Hà Nội

Nỗi đớn đau của đôi vợ chồng già có 4 người con chết vì nhiễm HIV

01-12-2014 14:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ vài năm trời, bốn đứa con cả trai, cả dâu lần lượt mất đi vì căn bệnh thế kỷ, đôi bóng già giờ phải sống lắt lay giữa cái nghèo, cái khổ và bệnh tật.

Chúng tôi tìm đến nhà ông bà dưới cái nắng giữa trưa mùa đông. Căn nhà lá trát vách lọt thỏm giữa sườn dốc. Ấy vậy mà nó lại là nơi che chở cho hai bóng già đau khổ, trơ vơ giữa những đọa đày trần gian. Chỉ vài năm trời, bốn đứa con cả trai, cả dâu lần lượt mất đi vì căn bệnh thế kỷ, đôi bóng già giờ phải sống lắt lay giữa cái nghèo, cái khổ và bệnh tật.

Vợ chồng bà Lê Thị Vân (SN 1949) và ông Lê Ngọc Tiến (SN 1951) trú tại thôn Quyết Thắng 1, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, sinh được sáu người con (năm trai, một gái). Chỉ trong vòng mấy năm bốn người con, trong đó hai con trai, hai con dâu của ông bà lần lượt chết vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Kể về cái chết của những người con, đôi mắt sâu hoắm của bà như vô định lối nhìn.

Từ khoảng năm 2000 trở về trước, gia đình ông bà cũng có cuộc sống bình thường như mọi gia đình khác ở cái đập Bái Thượng – cái tên sau này nổi danh vì tệ nạn ma túy. Con cái của ông bà đều đã đến tuổi lao động, trưởng thành, đứa mở quán sửa chữa xe máy, đứa đi bè mảng, đứa làm thợ mộc, đứa làm ăn xa quê. Những tưởng cuộc sống dù không được dư dả nhưng cũng đủ đầy cho hai thân già. Vậy nhưng, cũng kể từ năm đó, cuộc sống gia đình ông bà đã rẽ sang một hướng khác kể từ khi người con trai đầu là Lê Ngọc Tân dính vào ma túy. Những đồng tiền kiếm được từ nghề sửa chữa xe máy, anh Tân “nướng” hết vào “chất trắng”.

Các con lần lượt ra đi vì căn bệnh thế kỷ khiến bà Vân suy sụp hoàn toàn
Các con lần lượt ra đi vì căn bệnh thế kỷ khiến bà Vân suy sụp hoàn toàn

Năm 1998, anh Tân cưới vợ, ba năm sau vợ chồng anh sinh con gái đầu lòng. Mặc dù đã có vợ con đầy đủ nhưng anh vẫn không bỏ được ma túy. Người vợ phát hiện ra chồng nghiện ngập nên đã bỏ đi. Từ đó, anh càng lún sâu vào tệ nạn. Những cơn nghiện kéo đến mỗi ngày một nhiều, tiền của trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Không còn đủ sức khỏe, tỉnh táo để làm việc, cuộc sống hằng ngày của anh Tân và những con nghiện khác là những cơn nghiện vật vã. Từ hút, anh dần chuyển sang trích.

Là anh cả, sau khi dính vào ma túy, anh Tân đã lôi kéo các em “cùng chơi” với mình. Không thoát được cám dỗ từ “nàng tiên nâu”, các em của anh Tân lần lượt dính vào ma túy. Sau anh Tân là đến con trai thứ hai Lê Ngọc Dân. Dính nghiện ngập, anh Dân cũng bỏ công việc đi bè mảng ngược dòng sông Chu ở nhà quanh quẩn với những cơn thèm thuốc. Sau anh Dân đến lượt con trai thứ ba là Lê Ngọc Ân cũng dính vào ma túy. Nghiện nặng, họ không còn đủ tỉnh táo để phân biệt được những nguy cơ tiềm ẩn từ thứ tệ nạn chết người này. Và rồi cái gì đến cũng đến, từ việc dùng chung kim tiêm với người bị nhiễm HIV, các anh đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Căn nhà lá che chở hai bóng già bệnh tật, nghèo khó
Căn nhà lá che chở hai bóng già bệnh tật, nghèo khó

