Nhưng bằng tình thương, sự sẻ chia và trách nhiệm của mình, những y, bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh quên đi hiểm nguy có thể đến với mình bất cứ lúc nào để chữa trị cho bệnh nhân tâm thần, giúp họ trở về cuộc sống đời thường.
Những y, bác sĩ "thần kinh thép"
Dù nằm khuất phía sau con đường rộng lớn Quang Trung, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh, nhưng thỉnh thoảng những âm thanh gào thét được phát ra từ các bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh (BVTT) làm người đi đường giật mình. Vừa bước chân vào khu vực điều trị, những bệnh nhân phát hiện "điều bất thường" bỗng giật mình ngồi dậy lùi vào phía sau tường, dùng tay che mặt và tránh đi chỗ khác. Những gương mặt bơ phờ, hoảng loạn, đang cười đùa cùng nhau bất ngờ cởi phăng áo quần đang mặc trên người bỏ chạy loanh quanh khu điều trị.
Cửa phòng số 02 mở ra, nơi có 5 giường bệnh, một người phụ nữ dáng thấp đậm hằn in sự khắc khổ đang ngồi âu yếm chải tóc cho người con gái bé bỏng. Dường như ở người phụ nữ khổ hạnh ấy là cả một nỗi niềm chất chứa. Thấy người lạ, chị vội vàng thu dọn những vật dụng đứa con gái bé bỏng vừa vứt xuống đất.
Theo lời kể của điều dưỡng Trần Thị Bích Hằng (công tác tại Khoa Cấp tính nữ), cháu bé được mẹ chăm sóc ấy là em T.K.L. (17 tuổi, trú tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên). "Mấy tháng trước, em L. có biểu hiện sao nhãng việc học, mất ngủ, thường xuyên la hét. Ban đầu, gia đình cứ nghĩ em căng thẳng chuyện học tập nên cũng không quan tâm đến những trạng thái bất thường. Chỉ đến khi tình trạng của L. trở nặng, người thân đưa đi thăm khám và được các bác sĩ chẩn đoán em đang ở giai đoạn hưng cảm, phải nhập viện điều trị", chị Trần Thị Bích Hằng kể.
Đã hơn 4 năm gắn bó với những bệnh nhân tâm thần tại Khoa Cấp tính nữ, điều dưỡng Hằng vẫn nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng của ngày đầu tiên bước vào đây. Tận mắt chứng kiến các bệnh nhân đang trong trạng thái kích động, chị không khỏi hoảng sợ. "Khi họ lên cơn, ánh mắt hoang dại, nhìn mình như kẻ thù làm mọi người nhìn thấy rất sợ hãi. Thế nhưng sau khi hết cơn "hưng phấn" họ lại trở về là những con người hiền lành. Ánh mắt trìu mến, biết ơn của các bệnh nhân khi được mình chăm sóc là động lực giúp những y, bác sĩ nơi đây quên hết sợ hãi để gần gũi với người bệnh", điều dưỡng Trần Thị Bích Hằng tâm sự.
Đang trò chuyện cùng điều dưỡng Hằng, bên ngoài khuôn viên bệnh viện, một bệnh nhân nữ chừng 50 tuổi đang ngồi trên ghế đá, hai tay đan chặt với nhau, ánh mắt nhìn xa xăm, hành động nhiều lúc như đứa trẻ. Hỏi ra mới biết bệnh nhân này mang trong mình nhiều nỗi đau tinh thần nên mới bị như vậy. Thấy người lạ, bệnh nhân chỉ biết cúi mặt, chạy nhanh vào phòng nằm úp mặt xuống, miệng liên tục lẩm bẩm phát ra những âm thanh khó hiểu. "Đó là bệnh nhân Hoa, bị tâm thần phân liệt 12 năm. Chị Hoa cũng từng có một gia đình hạnh phúc nhưng sau đó hai vợ chồng chị ly hôn. Đang nuôi con nhỏ thì đổ bệnh. So với các bệnh nhân khác, chị Hoa có hoàn cảnh éo le hơn, mẹ đơn thân nuôi con, bản thân mình lại bị bệnh nên không được ai chăm sóc. Hiểu được khó khăn của bệnh nhân, các y bác sĩ của bệnh viện thay nhau điều trị, chăm sóc và vận động các nhà tài trợ để xin suất ăn miễn phí cho chị Hoa", điều dưỡng Hằng chia sẻ.
Chuyển công tác từ một bệnh viện tuyến huyện về BVTT, một bác sĩ công tác tại Khoa Cấp tính nam (xin giấu tên) giãi bày: "Làm ở bệnh viện đa khoa tuyến huyện, quen với việc chăm sóc cho những người "tỉnh" nên khi chuyển về đây, em thấy chữa cho người bệnh tâm thần khó thế nào"..
