Nơi chắt chiu từng giọt sống

16-07-2009 16:47 | Xã hội
google news

Đến một nơi có hơn 20 đứa trẻ mà không một tiếng nô đùa, không một tiếng cười hồn nhiên, những đứa trẻ đã bị bệnh tật cướp hết tất cả tiếng cười và chỉ còn lại những tiếng khóc,

Đến một nơi có hơn 20 đứa trẻ mà không một tiếng nô đùa, không một tiếng cười hồn nhiên, những đứa trẻ đã bị bệnh tật cướp hết tất cả tiếng cười và chỉ còn lại những tiếng khóc, rên rỉ và những khuôn mặt nhăn nhó vì đau. Thi thoảng, khi một số nhà hảo tâm tìm đến thì Khoa nhi Bệnh viện K (cơ sở 2 - Thanh Trì - Hà Nội) mới bớt nặng nề phần nào.

Chống lại tử thần
 
Rất nhiều người nói, đã mắc ung thư là chỉ còn con đường chết. Nỗi bi quan ấy ám ảnh không biết bao nhiêu người bệnh, phần nào nói lên sự khốc liệt của căn bạo bệnh này. Vậy tại sao vẫn có những người cha, người mẹ gom góp chút tiền tích cóp từ đồng ruộng để mang con ra Hà Nội chạy chữa? Bởi lẽ họ hy vọng: Còn nước còn tát, vì thương con, yêu con nên muốn tìm cơ hội sống cho con. Và những đứa trẻ ấy sẽ cùng với tình yêu thương của bố mẹ, chống lại tử thần, bóng ma của chết chóc.
 
Người kiên cường mang con đi chữa trị nhiều nhất, gian nan nhất phải kể đến anh Hồ Văn Hùng, bố của bé Hồ Thị Hà. Mới 30 tuổi mà nhìn anh đã già sọm, thậm chí còn hơn người ở tuổi 40. Hành trình anh mang con đi chữa trị ung thư, có lẽ phải viết thành cuốn nhật ký mới có thể tả hết những hy vọng và nước mắt, đắng cay và tủi cực trong những lần ôm con đi tìm thầy thuốc, nguồn sống. Sinh ra ở vùng làm muối của xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, bé Hà là con thứ hai của anh Hùng, khi mới lên 2 tuổi thấy khối u to như quả trứng vịt ở bụng. Lo sợ, anh Hùng đưa con lên Bệnh viện huyện Diễn Châu thì được giới thiệu ra Bệnh viện tỉnh Nghệ An phẫu thuật, cắt đi khối u (bác sĩ kết luận là u lành). Sau gần 2 tuần, anh Hùng đưa con ra Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm lại để an tâm và vẫn được bác sĩ kết luận u lành. Những tưởng bệnh thế là hết, nào ngờ, chừng 1 tháng sau lại thấy bệnh tái phát, khối u khác hình thành ở vị trí cũ. Người bố lại tất tả đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Không có tiền đưa con đi chữa bệnh, anh Hùng nhặt nhạnh những đồng tiền ít ỏi kiếm được từ cánh đồng muối của gia đình, vay mượn thêm bà con chòm xóm để đưa con đi. Trong thời gian điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ kết luận bé Hà bị u ác tính, hoảng quá, anh Hùng đưa con đến Bệnh viện K cơ sở I để xét nghiệm và vẫn được kết quả là u ác tính. Anh được giới thiệu đưa con về cơ sở II Bệnh viện K, sau một thời gian được đưa sang Bệnh viện Việt Đức để mổ. Anh Hùng còn nhớ rất rõ, đó là ngày 18/12 âm lịch năm 2008. Đến ngày 25/12 lại chuyển về cơ sở II của Bệnh viện K. Ở đây, bé Hà được điều trị và theo dõi. Đến tháng 4/2009, bé được đưa đến Bệnh viện Việt Đức để mổ tiếp và về nằm ở cơ sở II Bệnh viện K cho đến bây giờ. Mới 3 tuổi mà Hà đã phải 3 lần mổ. Ngồi nói chuyện với tôi, anh Hùng cố nén cảm xúc vào trong, anh nói con anh chỉ khóc vào lần đầu, còn những lần sau, đau mấy cháu cũng chỉ cắn răng chịu đựng. Anh chỉ biết con anh đau khi cháu cắn nát chiếc cổ áo và những ngón tay nhỏ bé bấu chặt áo bố mỗi khi cơn đau hành hạ...
 
Người thứ hai tôi gặp là em Giàng Mý Phình, được người bố chưa sõi tiếng Kinh tên là Giàng Mý Cái đưa từ xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn xuống. Bé Phình chưa đầy 3 tuổi, mắc chứng ung thư võng mạc. “Khoảng 5 tháng trước, thấy con có những triệu chứng lạ, tôi mang con xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Sau 5 ngày theo dõi, các bác sĩ nói bệnh không chữa được và giới thiệu tôi mang con ra Bệnh viện K Hà Nội. Điều trị ở đó 2 tháng thì được chuyển đến cơ sở II của Bệnh viện K, đến nay cũng đã được 2 tháng...”- anh Giàng Mý Cái, bố của bé Phình nói. Phải khó khăn lắm trong việc lắp ghép lại những lời nói gẫy khúc đó, tôi mới biết rằng, gia đình anh thuộc diện rất nghèo. Cả bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ Cái đều mất sớm. Bản thân Cái cũng có nhiều bệnh. Khi vợ chồng anh vừa sinh đứa con thứ hai thì đứa con thứ nhất mắc bệnh, thứ bệnh mà anh nói ở trên quê mình không có.
 
