Nơi 'cưu mang' các loài động vật lâm nạn

31-05-2024 14:12 | Xã hội

SKĐS - Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Phúc Yên - Vĩnh Phúc) từ lâu là ngôi nhà trú ẩn cho các loài động vật bị săn bắt, nuôi nhốt trái phép, là tang vật trong các vụ án với nhiều câu chuyện thú vị.

Thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc giaThành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia

SKĐS - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại diện ngành Y tế cũng có thành viên tham gia Hội đồng.

Ngôi nhà của các loài động vật bị săn bắt, nuôi nhốt trái phép

Chúng tôi đến thăm Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) giữa mùa hè oi nóng. Nằm ở vị trí cạnh hồ Đại Lải, núi Tam Đảo, phía bên kia là địa phận tỉnh Thái Nguyên, Trạm đa dạng sinh học Mê Linh có nhiệt độ luôn thấp hơn ở khu vực xung quanh khoảng 2 độ C. 

Nơi 'cưu mang' các loài động vật lâm nạn- Ảnh 2.

Cá thể khí được chăm sóc ở Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh.

Con đường vào Trạm quanh co rậm rạp, bước vào đây, cái mát mẻ, sảng khoái của núi rừng như xua tan đi cái nóng bức ngột ngạt của thành phố ồn ào bụi bặm. Trạm Đa dạng Sinh học Mê Linh phía Bắc giáp huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên; phía Đông và phía Nam giáp thôn Đồng Trầm, xã Ngọc Thanh; phía Tây giáp vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Nơi 'cưu mang' các loài động vật lâm nạn- Ảnh 3.

Cá thể thằn lằn được chăm sóc trong môi trường gần giống với tự nhiên.

Tiếp chúng tôi là ông Đặng Nguyên Phương, Trạm trưởng Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh. Ông Phương cho biết, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh có 127 loài, thuộc 75 chi, 29 họ thực vật được di thực về trồng với mục đích bảo tồn. Trong đó có 16 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, 18 loài trong Danh lục Đỏ IUCN, 78 loài thuộc Phụ lục của Nghị định 84/2021/NĐ–CP,  68 loài thuộc Phụ lục II CITES (chủ yếu là Lan).

Nơi 'cưu mang' các loài động vật lâm nạn- Ảnh 4.

Một giống hoa lan rừng ở Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh.

Về động vật, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh cứu hộ bảo tồn 27 loài động vật. Trong đó có 05 loài thú, 12 loài rùa, 04 loài thạch sùng, 01 loài thằn lằn cá sấu, 4 loài cá cóc và 01 loài ếch cây. Các loài động vật đều có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN và các Nghị định của Chính phủ

Khu cứu hộ, bảo tồn động vật rộng 1 ha với hệ thống hàng rào, chuồng trại đạt tiêu chuẩn và hiện nay đang duy trì số lượng 100 cá thể thuộc 14 loài rùa, Vượn đen má trắng, Khỉ, Cu li; khu nuôi sinh sản các loài bò sát, ếch nhái có giá trị bảo tồn; phòng giáo dục môi trường…

Ông Đặng Nguyên Phương cho biết, gần như các cá thể động vật hoang dã thu giữ được từ các vụ án ở Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận đều được đưa về đây cứu hộ, chăm sóc. Ngoài ra, một số cá nhân, gia đình cũng tự nguyên giao nộp các cá thể động vật hoang dã. Gần đây nhất là một hộ gia định giao nộp cá thể trăn đất nặng khoảng 70 kg đưa vào Trạm để chăm sóc. Hiện cá thể trăn đất này vẫn đang phát triển tốt trong điều kiện chuồng nuôi được bố trí gần với điều kiện tự nhiên của loài này.

Nơi 'cưu mang' các loài động vật lâm nạn- Ảnh 5.

Cá thể trăn đất do người dân giao nộp được chăm sóc trong điều kiện gần giống với tự nhiên.

Thời điểm chúng tôi đến, 1 cá thể khỉ thu giữ từ vụ nuôi nhốt trái phép được lực lượng Kiểm lâm Vĩnh Phúc đưa về Trạm Đa dạng sinh học Vĩnh Phúc chăm sóc, có 2 cá thể hổ là tang vật trong vụ án buôn bán động vật hoang dã chuẩn bị được đưa về đây để cứu hộ.

Nơi 'cưu mang' các loài động vật lâm nạn- Ảnh 6.

Cá thể khỉ được các cán bộ Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh tiếp nhận, đưa vào khu chăm sóc.

Để thu thập nguồn giống phục vụ công tác nhân nuôi sinh sản tại trạm đa dạng sinh học, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ các cơ quan quản lý và các đối tác như chi cục kiểm lâm các tỉnh, trung tâm cứu hộ, các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay, Trạm đa dạng sinh học Mê Linh đã bổ sung, duy trì và theo dõi sinh trưởng và phát triển về nhân nuôi, cứu hộ các nhóm động vật khác nhau.

Nơi 'cưu mang' các loài động vật lâm nạn- Ảnh 7.

Cá thể thằn lằn cá sấu được chăm sóc tại Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh.

