Nhiều người phụ nữ quanh năm tần tảo, giàu đức hy sinh ở huyện Khánh Hòa không còn phải thổn thức những tiếng nấc nghẹn ngào, không còn nỗi ám ảnh trước những trận đòn roi của chồng mà thay vào đó là những yêu thương, đầm ấm. Có được điều ấy là nhờ các Câu lạc bộ (CLB) Gia đình bền vững đã thành công và như mạch nước ngầm tưới tắm vào cuộc sống.
Xua tan ám ảnh bạo lực
Mùa hè năm 2014, chị Mấu Thị Thanh, Mấu Thị Thiên ở xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) khóc như mưa gió, chân tập tễnh sách đồ bỏ nhà lên rẫy sắn ở vì cứ say rượu là chồng lại đánh chửi liên miên. Cuộc sống của các chị trôi qua trong sự trì nặng, nước mắt. Chị Thanh bộc bạch: “Vì ở vùng cao này ít việc nên các ông chồng hay tụ tập nhau đi la cà nhậu nhẹt. Trong nhà lương thực lại hết. Chúng tôi can ngăn mà không được còn bị đánh đập nữa. Bí bách chẳng biết làm sao cả”.
Chị em xã Sơn Hiệp (Khánh Hòa) giao lưu văn nghệ.
Nỗi ám ảnh của chị Thanh, chị Thiên và nhiều phụ nữ vùng sơn cước ấy đã được Hội Phụ nữ xã Sơn Hiệp thấu hiểu và động viên kịp thời. Mô hình CLB Gia đình bền vững đầu tiên ở xã Sơn Hiệp được thành lập. Ở đó quy tụ những phụ nữ có khả năng hòa giải, mềm dẻo để trang bị những kiến thức hữu ích về cuộc sống gia đình. Từ đó, các thành viên thường xuyên đọc tài liệu, tham gia các cuộc tập huấn về các quy chuẩn phát triển gia đình bền vững. Đặc biệt là nghệ thuật giảng hòa và hóa giải các mâu thuẫn dẫn đến xung đột và bạo lực gia đình (BLGĐ).
Ngay sau khi ra đời vào giữa năm 2015, các thành viên trong CLB đã say mê đến các buôn làng, đặc biệt là những gia đình đang chịu ám ảnh của bạo lực như nhà chị Thanh, chị Thiên và nhiều chị em khác để làm công tác tư vấn, hòa giải. Mưa dầm thấm lâu, nghe các chị em tâm sự, phân tích cặn kẽ nỗi khổ ải của người vợ, những lo toan trong cuộc sống, những hướng đi tốt để vừa bảo đảm cuộc sống gia đình vừa có ích cho xã hội. Anh Pi Hải, chồng chị Thanh và anh Pi Hồng Thong, chồng chị Thiên đã không còn đánh chửi vợ, cũng không còn nhậu nhẹt say sưa nữa. Nhiều gia đình khác trong địa bàn xã thường xảy ra tình trạng tương tự cũng được các thành viên trong CLB phối hợp các già làng đến hóa giải thành công.
Già làng Pi Năng Tý cho biết: “BLGĐ ở vùng cao, vùng sâu là vùng bùng phát mạnh nhất vì điều kiện kinh tế lẫn nhận thức của nhiều ông chồng còn eo hẹp. Hơn nữa, các bà vợ lại thiếu sự khôn khéo nên xung đột diễn ra. Việc hình thành mô hình này rất tốt, rất hiệu quả”. Ban đầu CLB có gần 20 thành viên nhưng đến nay đã có gần 50 thành viên. Không chỉ làm sứ mệnh xóa bỏ BLGĐ mà còn phổ biến về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình bền vững. Bà Mai Thị Ghi - Chủ nhiệm CLB cho biết: Không chỉ giải quyết hiệu quả các vụ bạo lực gia đình mà còn ngăn cản hàng loạt vụ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Khoảng giữa năm 2015, hàng trăm CLB Gia đình bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được thành lập cũng đã phát huy hiệu quả.
Đoàn kết, chia sẻ
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng, thành viên nòng cốt CLB Gia đình bền vững Quảng Hội (Vạn Ninh) tâm sự: Cơ sở cũng là điểm sáng ở Khánh Hòa. Trước đây, các làng chài ở huyện Vạn Ninh này hay lục đục gia đình lắm. Nhất là mùa biển động. Chúng tôi không quản mưa gió, giông bão đi tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp để các gia đình gắn bó hơn. Các buổi sinh hoạt được tổ chức linh hoạt, nhân rộng ra, mời hầu hết các gia đình đến. Sau khi thông tỏ ý nghĩ, hiểu rõ Luật Hôn nhân Gia đình, hiểu rõ trách nhiệm sẻ chia, đùm bọc trong cuộc sống gia đình rồi thì không còn cảnh “cơm không lành, canh không ngọt nữa”.
