Thời gian vừa qua, tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, BV Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng do ngộ độc thuốc Nam. Đa phần những ca bệnh này nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận cấp, nhiễm khuẩn huyết và tổn thương da toàn thân. Các bác sĩ (BS) cho biết, thời gian chữa trị cho những bệnh nhân này rất lâu, chi phí cho mỗi bệnh nhân lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi.
Mất mạng vì tự ý dùng thuốc Nam
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, mới đây bệnh nhân K.H.M. (Hải Phòng) đã tử vong sau khi uống thuốc Nam chữa viêm gan C. Bệnh nhân này ở giai đoạn chớm xơ gan và đang được điều trị duy trì sức khỏe ổn định theo đơn của bác sĩ. Nghe lời khuyên của bạn bè, bệnh nhân bỏ điều trị tây y, mua một loại thuốc bí truyền đặc trị viêm gan của thầy lang. Sau khi dùng thuốc chưa được 2 tuần, bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng suy gan nặng và tử vong chỉ sau vài ngày nằm viện. Hiện, người nhà đã cung cấp cho BV lọ thuốc Nam mà bệnh nhân đã uống.
Lọ thuốc Nam mà bệnh nhân K.H.M (Hải Phòng) đã tử vong sau khi uống được người nhà cung cấp cho BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BS. Nguyễn Trung Cấp
Một trường hợp khác cũng nhập BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là chị N.T.H. ở Thanh Trì (Hà Nội).Nghe lời bạn bè mách có loại thuốc giảm cân thần tốc, uống 2 tuần là giảm cả chục cân, chị bỏ ra gần chục triệu đồng mua được 2 lọ thuốc bột, chị uống vào và chỉ 5 ngày sau thì bị phù toàn thân, tiểu ít, vàng da, vàng mắt, lơ mơ. Khi được chuyển vào BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị đã bị suy gan, suy thận nặng, xuất huyết dưới da nhiều nơi. Gần 4 tuần điều trị hồi sức với nhiều lần lọc máu, thay huyết tương, chị cũng may mắn hồi phục nhưng sức khỏe bị giảm sút nặng nề. Ra viện, chị hài hước cho biết: Rút cục em cũng gầy đi được hơn 10kg nhưng với giá đắt quá. Chi phí nằm viện lên tới cả trăm triệu đồng.
Bác sĩ tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, nhiều bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc chì do uống thuốc Nam. Trường hợp mới đây nhất là chị Bùi Thị C. (Hà Khẩu, Quảng Ninh), do tin lời của nhiều người giới thiệu, chị tìm đến một thầy lang vườn ở Sơn Động, Bắc Giang để lấy thuốc chữa bệnh khớp. Tuy nhiên, sau một thời gian bôi thuốc, phần da đùi, đầu gối của chị nổi đỏ, sưng phồng, sau đó là thâm đen, ngứa ngáy, vùng da bị tổn thương lan nhanh chóng. Chị phải nằm điều trị tại BV tới 15 ngày mới khỏi. Nếu không điều trị, nguy cơ phải tháo bỏ khớp gối là rất cao.
Còn tại BV Da liễu Trung ương, không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng một phần da trên cơ thể phỏng rộp. Trường hợp điển hình là anh V.V.H. (45 tuổi, Thái Nguyên), thấy mẩn ngứa trên người, nghĩ là bệnh xoàng nên đã mua liều thuốc Nam 50.000 đồng về bôi và uống. Ba ngày sau liên tiếp dùng thuốc, anh V.V.H. bị sốt, da toàn thân bị trợt rất đau rát khiến người đỏ như tôm luộc; trên da có các bọng nước từ 2-3cm có chỗ 5-6cm với mật độ dày, một số bọng nước vỡ để lại vết trợt rỉ dịch có mùi tanh. Đau đớn nhất là mỗi khi thay đổi tư thế nằm, có khi bị lột cả mảng da trên lưng. Sau khi điều trị 3 tuần, bệnh nhân đã được xuất viện. Theo các bác sĩ BV Da liễu Trung ương, nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân sẽ suy thận, rối loạn điện giải cấp và tử vong.
Thuốc Nam không thể dùng theo lời truyền miệng
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, từ xa xưa, ông cha ta đã có nhiều bài thuốc quý để phòng và chữa bệnh. Tuy vậy, việc chữa bệnh theo cả Đông y hay tây y cũng đều phải đòi hỏi thầy thuốc khám xét bệnh nhân kỹ càng, chỉ định dùng thuốc đúng theo bệnh tật và cơ địa cụ thể. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng cứ thuốc Đông y là bổ và vô hại nên tự dùng theo lời truyền miệng. Chỉ đơn cử như sự việc thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) nhiều người truyền tai nhau bài thuốc trị bệnh tim, gồm chu sa hấp với tim lợn. Tuy nhiên, ít người biết rằng, chu sa chỉ được dùng tối đa 1g/ngày, lại tuyệt đối tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao. Những điều không được hướng dẫn này đã dễ dàng biến bài thuốc trị bệnh thành liều thuốc độc.
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, một vấn đề đáng lo ngại là hiện nay, chúng ta vẫn thường nghe nhiều lời đồn, thậm chí quảng cáo dưới nhiều hình thức của các thầy lang về chuyện chữa khỏi các bệnh nan y như ung thư, bệnh dại, thậm chí cả HIV. Điều này rất nguy hiểm cho bệnh nhân bởi các tai biến cũng như mất cơ hội được chữa bệnh của họ.
Về sự nguy hại do tự ý dùng thuốc Nam, các BS của Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, vi khuẩn nấm mốc ở thuốc Nam chính là nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm gan, suy gan. Bởi khí hậu của nước ta là nhiệt đới ẩm sẽ tạo điều kiện để những vi khuẩn này phát triển trên thuốc Đông y. Đáng nguy hại, kể cả khi được đun nóng ở 200 độ, nấm mốc này vẫn không biến mất. Để tránh thuốc bị nấm mốc, nhiều người kinh doanh đã cho một lượng hóa chất bảo quản, chống ẩm, mốc như lưu huỳnh, phốt pho. Nguy hiểm hơn, họ còn trộn thêm các loại tân dược để tăng “hiệu quả” của thuốc Nam, đây sẽ là một hiểm họa đối với người sử dụng.
Theo ông Hướng, cách đơn giản nhất để hạn chế những biến chứng do sử dụng thuốc Đông y, người dân không được tự ý dùng thuốc Nam mà phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ hoặc lương y có uy tín. Nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, kiểm tra cẩn thận trước khi mua, cảnh giác với các loại thuốc đã tán thành viên, và tuyệt đối không mua những loại thuốc đã mốc, màu sắc thiếu tự nhiên hoặc có mùi lạ. Hết sức thận trọng với những thầy lang vườn quảng cáo quá mức về khả năng chữa khỏi được nhiều bệnh.
Thanh Loan