Hiện nay có 31 loài đang được nhân nuôi theo các mô hình khác nhau, trong đó: Mô hình bảo tồn các loài rùa gồm 14 loài đại diện từ vùng sinh thái khác nhau. Mô hình bảo tồn các loài bò sát - ếch nhái gồm 11 loài đại diện từ vùng sinh thái khác nhau, nhiều loài bò sát và ếch nhái đã sinh trưởng, sinh sản tốt tại Trạm. Mô hình bảo tồn, cứu hộ các loài linh trưởng của Việt Nam với 6 loài đang được chăm sóc nuôi dưỡng.

Nơi 'cưu mang' các loài động vật lâm nạn- Ảnh 8.

Tại đây chăm sóc nhiều cá thể rùa quý hiếm là tang vật của các vụ vi phạm về nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Trong tổng số 31 loài có 12 loài nằm trong Sách đỏ Việt nam (2007) gồm 1 loài bậc CR (rất nguy cấp), 6 loài bậc EN (nguy cấp), 5 loài bậc VU (sắp nguy cấp) và 7 loài đặc hữu của Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay có nhiều loài đã sinh sản trong điều kiện nuôi tại Trạm, con non phát triển tốt như Thằn lằn cá sấu, Thạch sùng mí, Rùa Trung bộ…

Tìm "bạn gái" cho vượn đen má trắng

Theo ông Đặng Nguyên Phương, Trạm trưởng Trạm đa dạng sinh học Mê Linh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, trong số động vật đang được nhận nuôi bảo tồn tại trạm, có hai cá thể vượn đen má trắng, loài vượn cực kỳ nguy cấp đặc hữu của Đông Nam Á.  Nhưng dù nhận nuôi hai cá thể vượn này đã lâu trạm vẫn chưa thể nhân giống do cả hai con vượn này đều là giống đực.

Ông Phương cho biết, cách đây khoảng 10 năm, một cơ quan kiểm lâm phía nam bắt được hai con vượn đen má trắng và giao cho Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM). Nhưng trong tự nhiên thì loài vượn đen má trắng này được phân bố ở phía bắc nước ta, bắc Lào và vùng Vân Nam, Trung Quốc. Vì thế Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi đã liên hệ và bàn giao cho Trung tâm Đa dạng sinh học Mê Linh hai cá thể này.


Nơi 'cưu mang' các loài động vật lâm nạn- Ảnh 9.

Vượn đen má trắng là loài cực kỳ nguy cấp cần được bảo vệ.

Trong 10 năm qua Trạm đa dạng sinh học Mê Linh vẫn nuôi, giữ hai con vượn đen má trắng đó với mong muốn giữ nguồn gen và nhân giống để bảo tồn gen. Tuy nhiên mục đích thứ hai hiện vẫn chưa thực hiện được do chưa tìm được cá thể vượn đen má trắng cái để ghép đôi, phục vụ mục đích sinh sản.

Hai con vượn này khoảng 14 - 15 tuổi. Trong tự nhiên, tuổi đời của loài vượn này được ghi nhận lên đến 28 năm; trong điều kiện nuôi nhốt thì tuổi đời có thể dài hơn. Hiện Trạm đa dạng sinh học Mê Linh vẫn đang nỗ lực tìm vượn cái để ghép đôi với hai con vượn đực đang có.

Ông Phương hy vọng khác là trong dân có thể vẫn đang nuôi giữ con cái vượn đen má trắng, nếu biết hai con vượn đen ở trạm cần "vợ" thì họ có thể trao đổi hoặc biếu, tặng các nhà khoa học. Cách nhận biết giới tính của vượn đen má trắng trưởng thành qua màu lông. Khi nhỏ thì chúng không khác nhau, nhưng khi lớn thì lông con đực có màu đen, con cái có màu vàng.

Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh được thành lập từ năm 1999 trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam. Trạm có diện tích khoảng 170 ha, ban đầu là một khu rừng nghèo chủ yếu là vùng đất trống đồi núi trọc, chỉ có cây bụi thảm cỏ nằm dưới dãy núi Vườn quốc gia Tam Đảo. Trải qua 25 năm hoạt động, giờ đây Trạm đã trở thành một địa điểm quan trọng có ý nghĩa, trong tiếp cận, khám phá các điều bí ẩn, kỳ diệu lý thú của thiên nhiên đối với các nhà khoa học, sinh viên, học sinh trong nước và cả quốc tế. Đặc biệt trong những năm trở lại đây, Trạm đã trở thành một địa điểm du lịch khám phá thiên nhiên hấp dẫn ý nghĩa đối với du khách gần xa.

Đa dạng sinh học miền Tây bị tàn phá thế nào khi Campuchia làm kênh đào Funan Techo?Đa dạng sinh học miền Tây bị tàn phá thế nào khi Campuchia làm kênh đào Funan Techo?

SKĐS - Vùng đất ngập nước Trà Sư (An Giang), khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Kiên Giang) sẽ giảm lượng nước đáng kể và đe dọa sự tồn tại đặc điểm đa dạng sinh học, vùng đất ngập lũ sẽ gia tăng... là những tác động khi Campuchia xây dựng kênh đào Funan Techo.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 31/5 | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn