Hà Nội

Nơi cứu chữa thành công những trẻ sinh non từ 500-600 gram

22-11-2020 19:30 | Đời sống
google news

SKĐS - Các y bác sĩ và nhân viên y tế của Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản TW đã nỗ lực trải qua hành trình đầy cam go thử thách để mang lại sự sống, đưa những bé sinh non từ lồng kính, có những bé chỉ nặng 500 gram về với vòng tay của bố mẹ.

“Chúng em không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính, mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non ra đời, trẻ sinh rất non và cực non là nhóm trẻ dễ bị tổn thương nhất và tỷ lệ tử vong cao nhất. Tại Việt Nam với nền y học và đặc biệt là tình yêu thương, nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ nên tỷ lệ trẻ sinh non được cứu chữa thành công tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua.

Vất vả 5 năm liền, vợ chồng anh H. mới có nhận được tin vui từ bác sĩ khi kết quả thụ tinh ống nghiệm của vợ anh đã “đơm hoa, kết trái”. Trong suốt quá trình mang thai, chị N. đã rất giữ gìn, thế nhưng 25 tuần thai, em bé đã “đòi ra khỏi bụng mẹ” với cân nặng chỉ 600 gram. Anh H. chia sẻ “lúc đó chúng em tủi thân lắm, sau 5 năm mới được tận hưởng hạnh phúc sẽ được làm cha mẹ, vậy mà em bé lại sinh non. Chúng em càng lo lắng hơn khi đọc tài liệu, rồi tìm hiểu được biết thông tin trẻ sinh non như con nhà em thì rất nhiều nguy cơ...”

Thế nhưng, với nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ, kiên trì của các y bác sĩ Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh, bé L. từ chỗ phải thở máy, nuôi dưỡng hoàn toàn bằng tĩnh mạch, dần dần phối hợp ăn xông và sau vài tháng bé đã khoẻ mạnh trở về với vòng tay yêu thương của bố mẹ. Đón con từ tay các y bác sĩ, chị N bảo “vợ chồng em không biết nói gì hơn, ngoài lời cảm ơn từ đáy lòng đến các y bác sĩ”.

TS. Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh cho biết, bé L. sinh ra ở tuần thai rất non tháng nên không tự thở được, bé có biểu hiện của xuất huyết não độ 1, độ 2 ở những ngày đầu sau sinh và gần như các y bác sĩ đã phải kiệt sức sau nhiều lần cấp cứu cho cháu. Đã có lúc chúng tôi tưởng như không thể nào cấp cứu cho cháu được nữa. Nhưng sau đó, sự kỳ diệu, sự nỗ lực, kiên trì của chúng tôi đã làm cho bé hồi sinh...

 trẻ sinh nonChăm sóc trẻ sinh non tại Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh Bệnh viện Phụ sản TW.

Trước đó, bé Nguyễn Văn D.  là con  đầu lòng của anh Nguyễn Văn Th và chị V.T.D. (ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), khi chào đời bé chỉ nặng 500 gram. Gia đình chị D. đã điều trị hiếm muộn nhiều năm, vì thế khi có thai cả gia đình vô cùng vui mừng. Tuy nhiên, khi thai nhi ở tuần thứ 26, chị D. có dấu hiệu chuyển dạ và bị sinh non, khi chào đời  bé D đã ở trong tình trạng hệ thống hô hấp còn rất yếu ớt, chưa hoàn thiện. Ngoài ra, bé còn có hiện tượng thở thoi thóp, tim rời rạc và phản xạ yếu.

Ngay sau khi sinh, bé Đ. đã được các bác sĩ tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh điều trị, theo dõi và chăm sóc kết hợp dinh dưỡng từ sữa mẹ. Sau hơn 4 tháng nuôi dưỡng, cân nặng của bé Đ. đã đạt gần 2.700 gram, bú tốt, vận động tốt và được xuất viện.

40% trẻ sinh non dưới 1kg được cứu sống- tiệm cận gần như bằng thế giới

Mỗi năm, Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản TW tiếp nhận và điều trị trên 26.000 ca sơ sinh. Trong đó, trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non tháng khoảng 5.000 trường hợp. Trong số đó, 30% là có cân nặng dưới 1.500 gram, có tuổi thai dưới 30 tuần. Hàng ngày điều trị tại đây có khoảng 400 trẻ, trong đó có những trẻ chỉ nặng 500- 600 gram.

BS.Trác cho biết thêm, ngay khi các bé sơ sinh non nhẹ cân ra đời phải có ngay một bác sĩ đi kèm, cháu phải được giữ ấm, chống nhiễm trùng, trong đó khâu chống nhiễm trùng là khâu then chốt trong quá trình điều trị. Các bác sĩ cũng phải đảm bảo chăm sóc dinh dưỡng cho cháu với một liều lượng rất đáng ngạc nhiên một ml sữa được cho ăn trong vòng 3 giờ. “Cứ tưởng tượng những em bé sơ sinh sinh non, đùi bé chỉ bằng ngón tay út thì nuôi dưỡng tĩnh mạch khó đến mức độ nào?”- BS.Trác nói.

Tại BV Phụ sản TW, để nuôi dưỡng thành công một em bé sinh non nhẹ cân phải áp dụng tổng thể rất nhiều biện pháp, đó là phải hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp; lồng ấp cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng Kangaroo, kỹ thuật vô trùng; cân bằng điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da...

“Những cháu bé có cân nặng từ 1,5kg-2,5kg thì chúng tôi cứu sống đến 98%. Từ 1kg cho đến 1,5kg, hiện Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh cứu sống từ 87-93% (năm 2020). Còn với trẻ sơ sinh cân nặng dưới 1kg thì Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh  cứu sống khoảng 40%, tiệm cận gần như bằng của thế giới”- TS.Lê Minh Trác nói.


Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn
Tags: