Nỗi đau...!

30-03-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Vụ việc tai nạn sập giàn giáo ở công trường Formosa Hà Tĩnh, khiến 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương đang được dư luận đặc biệt quan tâm, rất nhiều người đã bày tỏ sự thương xót và thậm chí cả phẫn nộ trước sự việc này.

Vụ việc tai nạn sập giàn giáo ở công trường Formosa Hà Tĩnh, khiến 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương đang được dư luận đặc biệt quan tâm, rất nhiều người đã bày tỏ sự thương xót và thậm chí cả phẫn nộ trước sự việc này. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là chúng ta day dứt với câu hỏi: Làm thế nào để ngày mai, chúng ta không còn phải chứng kiến thêm những tai nạn lao động chua xót như thế này nữa? Và làm thế nào để người lao động được thực sự được bảo vệ?

Để cứu những người đang bị mắc kẹt, hàng nghìn lượt cán bộ của nhiều lực lượng đã ngày đêm tìm kiếm để hi vọng tìm ra người sống sót. Nhiều đoàn công tác từ Trung ương đã ngay lập tức có mặt để kịp thời động viên và chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Trong 13 người tử vong trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa, người làm lâu thì được 1 năm, người mới thì có 10 ngày. Họ là những lao động từ các vùng quê nghèo như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... đến đây để mong có thêm nguồn thu ngoài đồng ruộng, vậy mà ước mơ có thêm thu nhập đâu chưa thấy, thảm họa từ trên trời đã cướp đi sinh mạng của họ và nỗi đau không thể nào quên với những người đang sống.

Một điều trớ trêu của vụ việc sập giàn giáo đó là nó xảy ra ngay trong Tuần lễ An toàn lao động. Nguyên nhân sơ bộ của vụ tai nạn được cho là do má phanh của hệ thống thủy lực ở thời điểm đó không đảm bảo... Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm hơn lại là câu chuyện mà các công nhân thoát nạn kể lại. Vì nếu đúng theo những lời kể đó thì đây hoàn toàn là một tai nạn được báo trước và người đã vô tình đẩy các công nhân vào nguy hiểm lại chính là người lẽ ra phải bảo đảm an toàn cho họ - một quản đốc công trường. Qua lời kể, họ cho rằng sẽ không phải hứng chịu trận “mưa bê tông” nếu quản đốc công trình lắng nghe ý kiến của họ. Công nhân chạy ra khi giàn giáo rung nhưng được chỉ đạo vào. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, để tìm ra nguyên nhân của vụ sập giàn giáo, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã lập Đội liên ngành, khẩn trương triển khai khám nghiệm hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng.

Tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là biện pháp răn đe để những thảm họa tương tự không xảy ra trong thời gian sắp tới. Công nhân thì luôn sợ quản đốc. Cho dù họ đã tháo chạy khi có rung lắc nhưng cuối cùng vẫn không dám trái lệnh quản đốc. Tuy nhiên, Điều 9, Chương 99 Luật Lao động cũng đã ghi rất rõ là: Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ  có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục.

Hiện tại nguyên nhân của vụ sập giàn giáo đang được điều tra, tuy nhiên qua câu chuyện này lại thêm một lần nữa nhắc nhở những người sử dụng lao động cần phải biết quan tâm, biết lắng nghe; còn người lao động phải có sự kiên quyết hơn trong việc từ chối làm việc khi cảm thấy có sự nguy hiểm. Vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh cũng là một bài học đau xót!

Lệ Hà

 

 

 


Ý kiến của bạn