Lớp học không phân theo độ tuổi
Lớp học tình thương đầu tiên được mở tại Chính tòa giáo phận Hải Phòng kể từ năm 2002. Thời điểm đó, thanh niên tình nguyện trong thành phố đi tới các khu vực bến chài có ngư dân sinh sống và phát hiện còn nhiều em nhỏ bị thất học.
Với tinh thần chia sẻ cộng đồng, nhóm thanh niên tình nguyện đã cắt cử nhau tới kèm cặp các em. Sau thời gian ngắn, nhận thấy việc kèm cặp cần được tập trung nên Nhà thờ Chính tòa thành phố Hải Phòng quyết định mở lớp dạy kèm cho các em tại số 46 Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng với sự trợ giúp của các sơ, giáo viên trong nhà thờ.
Đến năm 2005, mô hình lớp học tình thương đã được nhà nước công nhận là lớp học phổ cập. Theo đó, được sự nhất trí của chính quyền địa phương và BGH trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (gần Nhà thờ) vào hàng tuần đều cắt cử giáo viên luân phiên sang hỗ trợ giảng dạy cho các em học sinh.
Cùng từ đây, những học sinh của lớp học tình thương được học giảng dạy chương trình như ở các trường phổ thông do ban giám hiệu trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng quản lý.
Đối tượng của các lớp học chủ yếu là các em học sinh mồ côi, có bố mẹ làm nghề đánh bắt, tự do, luôn luôn trong tình trạng "nay đây, mai đó", hoàn cảnh khó khăn.
Nữ tu Maria Khổng Thị Hải Yến – một trong những người đã gắn bó với các lớp học ngay từ những ngày đầu tiên cho biết: "Sĩ số lớp học tình thương vừa bế giảng năm học có 38 em, độ tuổi từ 6 – 15, đều có hoàn cảnh đặc biệt. Thông qua những lớp học, đa số là các em biết đọc, viết chữ. Ngoài ra còn bổ sung cho các em những kiến thức xã hội cần thiết cho cuộc sống sau này. Có một vài em còn tiếp tục học đến cấp Đại học và đã ra trường, đi làm".
Các thầy cô giảng dạy tại các lớp học tình thương hoàn toàn dạy học miễn phí cho các em học sinh. Nhà thờ hiện có 3 lớp học, có duy nhất lớp 1 là học riêng còn lớp 2,3 và lớp 4,5 là học ghép. Các lớp học được phân chia theo kiến thức, không phân theo tuổi.
Lớp học đặc biệt với giáo trình đặc thù
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết những đứa trẻ của lớp tình thương đều có hoàn cảnh quá khó khăn hoặc chính cha mẹ lại không biết chữ.
Thương hoàn cảnh các em, chánh tòa giáo xứ đã cùng chính quyền kêu gọi phía các trường lân cận cử giáo viên tới nhà thờ giảng dạy, kèm bọn trẻ học.
Nhà thờ chỉ tạo điều kiện dạy các em đến hết tiểu học, lên đến trung học thì buộc phải đến trường. Những gia đình nào có điều kiện sẽ làm thủ tục xin học cho con, còn những gia đình khó khăn đành để bọn trẻ ở nhà, theo cha mẹ lênh đênh trên thuyền hoặc bán hàng rong trên đường kiếm sống phụ gia đình.
Có 3 phòng học dành cho bọn trẻ từ độ 6 đến 11 tuổi, chia làm 3 lớp (lớp 1, lớp 2, 3 và lớp 4, 5) được bố trí tại khuôn viên nhà thờ. Các em đến học đều được hỗ trợ 100% sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục đến lớp.
Theo lời nữ tu Hải Yến, do phần lớn học sinh đều có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, nhiều em phải đi kiếm tiền phụ giúp cho gia đình nên việc theo đuổi con chữ cũng bị ảnh hưởng. Việc giao bài tập về nhà đối với các em cũng phải hạn chế đến mức tối thiểu. Có những em phải nghỉ học để theo bố mẹ kiếm tiền mưu sinh, đến khi về nhà mới tiếp tục được việc học. Vì thế, kiến thức bị rơi rụng, gián đoạn khá nhiều.
