Sớm tinh mơ ngày 27/7, mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Anh, ở phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, lặng lẽ ra nghĩa trang liệt sĩ của địa phương tỉ mẩn lau dọn từng góc mộ con trai mình.
Thắp hương ở mộ con trai xong, mẹ lại sang các ngôi mộ khác lau dọn. Ở đây có tất cả 43 ngôi mộ liệt sĩ, phần đông là liệt sĩ thời chống Mỹ, tiếp đến là liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến Tây Nam, rồi chiến tranh bảo vệ biên giới. Con trai mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Anh xếp ở hàng cuối cùng của nghĩa trang, phần dành cho liệt sĩ thời bình. Trên bia mộ ghi rõ: Liệt sĩ Nguyễn Quý Dương sinh 1989, mất 2010, hưởng dương 21 tuổi.
Lật giở từng trang của cuốn album ảnh như lật lại từng trang ký ức, mẹ Nguyễn Thị Anh chậm rãi kể: "Vào một ngày tháng 11/2010, buổi sáng hôm đó, sau giờ trực, cháu còn tranh thủ về qua thăm nhà, rồi mang điện thoại mẹ để quên đến công ty giúp mẹ.
Đến khoảng gần 11h trưa thì nhận được thông tin ở huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) có vụ cháy lớn nên Dương cùng các chiến sĩ trong đơn vị tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Một tiếng sau, đồng đội Dương thông báo con đang bị thương nặng".
Với linh cảm của một người mẹ, dường như mẹ Anh đã đoán biết được sự chẳng lành. Nhưng do cú sốc quá lớn, người mẹ này đã không thể gượng dậy đến nhìn mặt con lần cuối…
Chiếc tủ ngay cạnh bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Quý Dương, nơi đựng những món đồ mà người mẹ coi như báu vật - là những vật dụng của đứa con trai khi còn sống. Từ những bộ quần áo anh mặc hàng ngày, sách vở cấp 3, chiếc laptop, bộ quân phục cho đến chiếc mũ đã bị cháy nham nhở anh đội trong trận chiến với "thần lửa" và vĩnh viễn không trở về.
"Với dân tộc Mường thì đồ đạc của người mất thường không được giữ lại. Nhưng con mình mà, mình dứt ruột đẻ ra mà bỏ hết đồ nó đi cũng không đành. Giữ lại để thi thoảng lấy ra ngắm cho đỡ nhớ, để vẫn cảm giác như con vẫn còn đâu đây. Dương là con đầu và cũng là con duy nhất trong gia đình", mẹ Anh nói rồi nhìn trìu mến lên tấm ảnh con trai trên bàn thờ.
Năm 2014, khi nhận tin mình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ Anh lẳng lặng ra ngoài mộ thắp hương báo cho con.
"Trước mộ phần của con, tôi đã nói: Cũng vì những giọt máu hy sinh của con mà mẹ mới được như thế", mẹ Anh nghẹn ngào, khóc nấc.
"Thời kháng chiến chống Pháp tôi chưa sinh, chống Mỹ tôi còn nhỏ. Bản thân đúng là chưa cảm nhận được sự mất mát, hy sinh của các anh, các chị, các chú, bác. Bên ngoại tôi có bác, cậu đều hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Lúc ấy tôi còn nhỏ lắm. Khi về quê cùng bà ngoại chịu tang, thấy mọi người vừa khóc vừa thắt cho cái khăn tang lên đầu thì đã cảm nhận được gì đâu, chỉ nghĩ hôm nay nhà mình đang có... cỗ.
Mãi cho tới lúc mình rơi vào hoàn cảnh có con hy sinh mới hiểu được đâu là nỗi đau, đâu là sự mất mát. Thời nào thì thời, là bố là mẹ, là anh là chị có con, có em hy sinh mới cảm nhận được nỗi đau đớn, mất mát. Mẹ thời nào có con hy sinh cũng đau khổ, cũng tột cùng đớn đau, làm sao có thể khác được. Bởi vì đó là khúc ruột, là con mình mang nặng đẻ đau.
Tôi nghĩ rằng, dù là thời chiến hay thời bình, các con hy sinh, nỗi đau mất con của các bà mẹ đều như nhau. Dù thời bình nhưng xã hội bây giờ còn nhiều điều phức tạp, kéo theo đó nhiệm vụ cũng có sự phức tạp, khó khăn khác nhau.
Mỗi người lính hy sinh ở một hoàn cảnh khác nhau nhưng những giọt máu rơi xuống để đóng góp cho quê hương, Tổ quốc là không thể đong đếm", Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ nhất trong số hơn 130.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được Nhà nước ta phong tặng tâm sự.