Biếng ăn là chuyện của trẻ nhỏ nhưng là vấn nạn của nhiều gia đình, là cuộc chiến không cân sức, dai dẳng, quyết liệt giữa cha mẹ, ông bà, người giúp việc và “em bé”, mà bên thua cuộc luôn là người lớn. Nhiều gia đình, mỗi khi đến giờ ăn, là phải bày đủ loại đồ chơi, cho trẻ nghịch nước, xem tivi, chơi iPad, có khi bố hoặc ông nhảy múa bày trò để mẹ, bà, người giúp việc đánh vật ra cố gắng đút, ép dù chỉ được một thìa cháo. Hoặc nhiều cha mẹ bế trẻ ra đường đi “ăn rông”, lừa lừa khi trẻ không để ý đút một miếng. Bữa ăn kết thúc thường cả 1 - 2 tiếng sau, mọi người đều mệt nhoài mà có khi còn không hết được suất ăn mong đợi. Thậm chí biếng ăn còn gây căng thẳng giữa cha mẹ, ông bà và có khi là nguyên nhân của mọi sự “mất đoàn kết” nội bộ trong gia đình.
Biếng ăn ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân nên để giải quyết triệt để tình trạng này đòi hỏi người chăm trẻ cần nhận định rõ trẻ yêu của mình biếng ăn do nguyên nhân nào. Khi trẻ mới có biểu hiện biếng ăn, thông thường do một nguyên nhân, nhưng biếng ăn để tình trạng này kéo dài, có sự đan xen của nhiều nguyên nhân vừa thực thể vừa tâm lý, lúc này việc xử lý sẽ khó khăn gấp bội.
Ảnh minh họa
Biếng ăn sinh lý: trẻ biếng bú biếng ăn khi học lật lẫy bò đi, khi mọc răng... nhưng vẫn vui chơi bình thường cha mẹ đừng có xoắn, sau 1 - 2 tuần sẽ tự qua thôi.
Biếng ăn bệnh lý:
- Nhiễm siêu vi, bệnh tay chân miệng, viêm mũi họng, viêm amiđan, viêm phế quản…
- Bệnh lý răng miệng như viêm nướu, lở miệng, sâu răng…
- Các rối loạn của đường tiêu hóa: tiêu chảy, táo bón, viêm dạ dày ruột…
Khi trẻ bắt đầu chớm bệnh hoặc khi đang bệnh đương nhiên trẻ lười ăn chút, đừng cố ép trẻ ăn mà cho trẻ ăn loãng hơn bình thường, ăn từng ít một, hãy tôn trọng con, người lớn mình cũng có ngày uể oải ăn không ngon mà. Việc quan trọng là cho con đi khám để tìm bệnh lý và điều trị dứt điểm bệnh, khi hết bệnh cho trẻ ăn tăng bữa và tăng chất lượng bữa ăn để trẻ mau phục hồi lại cảm giác ăn ngon miệng.
Biếng ăn do sai lầm của người chăm trẻ từ lúc ăn dặm như cho trẻ ăn bột quá sớm hoặc ăn đơn điệu, nhàm chán, thiếu chất; cho trẻ ăn cháo xay kéo dài dẫn đến trẻ ngán hoặc trẻ nuốt trỏng, dần dần mất phản xa nhai và càng biếng ăn; cho trẻ ăn cơm sớm dẫn đến trẻ ăn không đủ cả số lượng và chất lượng bữa ăn.
Biếng ăn do trẻ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng: trẻ bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột hay bé bị suy dinh dưỡng: làm trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng, lâu ngày càng biếng ăn. Trường hợp này cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn cụ thể nhé.
Biếng ăn do thuốc: một số trường hợp, khi trẻ hắt hơi, sổ mũi, ho… cha mẹ hay tự ý mua kháng sinh cho trẻ uống, lâu dài sẽ gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột, giảm quá trình lên men thức ăn, làm trẻ sẽ ăn uống không ngon miệng. Một số trường hợp bé biếng ăn do bị cho uống vitamin liều cao kéo dài, hoặc do ngưng đột ngột các thuốc kích thích ăn.
Biếng ăn tâm lý: do cha mẹ chưa hiểu tâm lý của trẻ hoặc do chính tâm lý của cha mẹ.
Nên cho trẻ tham gia vào việc đi chợ, lựa chọn thực phẩm, phụ mẹ chế biến thức ăn...
- Cha mẹ chưa nắm bắt được tâm lý của trẻ nên không biết cách dụ bé ăn, không biết cách khích lệ trẻ mà làm trẻ căng thẳng trong bữa ăn, dần dần biếng ăn sẽ tăng lên.
Trẻ con có đặc điểm mau chán, vì vậy cha mẹ cần đổi món ăn của trẻ cho đa dạng.
Trẻ con thích bắt chước, vì vậy cha mẹ là những người cần làm gương trong ăn uống để con noi theo: ba mẹ vừa ăn vừa chê ỉ chê ôi, đừng mong con chịu ăn và khen ngon cho được.
Trẻ con mải chơi, thích khám phá, hiếu động… vậy hãy biến bữa ăn thành cuộc chơi như ăn thi, cần cho trẻ tập trung vào khám phá bữa ăn thay vì dán mắt vào tivi, điện thoại. Và nhớ luôn khen ngợi mỗi khi con ăn ngoan và có hành vi tốt, lờ đi và không nên la mắng khi con nhợn ói (có thể cố tình dọa ói) hay nhè thức ăn…
Trẻ lớn hơn thường bướng bỉnh, thích khẳng định cái tôi của mình, nên dễ phản ứng trước những yêu cầu của cha mẹ, kể cả trong việc ăn uống. Nên cho trẻ tham gia vào việc đi chợ, lựa chọn thực phẩm, phụ mẹ chế biến thức ăn… Khi trẻ được tham gia (cho dù là chỉ phá thêm), khi bé được hỏi ý kiến sẽ dễ dàng chấp nhận ăn món mà trẻ đã chọn.
- Tâm lý của cha mẹ: ép con ăn quá mức do thấy con mình ăn ít hơn con hàng xóm, khi thấy con mình không to bằng bé nhà bên... làm trẻ sợ ăn. Cha mẹ cần nắm biểu đồ tăng trưởng bình thường theo tuổi, tránh tâm ý thích trẻ bụ bẫm mà ép trẻ ăn quá mức nhu cầu. Cho dù trẻ có hơi thiếu so với chuẩn, nhưng nếu trẻ ăn uống ngon miệng, hào hứng, vui chơi và khỏe mạnh, cha mẹ không cần can thiệp.
Tóm lại, cha mẹ đừng vì không hiểu tâm lý của con mà biến bữa ăn thành trận chiến trong tiếng tiếng la hét và nước mắt. Hãy để trẻ cảm nhận sự thú vị của bữa ăn và tình yêu thương của cha mẹ.