Khi tôi hỏi Cái, anh lấy tiền đâu để điều trị cho con thì Cái nói: "Chỉ có tiền xe thôi mà. Tiền viện không mất đâu, bác sĩ cho ăn nữa". Những người có con cùng điều trị với con của Cái kể rằng: Cái được các y bác sĩ thương tình góp tiền ủng hộ, nên mới chịu để con lại chữa trị, không thì anh đã mang con về rồi. Nhưng liệu cuộc sống của bé Phình sẽ kéo dài được bao lâu nếu không có các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ?
 
 Vì con, anh Hùng lo lắng đến già người.
Để có những nụ cười
 
Vài người bạn tôi đã từng tuyệt vọng, từng khổ đau và chán nản. Tôi giới thiệu họ đến với các em bé ung thư ở nơi đây, để thấy các em phải sống thế nào, chống chọi với tử thần ra sao. Và dù còn một tia hy vọng thì các em vẫn khát sống. Nhìn dáng nằm bất động của bé Hồ Thị Hà do kiệt sức sau những lần mổ, phải tiêm biết bao nhiêu thuốc vào người mà tôi ứa nước mắt. Hai người bạn đi cùng tôi cũng ứa nước mắt. Căn bệnh quái ác đang hành hạ các em, sẵn sàng tước đi mạng sống của các em bất cứ lúc nào. Lẽ ra giờ này, các em phải được tung tăng chạy nhảy, chơi cùng bạn bè và gia đình, để khi hết hè, một số em lại cắp sách đến trường, với những niềm vui và hy vọng được học cái chữ. Nhưng không, có những em sẽ mãi mãi chẳng còn được hưởng niềm vui ấy. Em Nguyễn Quý Tuấn ở Quốc Oai - Hà Nội có mặt trên đời được 5 năm thì hơn nửa số thời gian đó phải nằm trong bệnh viện và chịu sự hành hạ đau đớn của bạo bệnh. Khi mới 22 tháng tuổi, em phải đi phẫu thuật cắt một bên thận. Và từ đó đến nay, em cùng bố triền miên ở trong bệnh viện. Rồi rất nhiều em khác, mỗi em một hoàn cảnh, mỗi em một kiểu đau, bởi không có loại ung thư nào không gây đau đớn. Mà sự đau đớn ấy người lớn còn khổ sở, huống hồ những em bé non nớt. Ở đây, những đứa trẻ bị ung thư xương có lẽ phải đau đớn nhất. Có em phải tháo khớp chân, khớp tay. Những cơn đau buốt nhói từ trong xương lan ra toàn cơ thể... Những đôi mắt ngây thơ làm tim chúng ta quặn thắt lại.
 
 Em Đoàn Đại Việt vừa truyền nước, vừa phải bế rong.
Hãy cho các em được hy vọng
 
Các bác sĩ ở Bệnh viện K nói rằng, nếu phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán đúng, điều trị thích hợp sẽ cải thiện kết quả trị ung thư trẻ em tốt hơn. Một số triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư trẻ em là sốt thất thường và có vết bầm hoặc chảy máu răng, mũi. Hoặc trẻ có dấu hiệu sụt cân, bụng to, có thể sờ thấy bướu.
 
Nếu phát hiện thấy những triệu chứng trên, cha mẹ hãy đưa con đi khám. Rất nhiều người đã biết đến sự đau đớn và khó chịu khi điều trị ung thư. Họ có ấn tượng rằng bệnh nhân mắc bệnh ung thư có thể bị rụng tóc, chán ăn và có thể mắc thêm nhiều triệu chứng khó chịu khi điều trị bằng hóa trị. Điều đó là đúng. Và thực sự khả năng khỏi bệnh ở trẻ em cao hơn người lớn. Một khi được điều trị tốt, cộng thêm sự chăm sóc tận tình của bố mẹ và người thân, của cộng đồng, các em sẽ có cơ may tìm được niềm hy vọng.Nếu không nhận được sự giúp đỡ của đồng loại, của những nhà hảo tâm thì em Phình sẽ ra sao, em Hà sẽ thế nào, cùng nhiều em bé có hoàn cảnh thương tâm khác nữa, các em sẽ ra sao? Chính sự quan tâm của các bác sĩ, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, sự cưu mang của những phụ huynh bệnh nhân với nhau đã làm vơi bớt những đớn đau và góp phần cải thiện nụ cười cho những em nhỏ.
 
Khi chúng tôi ra về, những phụ huynh bệnh nhân cứ nhìn theo mãi. Đó là tín hiệu của những lời cảm ơn, sự mong mỏi, bởi vì họ chẳng còn biết bấu víu vào đâu. Bất kỳ một sự giúp đỡ nào đó cũng có thể cho họ niềm hy vọng quật cường trong việc cùng con chống lại tử thần.

Hải Miên


Ý kiến của bạn