Ông thầy vừa được vinh danh huấn luyện viên số 1 của thể thao Việt Nam năm 2014 vẫn đang chỉ là lao động hợp đồng của ngành thể thao TP.HCM với một bản hợp đồng ký lần đầu mới cách đây vài tháng. Sau 30 năm gắn bó, ông đã một tay dựng cử tạ TP.HCM từ con số 0 vượt lên đứng đầu quốc gia và tạo ra hàng loạt đô cử tầm cỡ quốc tế, tiêu biểu như nhà vô địch thế giới Thạch Kim Tuấn mà ông nhận làm con.
HLV đẳng cấp quốc tế cũng chỉ là “người làm thuê thời vụ”
Đây có thể coi là một nghịch lý khó tin và sự thật phũ phàng, nhất là với một HLV đặc biệt như ông Chí, lại ở một địa phương như TP.HCM. Đến nỗi mà khi được hỏi, chính “khổ chủ” của câu chuyện cũng bình thản như không bởi từ lâu, HLV 55 tuổi đã không còn quan tâm mình là người “trong” hay “ngoài” ngành.

HLV Huỳnh Hữu Chí và học trò vô địch thế giới Thạch Kim Tuấn .
Khi ký vào bản hợp đồng mang tính “đột phá cá nhân” mấy tháng trước, ông hoàn toàn không có cảm giác của sự vui buồn. Có lẽ ông đã quá quen với cảnh “lao động phi thân, lập công vô đối” như các đồng nghiệp ví von và mòn mỏi chờ đợi sự ghi nhận chính đáng mà rốt cuộc cứ mãi là “người làm thuê thời vụ”.
Bình thường, người ta chỉ “làm thuê thời vụ” trong một thời gian ngắn theo kiểu tạm thời hay không có sự lựa chọn khác, còn với ông Chí, nó kéo dài tới 3 thập kỷ cùng với những thành quả phi thường mà bất cứ HLV nào cũng phải mơ ước.
Sau 30 năm, ông đã một tay gây dựng cử tạ TP.HCM từ con số 0 trở thành một thế lực hàng đầu Việt Nam, thậm chí còn vươn ra tầm quốc tế. Ông đã trực tiếp tuyển chọn, đào tạo hàng chục kiện tướng quốc gia với hàng loạt huy chương SEA Games, châu Á và thế giới. Riêng năm 2014, ông đã dẫn dắt cử tạ TP.HCM độc chiếm ngôi đầu giải Đại hội TDTT toàn quốc với 15 lần đăng quang, đồng thời nâng tầm 2 học trò tới đỉnh cao nhất, trong đó, trụ cột Thạch Kim Tuấn giành 1 HCV, 2 HCB giải thế giới cùng 1 HCB ASIAD. “Đàn em” Nguyễn Trần Anh Tuấn cũng xuất sắc đoạt HCB Olympic trẻ…
Càng đáng nể hơn khi mọi chiến tích của các học trò đều do ông Chí trực tiếp “làm” từ đầu đến cuối. Riêng Kim Tuấn có thể trụ vững và hồi sinh ngoạn mục như hiện tại sau 2 năm trồi sụt còn nhờ sự dũng cảm của ông khi đấu tranh tới cùng để giữ học trò ở lại hạng 56kg thay vì đôn lên hạng 62kg như kế hoạch của các nhà quản lý cấp trên.
Khổ vì bản thân đắm đuối, người ngoài thờ ơ
Với thâm niên và nhất là cống hiến như thế, HLV Huỳnh Hữu Chí xứng đáng với mọi sự tưởng thưởng. Thế nhưng, ở tuổi 55, những gì ông nhận được chỉ gói gọn về mặt chuyên môn, còn trên thực tế gần như tay trắng, cụ thể nhất vẫn chỉ là… lao động hợp đồng.
Có lẽ một phần cũng vì ông đã quá đắm đuối với cử tạ, với các học trò khổ sở của mình mà quên mất bản thân, cái gì cũng muộn hay lỡ trong sự thờ ơ của những người có trách nhiệm. Lúc người ta bảo ông thiếu bằng cấp quy chuẩn, rồi thời điểm ông cố học để sở hữu tấm bằng lại thêm lý do quá tuổi quy định. Trong khi ai cũng thấy ông xứng đáng nhận một chế độ đặc cách, vấn đề chỉ là người ta có thực sự quan tâm hay không.
