Hà Nội

Nỗi khổ của vợ chồng ve chai nhặt được 5 triệu Yen Nhật

04-09-2014 16:37 | Thời sự
google news

Từ khi nhặt được 5 triệu Yen Nhật cuộc sống của vợ chồng chị Hồng đã xảy ra nhiều xáo trộn. Thậm chí, chồng chị phải bỏ nghề mua ve chai về quê làm ruộng vì không chịu được áp lực của dư luận.

Từ khi nhặt được 5 triệu Yen Nhật cuộc sống của vợ chồng chị Hồng đã xảy ra nhiều xáo trộn. Thậm chí, chồng chị phải bỏ nghề mua ve chai về quê làm ruộng vì không chịu được áp lực của dư luận.

Khổ vì "kho báu"

Đầu tháng 9/2014, chúng tôi quay trở lại hẻm 84 đường Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) nơi thuê trọ của vợ chồng anh Trịnh Minh Vương (36 tuổi) và chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (34 tuổi), đây là cặp vợ chồng đã nhặt được 5 triệu Yên Nhật (tương đương hơn 1 tỷ đồng tiền Việt Nam) trong chiếc loa thùng cũ gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua.

Điều bất ngờ mà phóng viên ghi nhận là anh Trịnh Minh Vương đã trở về quê nhà làm ruộng vì không chịu được áp lực, điều tiếng xung quanh việc nhặt được “kho báu”.

Bỏ chiếc bao đựng đầy vỏ chai xuống đường chị Huỳnh Thị Ánh Hồng tâm sự: “Từ lúc may mắn nhặt được tiền đến giờ cuộc sống hai vợ chồng có nhiều xáo trộn. Lúc ban đầu chúng tôi phải thay nhau tiếp khách, có người đến chia vui, hỏi thăm nhưng cũng không ít người đến xin tiền, đặc biệt là có những người xăm mình vằn vệt lởn vởn ngoài hẻm. Họ tự nhận là chủ nhân của số tiền và đến đòi lại. Không chỉ vợ chồng tôi mà những người trong xóm trọ đều sợ”.

“Vợ chồng tôi có 2 đứa con, cháu lớn học lớp 7 còn cháu nhỏ học lớp 1. Cuộc sống ở quê khó khăn phải gửi con lại cho người thân chăm sóc rồi khăn gói vào thành phố đi mua ve chai. Ở đây phải thức khuya dậy sớm tuy có vất vả nhưng cũng có đồng ra đồng vào lo cho con ăn học.

Từ ngày nhặt được hộp tiền, người nói ra, nói vào, chúng tôi lại ít học nên hai vợ chồng chẳng biết cư xử thế nào. Chịu quá nhiều áp lực, anh Vương đã về quê làm ruộng, chăn bò và chăm sóc con. Mình tôi ở thành phố tiếp tục với công việc để có tiền gửi về cho con ăn học” – Chị Hồng chia sẻ.

Đến giờ chị Hồng vẫn nhớ như in khoảnh khắc phát hiện ra “kho báu” trong chiếc loa cũ. Hôm đó vào chiều 21/3, sau khi đi mua ve chai không được nhiều, vợ chồng chị mới đem chiếc loa cũ mua vào cuối năm 2013 trên đường Trần Văn Quang (quận Tân Bình) ra trước hẻm tháo ốc vít, phân loại để lấy sắt, đồng...

Vừa bung chiếc loa ra thì phát hiện bên trong có một hộp gỗ dài khoảng 20cm, rộng khoảng 15 cm và khá sâu. Mày mò mãi anh Vương mới mở được chiếc hộp ra thì bỗng có vài tờ tiền bay ra ngoài nên những người đứng gần đó nhìn thấy.

Một mình chị Hồng ở lại TP.HCM tiếp tục mua ve chai và chờ ngày được "hưởng lộc"

“Cầm tờ tiền lên thì nhìn thấy chữ ngoằn nghèo nên nghĩ là tiền âm phủ, chứ đâu có biết là tiền Nhật” – Chị Hồng kể.

