Trường tiểu học chuyên biệt Bình Minh (xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) là trường dành cho trẻ đa khuyết tật. Bởi các em học sinh ở đây đều bị mắc một căn bệnh nào đó: Down, tự kỷ, bại não, khiếm thính... Thế nhưng điều đặc biệt ở ngôi trường này đó là các em đều được học hành bình đẳng như bao người bình thường khác.
Các giáo viên của trường phải đồng thời làm 2 nhiệm vụ: vừa dạy học vừa là cô cấp dưỡng chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các em.
Những hoàn cảnh đặc biệt
Em Bùi Duy Khánh, 10 tuổi, (thôn Mạch Tràng, Cổ Loa, Đông Anh) học sinh lớp 1A thiểu năng là một trong những trường hợp đặc biệt nhất mà chúng tôi được giới thiệu khi đến thăm ngôi trường tiểu học đa khuyết tật này của huyện Đông Anh. Khánh bị mắc bệnh bại não do một tai nạn xảy đến với em khi còn nhỏ. Tuy không đủ sức khỏe để đi học nhưng gia đình vẫn xin cho Khánh đi học thể theo nguyện vọng của em. Hàng ngày, do không đủ sức khỏe, Khánh chỉ theo học được buổi sáng cùng các bạn. Sức khỏe bình thường đã yếu hơn các bạn nhưng có những hôm bị ốm, Khánh vẫn muốn đến trường để gặp thầy, gặp bạn. “Chẳng vậy mà, từ trạng thái không giao tiếp, không nói năng được gì, sau một thời gian theo học tại Trường chuyên biệt Bình Minh, Khánh đã viết được tên bố, tên mẹ, tên anh trai và cả tên của mình nữa...”, chị Hoa - mẹ của Khánh tâm sự trong nỗi xúc động và niềm phấn khởi hiện rõ trên nét mặt.
Trường hợp của em Khánh chỉ là một trong số ít những trường hợp đặc biệt khác tại Trường chuyên biệt Bình Minh. Hay như trường hợp của em Nguyễn Đăng, năm nay Đăng đã tròn 16 tuổi, thân hình cao to như một cậu thanh niên nhưng Đăng vẫn đang theo học lớp 1 cùng các em kém mình gần chục tuổi.
Em Nguyễn Đăng năm nay đã tròn 16 tuổi, thân hình cao to như một cậu thanh niên nhưng vẫn đang theo học lớp 1 cùng các em kém mình gần chục tuổi.
Ở đây, mỗi em đều mang một hoàn cảnh đặc biệt, không bình thường. Có em thì do khuyết tật bẩm sinh, di truyền từ cha mẹ. Nhưng có em thì do bị tai nạn mà dẫn đến những chấn thương cơ thể đáng tiếc, mang di chứng suốt cả cuộc đời.
Chẳng vậy mà, khi biết có một ngôi trường dạy học chỉ dành riêng cho trẻ em khuyết tật, các phụ huynh đều có chung một tâm thế rất an tâm và hy vọng. An tâm bởi họ không sợ con của mình không hòa nhập được với môi trường, với những bạn khác. Và hy vọng bởi, là cha mẹ không ai không mong muốn con mình được học tập, được biết chữ như bao đứa trẻ bình thường khác. Vậy nên chị Hoa, mẹ của em Khánh tâm sự: “Nhiều khi nhìn con đi học vất vả, lê từng bước chân, muốn trào nước mắt, nhưng nó cứ muốn được đến trường với thầy cô và các bạn. Từ ngày đi học, Khánh đã không còn tự kỷ như ngày trước. Đây là niềm vui lớn đối với gia đình”.
Và những ước mơ bình dị...
Trao đổi với chúng tôi, cô Lưu Thị Thu Hồng, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh cho biết: “Trường không chỉ dạy văn hóa mà còn vừa chăm, vừa dỗ. Có nhiều em bị nhẹ, dạy một thời gian thì có thể biết đọc, biết viết. Còn nhiều em thiểu năng thì chúng tôi chủ yếu giúp các em hòa nhập cộng đồng,...”.