Thấy cuộc sống nghiện ngập ở quê hương lâm vào bế tắc, anh Lê Ngọc Ân dẫn vợ là Nguyễn Thị Hà cùng con gái vào Nam làm ăn, sinh sống, những hy vọng làm lại cuộc đời. Vậy nhưng, anh Ân đâu ngờ rằng ngoài bản thân anh đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ, anh đã lây sang cho vợ. Vào miền Nam, cuộc sống hai vợ chồng càng long đong khi liên tục bị đau ốm vì căn bệnh phát tác. Bà Vân phải lận đận từ Thanh Hóa vào Nam để chăm cho vợ chồng Ân, sau đó lại phải quay ra Thanh Hóa để chăm cho người con trai cả cũng đang phát bệnh ở nhà. Năm 2006, đau đớn khi phát hiện ra mình mang bệnh, chị Hà quay ra Thanh Hóa được chừng vài tháng thì mất. Đến cuối năm 2011, anh Ân cũng chết trong Nam vì bệnh AIDS. Phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà con mới đủ tiền đưa thi thể người chồng về quê chôn cất. Đến tháng 9/2012, anh Tân cũng không qua khỏi lưỡi hái tử thần vì căn bệnh thế kỷ.

Con trai thứ hai Lê Ngọc Dân nhiễm bệnh rồi lây truyền sang cho vợ là Nguyễn Thị Hạnh. Bị nhiễm bệnh từ chồng, tháng 6/2010 chị Hạnh chết để lại đứa con gái. Hiện tại, anh Dân đang từng ngày lay lắt với bệnh tật và nghiện ngập.

Có lúc nghĩ về lúc các con khi chưa dính vào ma túy ánh mắt bà bừng sáng rồi lại vụt tắt ngay sau đó
Có lúc nghĩ về lúc các con khi chưa dính vào ma túy ánh mắt bà bừng sáng rồi lại vụt tắt ngay sau đó

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, ông Tiến, bà Vân không ngờ có ngày gia đình ông, bà và các con tan nát, đớn đau. Người con trai cả có vợ bỏ đi nên may mắn không bị dính bệnh; người con dâu thứ hai thì đã chết để lại người chồng lay lắt với bệnh và đứa con gái may mắn không bị lây nhiễm; vợ chồng người con trai thứ ba thì đã chết để lại đứa con gái cho ông bà ngoại nuôi. Chán nản, buồn bã, từ khỏe mạnh, ông bà suy sụp, có lúc như phát điên, từ đó sinh ra bệnh tật. Năm 2013, bà phát hiện bị bệnh thoái hóa ruột già nên phải mổ cắt đi một nửa ruột. Đến tháng 3/2014 bà lại mổ vì sơ gan đầu đinh. Ông Tiến thì mắc căn bệnh dò lỗ hậu môn, quanh năm ngày tháng đeo bệnh bên người. Sức khỏe hai ông bà ngày càng yếu đi rõ rệt.

Niềm ai ủi còn lại của ông bà là hai đứa con trai còn lại khỏe mạnh nghèo khó và đứa con gái lấy chồng làng bên. Căn nhà lá trát vách, nền đất đen sì, chỉ ở được ngày nắng ráo là nơi che chở hai tấm thân già bệnh tật và là nơi thờ cúng hai đứa con trai đã chết vì HIV. Không đủ sức khỏe để lao động, cuộc sống của hai ông, bà dựa cả vào họ hàng thân thích và bà con lối xóm, còn lại cứ lay lắt bữa đói, bữa khát.

Thanh Thảo

 


Ý kiến của bạn