Ngoài chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm hơn 50% trong việc chữa trị bệnh nhân tâm thần. Đôi khi các bác sĩ phải hóa thân thành người bệnh để cùng nói, cười, tâm sự, dỗ dành họ ăn, uống thuốc... Thế nên những y, bác sĩ công tác tại BVTT luôn được mọi người trìu mến gọi "Thiện tâm thần", "Nga tâm thần", "Hoa hưng phấn"...
Bị đánh vẫn thấy thương bệnh nhân
BSCKI. Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu (Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị đang điều trị nội trú cho gần 100 bệnh nhân, bao gồm cả bệnh nhân tâm thần phân liệt, trầm cảm, mất ngủ, lo âu, rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, ma túy...
Hơn 8 năm công tác tại BVTT Hà Tĩnh, BS. Lê Thị Quỳnh Nga vẫn nhớ như in giọt nước mắt khi vào nghề, đó là những lần chị bị đánh vô cớ bởi sự kích động của bệnh nhân, đó là những lần chị bị bệnh nhân xé áo... Tất cả những kí ức ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí chị. "Nhiều năm trong nghề, tôi từng chăm sóc hàng trăm bệnh nhân, bản thân tôi rất đồng cảm với nỗi bất hạnh của họ và nỗi buồn tủi của thân nhân người bệnh. Đã bao lần tôi và đồng nghiệp bị bệnh nhân chửi mắng, hành hung nhưng chính những thời điểm ấy tự trong lòng lại thấy cảm thương họ mà không hề giận dữ", BS. Nga tâm sự.
Nói về ký ức buồn trong nghề, BS. Nga vẫn không thể quên được trường hợp của bệnh nhân tên Hòa. Bệnh nhân được người thân đưa đến bệnh viện khám với tinh thần bất ổn, liên tục cáu gắt và vô cùng hung hãn. "Thời điểm đó, mới chân ướt chân ráo vào nghề, mặt đối mặt với bệnh nhân kích động tôi cũng rất sợ. Bệnh nhân Hòa hoang tưởng mạnh, thường tưởng mình bị tấn công, trước thời điểm được người nhà đưa đến thăm khám, ở nhà bệnh nhân cũng thường dùng hung khí tấn công người xung quanh. Khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, người nhà cũng không dám vào hỗ trợ cùng bác sĩ, để lại tôi mặt đối mặt với bệnh nhân. Bệnh nhân kích động, tôi bị bệnh nhân bất ngờ tát một cú như trời giáng", BS. Nga nhớ lại.
Nhiều năm gắn bó với "người điên", số lần điều dưỡng Trần Thị Bích Hằng bị bệnh nhân tấn công không thể đếm xuể, nhẹ thì bị xé quần áo, nặng thì bị tấn công đến chảy máu. Nhớ lại những lần ám ảnh và đáng sợ nhất, điều dưỡng Hằng kể, trong một lần đang cho bệnh nhân uống thuốc, khi vừa đưa thuốc lên, bệnh nhân T.T.Đ. rút thanh chắn giường ném qua người, may mắn chị né được. Một lần khác, khi đang phát thuốc cho bệnh nhân N.T.L. (bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt), bất ngờ chị bị bệnh nhân lao tới cào rách mặt, để thoát khỏi bệnh nhân chị phải nhờ đến đồng nghiệp hỗ trợ. "Làm việc tại bệnh viện này, việc bị bệnh nhân tấn công là chuyện hết sức bình thường. Khi bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, nghiện chất đột ngột phát bệnh, họ sẽ tấn công người xung quanh. Hầu như cán bộ y, bác sĩ ở đây ai cũng đã từng bị bệnh nhân tấn công", điều dưỡng Hằng chia sẻ.
Mặc dù hung dữ khi lên cơn nhưng bệnh nhân tâm thần vẫn có những khoảng lặng khiến các y, bác sĩ ai nấy đều mủi lòng. Lúc bệnh nhân "nửa tỉnh nửa điên", bác sĩ ngay lập tức trở thành người yêu, ba mẹ, anh em hay thậm chí là kẻ thù để bệnh nhân trải lòng, trút cơn uất ức.
Đối với các bác sĩ công tác tại BVTT, điều tuyệt vời nhất là khi nhìn thấy những cô cậu sinh viên, sau khi được giải thoát khỏi chứng bệnh tâm thần, lại tiếp tục theo đuổi đam mê và nay đã trở thành những kĩ sư, thầy cô giáo, những con người được hồi phục trở về với cuộc sống... Họ giờ đây xem bác sĩ như cha, như mẹ, còn các bác sĩ vẫn ngày ngày dõi theo những bước đi của họ khi trở lại cuộc sống bình thường.
Đối với nhiều người, nhắc đến bệnh viện tâm thần, bệnh nhân tâm thần là ai cũng mang một chút tâm lý ái ngại, sợ sệt. Thế nhưng đối với các y, bác sĩ làm việc tại đây, họ đã luôn đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh và tận tụy chữa trị mong người bệnh sớm được trở về cuộc sống đời thường.