá một bên ở người trên 40 tuổi, dị cảm vùng mặt...

Nỗi khổ ngủ ngáy và cách xử lý

Nguyên nhân tại họng:

VA - amiđan quá phát (độ 3 hoặc 4 ) làm cản trở luồng khí qua họng mũi, họng miệng, bên cạnh ngủ ngáy những người VA và amiđan quá phát đều có cảm giác nuốt hơi bị cản trở.

Do lưỡi gà dài nên lúc thở khi ngủ không đóng lên mà thõng xuống họng, lưỡi gà dài thường đi kèm đáy lưỡi phì đại, tụt toàn bộ khối lưỡi về phía thành sau họng khi ngủ, làm đường thở hẹp lại.

Do khối mỡ thành sau họng phát triển;

Phì đại cơ đáy lưỡi: Hiện tượng phì đại cơ đáy lưỡi làm khoảng không gian trong vùng họng miệng hẹp lại.

Các khối u vùng họng miệng như u amidan, u hạ họng - thanh quản

Nguyên nhân ở hạ họng - thanh quản

Các viêm nhiễm dẫn đến tình trạng phù nề niêm mạc đặc biệt phù Quink trong dị ứng đồ uống. Các khối u vùng hạ họng thanh quản: u lành (u nang...), u ác tính (ung thư hạ họng, thanh quản... Tuyến giáp lạc chỗ xuống hạ họng.

Ngáy ngủ có điều trị được không?

Trước tiên ngáy ngủ có thể xử lý bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt:

Tư thế ngủ: Nằm nghiêng giúp giảm bớt tình trạng này. Giảm cân (nếu thừa cân, béo phì). Hạn chế uống bia rượu trước khi ngủ, vì rượu bia gây giảm trương lực cơ bao gồm cả cơ họng. Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá do gây kích thích đường hô hấp. Tạo thói quen ngủ nghỉ điều độ, vì người thiếu ngủ tinh thần mệt mỏi dễ dẫn đến ngủ ngáy. Không nên sử dụng các thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào gây giảm trương lực cơ vùng họng. Ngủ ở vị trí đầu cao: Sử dụng gối cao giúp khai thông đường thở. Không nên ăn nhiều vào bữa tối, nhất là bơ sữa.

Tập thể dục thường xuyên vừa giảm được cân, lại tăng lượng oxy cung cấp cho não.

Sử dụng thiết bị hỗ trợ:

Người ngủ ngáy có thể sử dụng thiết bị mở rộng mũi khi ngủ để giúp thở qua đường mũi dễ dàng hơn. Ngoài ra còn có thiết bị nâng hàm dưới để nâng lưỡi lên trên trong lúc ngủ. Thở máy với áp lực dương.

Điều trị theo nguyên nhân:

Điều trị viêm nhiễm vùng mũi họng như viêm mũi xoang, VA, amidan, phù Quincke; Lấy dị vật mũi. Phẫu thuật cắt cuốn mũi  trong trường hợp viêm mũi quá phát cuốn dưới; Chỉnh hình vách ngăn; Điều trị nội hoặc phẫu thuật trong viêm mũi xoang; Phẫu thuật lấy khối u...

Các phương pháp phẫu thuật chữa ngáy

Phẫu thuật chỉnh hình họng màn hầu lưỡi gà (UPPP): loại bỏ tất cả hoặc một phần của: Lưỡi gà (phần trên cổ họng); Vòm mềm (phần sau vòm miệng); Amidan.

UPPP giúp mở rộng phần giữa cổ họng để giúp không khí lưu thông tốt hơn.

Phẫu thuật LAUP với sự hỗ trợ của tia laser, Coblator... để làm giảm kích thước của vòng mềm và lưỡi gà mở rộng đường hô hấp

Phẫu thuật gia cố vòm miệng: Đốt những phần mềm ở vòm miệng để tăng độ cứng cáp. Phương pháp này hiệu quả vì ngáy ngủ xảy ra khi các phần mềm ở vòm miệng ngăn cản không khí lưu thông.

Cắt bỏ mô tế bào bằng tần số vô tuyến (RFTA -somnoplasty) sử dụng tần số vô tuyến để tạo các vết thương có kiểm soát trên phần mềm ở vòm miệng để làm các mô thừa xung quanh co lại. Phương pháp này cũng giúp thông đường hô hấp, do đó hạn chế ngáy ngủ.

Phương pháp tiêm snoreplasty: Tiêm hóa chất vào phần mềm nhằm giảm kích thước của đáy lưỡi, mô mỡ thành sau họng...

Phẫu thuật chèn mô cấy: Chèn một mô cấy hẹp vào trong phần mềm vòm miệng. Mục đích của phương pháp này nhằm gia cố vòm miệng để hạn chế sự rung của khối cơ vùng họng miệng và khoang miệng.

Phẫu thuật bằng phương pháp sử dụng sợi polime: Khâu treo các tổ chức: màn hầu, lưỡi gà... mở rộng khoang miệng, họng và hạ họng.


PGS.TS. PHẠM THỊ BÍCH ĐÀO
Ý kiến của bạn