Nỗi đau cần cấp cứu ngay!

20-07-2015 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Không còn là chuyện buồn và cười khi trên sóng truyền hình phát phóng sự về chuyện học sinh biết Sử nước nhà như thế nào.

Không còn là chuyện buồn và cười khi trên sóng truyền hình phát phóng  sự về chuyện học sinh biết Sử nước nhà như thế nào. Đấy là nỗi đau của người lớn, khi được hỏi, có em nói Quang Trung -Nguyễn Huệ là hai anh em, em khác trả lời đấy là đôi bạn chiến đấu. Lại có em nói Quang Trung là viên tướng và nhà thơ còn gọi là... Nguyễn Du,...

Trong các lớp học thêm hôm nay chỉ thấy học sinh học môn Toán, Lý, Văn, Anh và môn Sử chắc chắn không có “lò” luyện thi vì đó không phải là môn thi bắt buộc. Chính thế nên trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, sử là môn học “ế” nhất với khoảng 153.600 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, chiếm 15,3% tổng số TS đăng ký dự thi trên cả nước theo chính thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)! Rất nhiều hội đồng thi chỉ lác đác vài TS đến dự, trong đó phổ biến có nơi chỉ 1 TS nhưng vẫn huy động lực lượng giám thị coi thi, bảo vệ, an ninh... lên đến hàng chục người. Thậm chí cụm thi Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng đã đóng cửa 24 điểm thi, Quảng Ninh đóng cửa 10 điểm thi, Trà Vinh 8 điểm thi, Huế 19 điểm thi...vì không có thí sinh.

Chuyện học sinh không mặn mà với môn Lịch sử không mới mà tồn tại cả chục năm nay. Không trách các em vì Sử cũng là một môn học được tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi thi “2 trong 1” thì môn Sử còn liên quan tới việc chọn nghề với dự định vào trường đại học. Các em có quyền tính toán lựa chọn những ngành thời thượng bảo đảm công việc có thu nhập cao khi ra trường. Đáng trách nhất là các nhà quản lý GD-ĐT!

Những mùa thi trước có môn Sử thì điểm 0 không ít cứ tăng dần đều trong mùa thi sau. Chuyện học sinh thờ ơ với lịch sử đất nước thì môn Sử không còn là chuyện môn học để thi, để tranh đua vào ĐH-CĐ mà là môn học giáo dục lòng yêu nước và tự hào về dân tộc. Khi không xác định đây là môn học quan trọng nhất thì chương trình, cách giảng dạy chỉ là hình thức với bài học nặng nề, khô cứng,dài dòng để rồi giáo viên cũng chỉ nói từ trong sách cho trò ghi và học thuộc lòng.

Đã đến lúc ngành giáo dục khi cải cách giáo dục cần dũng cảm đột phá, cải cách chương trình, phương pháp dạy và học môn Sử đầu tiên. Học Sử không phải là thuộc lòng cả một rừng con số, sự kiện, ngày tháng mà là biết được quy luật phát triển, ý chí cha ông trên mỗi chặng đường gian khó qua những câu chuyện lịch sử sinh động, lôi cuốn. Chương trình và người dạy phải khơi được niềm đam mê tìm tòi về truyền thống cho các em, hướng các em đến cách lý luận, phân tích mỗi sự kiện lịch sử để có thể vận dụng vào cuộc sống. Nhưng trước hết, cần loại bỏ ngay tư duy phân biệt môn chính, môn phụ; trả Lịch sử trở về với đúng chỗ đứng của nó thay vì chỉ là môn thi tự chọn như hiện nay.

Nhìn rộng ra, mọi công dân Việt Nam cần phải nắm được lịch sử dân tộc qua các kỳ thi vào và tốt nghiệp ĐH-CĐ, trong các cuộc bảo vệ lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay trong các kỳ thi sát hạch tuyển công chức để không còn chuyện “Quang Trung-Nguyễn Huệ là hai anh em” như hiện nay. Trên mọi đường phố mang tên danh nhân cần có tấm bia hoặc bảng ghi công trạng danh nhân mà đường phố được mang tên. Chuyện này cần hơn việc bắn pháo hoa, phạt nói bậy, dựng biển “khu phố văn hóa” giăng la liệt khắp nơi.

Không biết Sử dân tộc như quên nguồn cội, làm sao phát huy được lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước.

Đây là nỗi đau và  thiết nghĩ là việc cần làm ngay chăng?

Lê Quý Hiền

 

 

 

 


Ý kiến của bạn