Nghe những người hàng xóm nói vợ chồng chị Hồng mới biết là tiền Yên của Nhật. Kể từ đó tin đồn về vợ chồng mua ve chai trúng “kho báu” lan đi rất nhanh. Chỉ vài giờ sau rất nhiều người đã kéo đến trước cửa phòng trọ gây xin tiền, đòi ăn chia. “Họ truyền tai nhau vợ chồng tôi nhặt được tiền Nhật, có giá trị lớn, nghe vậy chúng tôi càng lo lắm. Sau đó cả hai vợ chồng quyết định trình báo sự việc lên công an” - Chị Hồng khẳng định.

Sau khi tiếp nhận, làm các thủ tục cần thiết, hiện công an quận Tân Bình đã đem số tiền trên hiện được gửi cho ngân hàng trên địa bàn quận. Đồng thời ra thông báo tìm chủ sở hữu. Một năm sau mà không ai tới nhận thì sẽ chuyển cho tòa án áp dụng pháp luật dân sự để định đoạt số tiền trên có thuộc về người lượm ve chai hay không và được hưởng bao nhiêu.

“Hai vợ chồng cùng đầu tắt mặt tối, chưa bao giờ dám mơ đến một ngày mình sẽ nhặt được tiền lớn như vậy. Nếu tìm được chủ thật sự thì trả cho họ, còn nếu hết thời hạn theo quy định của pháp luật không ai đến nhận thì tôi mong được nhận lại để nuôi con ăn học, trả ơn những người đã giúp mình và có chút vốn làm ăn”, chị Hồng chia sẻ.

Vợ chồng người mua ve chai có được hưởng trọn 5 triệu Yen?

Liệu vợ chồng người thu mua ve chai nghèo khó có được nhận "kho báu" đã tìm thấy trong chiếc loa cũ - (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người nhặt được tài sản không được quyền chiếm hữu mà phải có nghĩa vụ giao trả nếu biết thông tin liên hệ của chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp. Trường hợp, người nhặt không biết được thông tin chủ nhân tài sản thất lạc thì phải thông báo và giao nộp vật đó cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan chức năng gần nhất để công khai thông tin cho chủ sở hữu nhận lại.

Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật đó có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó sẽ thuộc sở hữu của người nhặt được.

Nếu giá trị của vật vượt quá 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ đi chi phí bảo quản, người nhặt sẽ được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định cộng với 50% giá trị của phần vượt quá; phần giá trị còn lại sẽ thuộc Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Trường – Văn phòng Luật sư Trường, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng vợ chồng chị Hồng có quyền thụ hưởng hết số tiền trên. Luật sư Trường khẳng định, sẽ không có sự phân chia phầm trăm nào cả từ số tiền 5 triệu Yên. Hoặc là tìm được chủ sở hữu thật sự của hộp gỗ có số tiền 5 triệu yên trên, hoặc là vợ chồng người thu mua ve chai hưởng trọn toàn bộ số tiền này.

Luật sư Trường cho biết, theo quy định, vợ chồng chị Hồng đã đúng. Và theo tình thì chị Hồng rất thật thà cũng như đầy lòng tự trọng khi giao nộp số tiền đã nhặt được cho cơ quan công an. Ở đây, dù chị Hồng đã bỏ ra 100 ngàn đồng để mua lại cái thùng sắt có chứa 5 triệu Yên, nhưng số tiền này không nằm trong giao dịch mua bán đó. Đơn giản, nếu người đàn ông bán cái thùng sắt cho chị Hồng biết có 5 triệu Yên bên trong, chắc chắn họ sẽ không bán.

 

Căn phòng trọ là nơi thu mua ve chai và vợ chồng chị Hồng đã phát hiện ra hơn 5 triệu Yen Nhật trong chiêc loa cũ

"Nếu sau một năm, cơ quan có thẩm quyền loan tin, không có người xác nhận là chủ sở hữu của khối tài sản này, thì 5 triệu Yên sẽ thuộc về gia đình chị Hồng. Cho đến giờ, vẫn chưa có luật định về việc đóng thuế khi nhặt được của rơi nên chị Hồng cũng không phải đóng thuế khi nhận số tiền này. Chắc chắn là không có cơ sở pháp lý trong việc chia chác này. Nếu có, chỉ là thỏa thuận giữa chị Hồng và người khác”, luật sư Trường khẳng định.

Theo Trung Kiên


Ý kiến của bạn