Nhà thờ luôn luôn đôn đốc, làm việc tích cực với phía gia đình của các em học sinh để các em có thể tham gia đầy đủ được các buổi học trên lớp. Tuy nhiên, việc này cũng gặp khá nhiều những khó khăn do phần lớn gia đình các em đều thuộc diện "không hoàn thiện", bố mẹ các em đều đi làm xa, có em ở với ông bà do bố mẹ ly hôn hoặc đã mất.
Theo chia sẻ của một số thầy cô tham gia giảng dạy tại lớp học này, khó khăn lớn nhất của các thầy cô giáo có lẽ là việc giảng dạy cho các em học sinh lớp 1. Các em có sự chênh lệch về trình độ khá lớn bởi chênh lệch độ tuổi, ý thức với việc học chưa tốt, thậm chí có em còn bỏ ngang nên các thầy cô luôn tìm phương pháp giảng dạy khác nhau phù hợp với từng em. Ngoài ra, khi ở nhà, các em không có sự kèm cặp từ phía bố mẹ bởi có người thì bận, có người lại không biết mặt chữ.
Khác với những lớp học phổ thông tại các trường tiểu học, một tiết học tại các lớp học tình thương phần lớn là những kiến thức lý thuyết cơ bản nhưng được thầy cô biên soạn lại sao cho các em dễ tiếp nhận.
Cô Đỗ Thu Hiền, người đồng hành cùng lớp học tình thương hơn 5 năm qua chia sẻ: "Các em đến từ nhiều nơi khác nhau, chủ yếu là theo đạo, sống ngụ cư ở xóm chài và có hoàn cảnh khó khăn, có em có giấy khai sinh, có em không có, có em còn mắc chứng tâm thần. Dù vậy, các em khi đến lớp đều rất ngoan, chăm học. Có những bạn nhà xa nhưng vẫn tự đạp xe đến, không bỏ buổi học nào. Nhưng có nhiều em học một thời gian bỏ để ở nhà phụ giúp bố mẹ, nhà thờ cũng phải đi vận động suốt các em mới học trở lại…".
Cô Hiền chia sẻ thêm, nhìn chung các em đều có chung điểm yếu là hạn chế về mặt kiến thức. Thường nhóm học sinh lớp 2, lớp 3 ngoan và có ý thức phấn đấu trong học tập hơn các bạn lớp khác. Năm học vừa qua, giáo viên gặp khó khăn trong việc dạy và ổn định lớp đối với nhóm lớp 1 và lớp 5 bởi một số bạn thường xuyên la hét trong giờ học. Có những em bị học chậm hơn một vài năm so với các bạn nhưng được đi học thấy cháu nào cũng vui".
"Chỉ cần các em học sinh vẫn tìm đến để theo học, nhà thờ chúng tôi sẽ cố hết sức hỗ trợ" – Tu sĩ Maria Khổng Thị Hải Yến bày tỏ.
Bên cạnh việc cung cấp những kiến thức trên lớp, nhà thờ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào những ngày lễ cho các em học sinh của lớp học tình thương. Vào những ngày như Tết thiếu nhi, Tết trung thu, Giáng sinh… các em học sinh đều được khuyến khích tham gia các hoạt động văn nghệ, vui chơi do nhà thờ tổ chức. Những ngày như lễ khai giảng, tổng kết, các em học sinh đều được khen thưởng, trao phần quà như ở các trường phổ thông.
Trung bình mỗi năm, nhà thờ sẽ đón số lượng học sinh từ 30 đến 40 em đến học. Đặc biệt vào năm 2002, số lượng học sinh còn lên tới 80 em. Và thời gian tới, nhà trường vẫn tiếp tục tổ chức các lớp học tình thương để hỗ trợ các em theo học vào các trường trung học cơ sở trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượng các em học lên bậc cao hơn hiện đang gặp hạn chế do khó khăn về thiếu giấy tờ, học bạ,…
Trong năm học vừa qua, có 7 em học sinh ở các lớp học tình thương tiếp tục xin học lên bậc trung học cơ sở. Phần lớn các em đều tiếp tục học lên cao tại các trường trung học cơ sở trong cùng khu vực như trường trung học cơ sở Hồng Bàng, Phan Bội Châu, Trần Văn Ơn… với sự giúp đỡ của nhà thờ và BGH Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng về các thủ tục giấy tờ.
Mời quý vị xem thêm video khác dưới đây:
Khai giảng ở trường Khiếm thính Hải Phòng