Cách đây chưa lâu, tôi đến thăm một đồng nghiệp điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế, nơi nhiều người gọi tắt là “lầu 6”. Ai đã một lần đến đó khi nghe hai tiếng “lầu 6” hầu như đều cảm thấy gai gai. Thế mà không lâu sau, mẹ tôi bị tai biến, tôi theo bác sĩ đẩy giường bệnh đến thang máy, thấy bác sĩ bấm số 6, lòng tôi rối bời khó tả...
Những ngày đầu, cảm giác lo âu luôn đè nặng tâm lý anh em tôi. Mẹ nằm đó với sức khỏe yếu ớt, xung quanh toàn những bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao; tiếng máy thở chạy, tiếng thông đờm cho bệnh nhân, tiếng xôn xao của bác sĩ, y tá khi có cấp cứu, rồi tiếng khóc của người nhà khi bác sĩ thông báo “hết cách”... Rồi nhiều ngày trôi qua, tuy khó quen với môi trường ấy, nhưng cũng từ nơi đó chúng tôi nhận ra được sự bao dung rộng mở của tình đồng loại trước ngưỡng cửa sự sống và cái chết.
Các thầy thuốc KHoa Hồi sức cấp cứu đang xử lý cấp cứu một ca bệnh
|
Theo quy định, mỗi ngày người nhà chỉ được vào thăm, chăm sóc bệnh nhân hai lần, buổi sáng từ 5 - 6 giờ, buổi chiều từ 17 - 18 giờ; còn lại nghỉ ngơi ở “nhà chờ”, nếu có vấn đề sẽ thông báo bằng loa. Tôi cũng vài lần “lách luật” xin được bảo vệ cho vào thăm mẹ trái giờ, và được chứng kiến sự tất bất của đội ngũ bác sĩ, cán bộ ở đây, mỗi người một việc, không có thời gian nghỉ ngơi. Các bác sĩ thì gần như thuộc hết bệnh án khi đến thăm, điều trị cho mỗi bệnh nhân. Các anh chị điều dưỡng liên tục kiểm tra đường truyền, máy thở, lấy ven, phụ trách việc ăn, uống thuốc của người bệnh. Hộ lý thì người thay dra, thay tã, làm vệ sinh cho bệnh nhân, người lau chùi sàn nhà, nhà vệ sinh... Họ cứ đi hết một vòng, rồi quay lại điểm xuất phát từ bệnh nhân đầu tiên, tránh tối đa để người bệnh xảy ra sự cố dù là việc nhỏ nhất... mỗi người một việc như con thoi không mệt mỏi. Vì thế mà chỉ vài ngày, người nhà sẽ yên tâm hơn khi người thân nằm một mình trong phòng bệnh. Những con người làm việc ở đó đã quen với sự sống, chết của bệnh nhân, nhưng họ luôn giữ quan điểm “còn nước còn tát”. BS. Bùi Mạnh Hùng, Phó khoa Hồi sức cấp cứu tâm sự: “Dù đã nhiều năm làm việc tại đây, nhưng cứ mỗi lần thông báo với người nhà ba tiếng “cho về nhà” đồng nghĩa “y học đã bó tay” chúng tôi phải chịu cảm giác day dứt như người có lỗi. Chính vì thế mà mỗi chúng tôi luôn tự hứa phải phấn đấu nhiều hơn nữa từng ngày với hy vọng làm tốt hơn công việc của mình”. BS. Toàn mỗi lần thăm bệnh nhân đều không quên nhắc nhở, an ủi người bệnh cũng như người nhà. BS. Nguyễn Hưng thì theo dõi, điều chỉnh từng giường bệnh, nhiều lần thấy chúng tôi xoa bóp cho mẹ, ông nhắc nhở điều dưỡng khi rảnh rỗi nên giúp và hướng dẫn người nhà cách vật lý trị liệu. Các anh chị điều dưỡng, như: Thu, Trang, Bình... dù tất bật với công việc xoa bóp, cho bệnh nhân ăn, giúp bệnh nhân thở...
nhưng họ không quên chọc cười để an ủi người nhà và cả bệnh nhân. Nặng nhọc nhất vẫn là các anh chị hộ lý, riêng việc thay tã, thay dra cho bệnh nhân đã vất vả, đôi lúc bệnh nhân vừa ăn vào lại nôn ra, có bệnh nhân vùng vằng phải 2, 3 người mới khống chế được... Họ cứ quần quật với những công việc như vậy nhưng các chị Hoàng, Hường, Ngọc, Lý... lúc nào cũng xông xáo, môi luôn nở nụ cười cùng cái gật đầu đồng ý với tất cả những ai tìm nhờ việc gì. Còn các anh bảo vệ, ngoài những lúc đóng “mặt lạnh” cũng xiêu lòng khi người nhà năn nỉ những câu như: “Anh ơi, mạ em sắp chết rồi, cho em vô thăm mạ em chút...”, hay: “Chú ơi, con tui đang la, cho tui vô chút ra liền chú”... Rồi có lúc họ lại bị quở trách để người nhà vào nhiều gây ảnh hưởng đến việc vô trùng của khoa.
Gần một tháng cùng mẹ vật lộn với bệnh tật tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế, may mắn mẹ tôi qua được nguy hiểm và chuyển về khoa khác điều trị chờ hồi phục rồi xuất viện. Điều an ủi lớn nhất của anh em chúng tôi những ngày khó khăn đó là được chứng kiến tình người dành cho nhau ở nơi kề cận “cửa tử”. Những con người dốc hết sức giành giật từng hơi thở cho người bệnh. Đội ngũ y bác sĩ làm hết mình để cứu người.
Bài và ảnh: Hương Lan