Cô Hồng cũng cho biết thêm, trường có tất cả 30 cán bộ, trong đó 18 là giáo viên trực tiếp giảng dạy. Sau 12 năm thành lập, hiện nay sĩ số của trường tròn 100 em, chia làm 9 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Và được phân ra hai đối tượng cụ thể: Đối tượng một là các em bị thiểu năng, hội chứng Down; đối tượng hai là các em bị khiếm thính.
Do đặc thù là trường đa khuyết tật nên chương trình học ở đây cũng khá đặc biệt. Trường vẫn áp dụng chương trình của Bộ Giáo dục Đào tạo dành cho học sinh tiểu học nhưng thời gian dạy thì 2 năm/lớp. Thêm vào đó, trường có những điều chuyển linh động trong các chương trình học. Nếu trong chương trình của Bộ Giáo dục Đào tạo có những kiến thức khó thì trường sẽ lược bỏ, vì có dạy các em cũng không thể tiếp thu được. Mục tiêu chính của trường là làm sao giúp các em biết đọc, biết viết chữ thông thạo. Trường cũng áp dụng một vài môn học trong chương trình riêng dành cho học sinh khiếm thính như: môn ký hiệu, phát âm, hội thoại,... Cô Hồng cho biết, do sức khỏe các em không đảm bảo nên có những em học đến 4 năm vẫn chưa xong một lớp. Thế nên có trường hợp các em 16 - 17 tuổi vẫn học lớp 1. Cô Hồng hân hoan chia sẻ, năm ngoái có một học sinh khiếm thính của trường sau khi tốt nghiệp lớp 5 cũng đã theo học được Trường THCS Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội.
Để đảm bảo chương trình học tập chung cho toàn trường, hàng năm vào tháng 7, trường có tổ chức tuyển sinh cho các em trong 24 xã, thị trấn của huyện Đông Anh. Tuy không phải thi cử, nhưng trường cũng có những quy định đầu vào nhất định để nhận học sinh. Thứ nhất đó là các em phải đảm bảo sức khỏe, thứ hai là có sự hợp tác với giáo viên và tiếp thu được, thứ ba là các em đều phải làm chủ được vấn đề vệ sinh cá nhân của bản thân.
Trường miễn hoàn toàn học phí cho học sinh và hỗ trợ cho mỗi em 2.000đ/bữa ăn. Phần còn lại trong suất ăn là do phụ huynh đóng góp. Theo cô Hồng tâm sự, khó khăn lớn nhất hiện nay của trường là đối tượng học sinh. Bởi là trường đa khuyết tật, đối tượng học sinh cũng đa dạng, đa khác biệt nên rất khó về vấn đề chăm sóc và dạy dỗ. Bởi thường các em đều là những đứa trẻ rất hiếu động, mau nhớ chóng quên. Lại có cả những em tự kỷ không phối hợp, không hòa nhập môi trường cùng các bạn.
Vậy nên, theo như cô Hồng tâm sự, điều mà các cô giáo và tập thể cán bộ trong trường mong muốn nhất đó là được nhìn thấy các em mỗi ngày được khỏe mạnh hơn, được học tập, vui chơi và biết chữ. Đặc biệt, có những tiến bộ trong việc biết chào hỏi thầy cô, khách đến trường và hòa nhập tốt với cộng đồng để có những nhận thức cơ bản như những người bình thường khác.
Chính mong muốn của đa số phụ huynh khi đưa con đến đây là thiết tha hy vọng con mình được học tập dưới mái trường, được đến lớp gặp thầy, gặp bạn, được vui chơi và hòa nhập với cộng đồng là động lực thôi thúc cho các cô - những người mẹ thứ hai của các em học sinh Trường đa khuyết tật chuyên biệt Bình Minh cố gắng dạy tốt, mang đến cho các em quyền bình đẳng được học tập, được vui chơi và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và có những đóng góp cho cộng đồng dù nhỏ bé.
Bài, ảnh: Dạ Miêu