Có lẽ trong cả nền thể thao Việt Nam, duy nhất ông Chí là Trưởng bộ môn kiêm HLV trưởng một môn của một địa phương lại ở trong tình cảnh trớ trêu của một lao động hợp đồng. Và cũng chỉ có ông thầy “gàn” này có thể chấp nhận và vượt qua vì đam mê và mục đích lớn: sự phát triển của cử tạ và thành tích của học trò.
Ngay từ đầu năm mới, ông đã lại cùng “niềm hy vọng vàng” Thạch Kim Tuấn hăm hở bắt tay vào một chiến dịch mới: “săn” huy chương Olympic 2016.
Ðẳng cấp hàng đầu thế giới, thu nhập Việt Nam
Theo Trưởng bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) Đỗ Đình Kháng, với HLV Huỳnh Hữu Chí, ĐTQG cử tạ đã không còn phải tính đến phương án thuê chuyên gia ngoại vì có sẵn một ông thầy nội ở đẳng cấp hàng đầu thế giới, chưa kể còn có những ưu thế riêng.
Thực tế qua các cuộc đối đầu, chính các HLV lão luyện của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên hay Bulgaria cũng phải thừa nhận đẳng cấp và dành sự tôn trọng với vị HLV nhỏ con, đeo kính cận này.
Ngành thể thao đã có thể hoàn toàn yên tâm khi ông Chí đang trực tiếp huấn luyện, chăm lo cho các tài năng trẻ tầm thế giới là Kim Tuấn và Anh Tuấn - hai đô cử cũng do ông phát hiện, đào tạo ngay từ đầu. Tới đây, bộ môn cử tạ sẽ gửi gắm một ngôi sao nữa là Trần Lê Quốc Toàn cho ông Chí với kỳ vọng ông sẽ giúp gương mặt từng suýt giành HCĐ Olympic 2012 vượt qua được giai đoạn gian khó hậu chấn thương.
Điều mà ông Kháng cũng rất trăn trở là ông Chí đang làm công việc của mình còn tốt hơn cả chuyên gia ngoại “xịn”, song thu nhập chỉ bằng 1/5, tổng cộng chưa nổi 10 triệu đồng/tháng. Bộ môn cũng đang tính đề xuất ngành thể thao xem xét để có sự bù đắp phần nào cho ông.
Thầy trò thành… cha con
Với Thạch Kim Tuấn, HLV Huỳnh Hữu Chí không chỉ là một người thầy đã trực tiếp phát hiện, đào tạo anh từ một cậu bé lang thang đường phố thành nhà vô địch thế giới mà còn giống như một người cha thứ hai.
Càng đặc biệt hơn vì thầy trò đặc biệt ấy mới đây còn chính thức trở thành cha con khi ông Chí nhận Tuấn làm con nuôi, có giấy tờ và người chứng kiến hẳn hoi. Trước bộ đôi bố con Hữu Chí - Kim Tuấn, thể thao Việt Nam cũng mới chỉ có trường hợp HLV karatedo Lê Công với cô con gái nuôi mà không khác gì con gái ruột.
Từ 2 năm nay, ông Chí đã đón Tuấn về ở hẳn cùng nhà giống hệt như một cậu con trai “cưng” của gia đình. Sáng ra, ông Chí chở Tuấn đến chỗ tập rồi miệt mài luyện rèn với các quả tạ đến tối mịt mới trở về nhà trong sự quan tâm, chăm lo từng li từng tí của bà Xuân - vợ ông.
Vợ chồng ông Chí cũng dành hẳn một tầng riêng cho Tuấn, trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại đủ để anh giải trí sau những ngày tập luyện thi đấu nặng nhọc, học văn hóa cũng như tìm kiếm, trau dồi các thông tin, kiến thức liên quan đến môn cử tạ.
Xuyến Chi