Nơi đồng vọng trái tim...

25-02-2016 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trái tim của con người thường được coi là biểu tượng của tình yêu. Không biết mỗi đời người trái tim có bao nhiêu nhịp đập. Đó chính là “cỗ máy” cơ học hoàn hảo nhất và làm việc với công suất lớn nhất.

Trái tim của con người thường được coi là biểu tượng của tình yêu. Không biết mỗi đời người trái tim có bao nhiêu nhịp đập. Đó chính là “cỗ máy” cơ học hoàn hảo nhất và làm việc với công suất lớn nhất. Đó cũng chính là nơi nhạy cảm nhất để nhận biết và biểu lộ những sắc thái tình cảm: Yêu, ghét, vui, buồn… Nhịp tuần hoàn với những động mạch, mao mạch chở những hồng cầu trên bản đồ chằng chịt nuôi sự sống cơ thể. Một gương mặt hồng hào để có một nụ cười rạng rỡ - đó là hạnh phúc. Đồng vọng của trái tim đó là đồng cảm sẻ chia và âm vọng chung nhau nhịp đập. Có thể khoa học tiến bộ sinh ra những chú rô-bốt thông minh thay thế được bộ não của con người điều khiển được ý nghĩ để có những thao tác chính xác không mệt mỏi nhưng không thể thay được trái tim. Bởi suy cho cùng, người máy cũng chỉ là sự vô cảm của vô vàn con chíp điều khiển. Mới biết trái tim quý biết chừng nào!

Tôi cũng đã một vài lần vào bệnh viện, được tiếp xúc với những thầy thuốc blouse màu trắng: “Đêm thùng thình như chiếc áo blu – Choàng xuống giấc ngủ sau thành phố - Ngoài cửa sổ dập dìu hương hoa sữa. Đất nước mình thêm trẻ trong đêm”. Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết về một ca trực của người nữ hộ sinh như thế. Tôi đã liên tưởng đến màu – nắng trắng. Nhưng có một màu nắng, hơi ấm khác sưởi từ trái tim của người thầy thuốc. Một trái tim nhân hậu, yêu thương và tin cậy biết bao. Chính cái nhịp tim đồng vọng giữa người thầy thuốc với người bệnh đã bắt mạch được những đau đớn, kể cả những bất hạnh của mỗi số phận đời người. Tôi đã nhiều lần ngắm nhìn các cụ lương y bắt mạch cho bệnh nhân. Ngón tay lương y thật ấm nóng và mềm mại, làn da tay cũng đã nhăn nheo theo tuổi tác, nhưng có điều gì kì diệu nhạy cảm mà ông nhận ra được căn bệnh qua những tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng thưa, tiếng nhanh. Tôi hình dung lúc đó trái tim ông cũng chung nhịp đập - ông đau với nỗi đau với cá thể người bệnh. Và chỉ khi gương mặt ông giãn ra, nở nụ cười thở phào thì tôi tin rằng trái tim ông từ nghẹn thắt đã vỡ òa niềm vui khi người bệnh có dấu hiệu tốt.

Thi sĩ Nadin – hitmet (Thổ Nhĩ Kỳ) đã từng thốt lên: Ôi những người thật tốt – Trái tim thường hay đau. Có một thống kê là rất nhiều vĩ nhân thông thái, nhiều bậc danh y nổi tiếng thường hay chết vì bệnh tim phải chăng chính họ thường hay nhạy cảm trước bao biến đổi của nhân tình thế thái, họ lo nỗi lo của mọi người. Họ có những linh cảm, tiên cảm trước những điều có thể xảy ra của những mảng tối xã hội… Khi nhìn các thầy thuốc đang cầm dao kéo để cắt một phần máu thịt của người bệnh tôi lại thấy mừng, phấp phỏng mừng và tin cậy mừng vì chính là lúc đó họ đang nối lại, ươm lại sự sống. Bởi tôi tin trái tim thật sòng phẳng, thật tinh tế, đủ hồng cầu yêu thương để nuôi những phần mất mát đó.

Trong đêm ở bệnh viện thật yên tĩnh. Một tiếng ho khẽ khàng, một tiếng rên nho nhỏ... Tất cả các thầy thuốc trong ca trực đều thu nhận hết bằng một ăng-ten kì lạ, đó là ăng-ten của trái tim…

Hà Tĩnh ngày 21/2/2016


Tản văn của Ngọc Nguyễn
Ý kiến của bạn