Tuyên truyền nói không với bạo hành gia đình.
Có được sự đầm ấm rồi, để các gia đình tương trợ, giúp nhau làm ăn thì các thành viên chúng tôi còn tổ chức kết nghĩa các hộ gia đình, cam kết thi đua làm ăn trong các thôn, xã. Hàng tuần, hàng tháng lại gặp nhau để trao đổi, thảo luận phương thức làm ăn mới, cách phát triển kinh tế. Từ những buổi gặp gỡ, giao lưu này, các gia đình ngư dân chia sẻ các kinh nghiệm hay mình có được cho các gia đình khác. Cuối mỗi buổi sinh hoạt cùng nắm chặt tay nhau và hứa đoàn kết làm ăn, không gây xung đột với hàng xóm, với gia đình.
Ngư dân Nguyễn Hoàng Trung, ở xã Vạn Hưng cho biết: Trước đây mình có biết dùng lưới mắt mèo hay các kiểu đánh bắt bằng thuyền thúng đâu. Những cách làm ăn mới này đều học được từ những buổi giao lưu, gắn kết gia đình do CLB Gia đình bền vững Quảng Hội tổ chức đấy. Mình không chỉ có thêm kinh nghiệm về đời sống gia đình còn có thêm kiến thức về nhiều mặt khác của đời sống xã hội. Gia đình thương yêu nhau hơn, kinh tế ổn định, không còn thấy bế tắc và gò bó nữa.
Anh Trần Văn Quốc, ở xã Vạn Thắng cũng tâm sự: “Trước kia cứ túng quẫn đi biển mà không trúng được mẻ cá nào là về chỉ biết đi uống rượu, đánh chửi vợ. Giờ tham gia các buổi giao lưu phát triển gia đình bền vững, tôi quen được nhiều người mới, được giúp đỡ tận tình làm ăn và cách xây dựng hạnh phúc. Tôi mở mang ra rất nhiều. Ban đầu thấy các chị em trong CLB đến phân tích, chia sẻ, tôi còn đuổi về nhưng dần dần tôi đã thấu hiểu”.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao Khánh Hòa, bình quân mỗi năm Khánh Hòa có hơn 100 vụ bạo lực gia đình, trong đó khoảng 91% bạo lực do người chồng gây ra và đa số là bạo lực thân thể. Tình trạng bạo lực xảy ra làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Chính các CLB Gia đình bền vững đã góp phần to lớn trong việc ổn định cuộc sống, nâng cao dân trí, tránh các tổn thương do bạo lực gia đình gây nên. Các CLB kịp thời phát hiện, can thiệp, giải quyết các vụ bạo lực gia đình nếu xảy ra. Trên nền tảng đó, tạo nên khối đoàn kết giúp nhau làm ăn, đỡ đần nhau lúc túng quẫn, sự gắn bó trong cộng đồng được thắt chặt hơn. Hiện nay, hều hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều đã thành lập được mô hình góp phần phát triển gia đình bền vững.
Là người đầu tiên nghiên cứu về BLGĐ ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1989, GS.TS. Lê Thị Quý nhận thấy nhiều hạn chế trong phòng chống BLGĐ. Việc chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết sẽ mất nhiều thời gian, nên cần lắm những địa chỉ tin cậy, nơi lánh nạn tạm thời, sau đó các cơ quan chức năng và cộng đồng chung tay hỗ trợ. Tìm hiểu ở nhiều nước trên thế giới, GS. Quý chỉ thấy phương pháp duy nhất là mô hình “Nhà tạm lánh”, các CLB phòng chống BLGĐ có sự quản lý của nhà nước. Ngay như nước Đức, vào thời điểm năm 2000, dân số tương đương với Việt Nam, mà có tới 600 “Nhà tạm lánh”. Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ có hai cơ sở của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. GS. Lê Thị Quý cho hay: “Tôi rất trăn trở. Thế nhưng xây dựng “Nhà tạm lánh” hết sức tốn kém và điều kiện kinh tế chưa cho phép. Thứ nữa, nếu là địa chỉ nhiều người biết thì người gây bạo lực sẽ đến phá phách, dư luận đổ lỗi cho người đi tạm lánh, các địa chỉ tạm lánh cũng xa xôi sẽ không có điều kiện giúp đỡ kịp thời...”.
Để khắc phục hạn chế đó, GS. Quý đã nghĩ đến việc dựa vào cộng đồng để giải quyết những điểm chưa hợp lý với điều kiện ở nước ta. Từ năm 2000, bà xin phép lập dự án xây dựng các “Nhà tạm lánh” tại Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định và được chính quyền địa phương, hội phụ nữ các xã, huyện đã phối hợp tốt và tạo hiệu quả cao. Những địa phương được dự án “chạm” tới đã giảm hẳn tình trạng bạo hành, thậm chí chính những người từng bạo hành vợ con đã trở thành cộng tác viên tích cực trong công tác BLGĐ.