Nỗi buồn “trà đá vỉa hè”

16-10-2012 15:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Gần đây, các hội thảo, hội thảo khoa học của các ngành văn hóa nghệ thuật thường xuyên được Hội trung ương, Hội địa phương rồi các Viện… tổ chức nhưng hiệu quả của nó khiến không ít người ngao ngán.

Gần đây, các hội thảo, hội thảo khoa học của các ngành văn hóa nghệ thuật thường xuyên được Hội trung ương, Hội địa phương rồi các Viện… tổ chức nhưng hiệu quả của nó khiến không ít người ngao ngán. Người làm truyền thông ban đầu háo hức tới các hội thảo bao nhiêu thì về sau cũng mệt mỏi vì “chẳng có gì mới” đủ để viết thành bài mà chỉ có đủ lượng thông tin làm một cái tin nhỏ vì không đặt ra được vấn đề gì mới cho tình hình hiện tại.

Hội thảo - Các gương mặt cũ lại nhìn nhau

Quanh đi quẩn lại chừng đó gương mặt, chừng đó con người của một chuyên ngành hẹp. Nhà nghiên cứu thì hầu hết đã đứng tuổi, “ngại” tham gia vào các sự kiện thường xuyên của giới, ý kiến đều đứng trên góc độ lý luận từ hàng bao thập niên trước, thiếu độ cập nhật. Những nghiên cứu viên ít tuổi hơn lại chưa đủ độ chín để chinh phục diễn đàn. Đơn cử, văn học từ sau năm 1975 đến nay đã hình thành hẳn một dòng văn học làm nên diện mạo của văn hóa Việt Nam hiện nay với đội ngũ tác giả rất trẻ, rất năng động. Vậy nhưng hầu như các cuộc hội thảo vẫn là của những mái đầu bạc, hầu hết các diễn giả cũng như người tham dự đã về hưu, rất ít người trẻ đủ tiêu chuẩn để có cơ hội tham gia. Tổ chức hội thảo nặng tính tôn vinh, ca ngợi mà thiếu hẳn tính học thuật, phê bình khách quan nên cách đánh giá, nhìn nhận tác giả, tác phẩm ở các hội thảo này đem lại cái nhìn lệch lạc trong giới truyền thông.

Hội thảo về văn hóa nghệ thuật nhiều khi “chẳng có gì mới”.           (Ảnh minh họa)

Thiếu một người thực sự có năng lực, uy tín khoa học để cầm trịch, thiếu một sự đề dẫn công phu, khoa học, nghiêm túc để nêu vấn đề, tập trung vấn đề nên các hội thảo cứ chờn vờn ở vòng ngoài của vấn đề nóng cần giải quyết của đời sống văn hóa nghệ thuật. Vậy là hằng năm, các hội thảo vẫn diễn ra đều đều, nhưng ở đó, người lên diễn đàn thường đọc tham luận (đôi khi tham luận từ hội thảo trước nay được mang ra tút tát lại đôi chỗ cho... có vẻ cập nhật), người ngồi dưới tụ hội, lâu ngày gặp nhau, sôi nổi không kém diễn đàn. Cái nếp đọc tham luận dài dòng, khó hiểu, không toát lên ý chính, chính kiến của mình đối với chủ đề hội thảo khiến người nghe mệt mỏi, chán nản, khó nắm bắt vấn đề người đăng đàn muốn đề cập, nói gì đến phản biện, trao đổi. Chính vì thế, rất nhiều người mang tâm lý đến tham dự hội thảo như một dịp gặp gỡ, giao lưu với bạn bè là chính.

Vấn đề hội thảo - Biết rồi, nói mãi!

Người ta cho rằng, chúng ta thích đặt những vấn đề to tát, có tầm vĩ mô, bỏ qua cái cụ thể đòi hỏi trách nhiệm cá nhân… Vì thế, các vấn đề đặt ra để hội thảo không trúng, không có tác động tích cực đến đời sống sáng tác. Nhiều ban tổ chức, chủ tọa cũng muốn thay đổi nếp này, nhưng khó lắm thay vì người đăng đàn thường “quen viết dài, khó viết ngắn”, lại càng khó tóm lược ý kiến của chính mình. Đó là còn chưa kể không ít người tham dự đã mượn diễn đàn để “khoe” kiến thức, tự lăng-xê đề cao mình hoặc “dìm hàng” người khác, biến hội thảo thành “trà đá vỉa hè”. Lại còn vấn nạn nhiều chuyên gia hội thảo, nghĩa là hội thảo nào cũng có mặt, nhưng các ý kiến luôn chẳng có gì mới khi luôn độc thoại với những bức xúc của cá nhân mình.

Vẫn còn tình trạng hầu hết các tham luận nếu có đọc thì chỉ thấy phần thực trạng được trình bày là chủ yếu, giải pháp nếu có đưa ra thì lại rất chung chung, giản lược và nặng phần “kêu gọi” sự đầu tư của Nhà nước. Câu hỏi trước khi tổ chức hội thảo là: vấn đề đặt ra có trúng không, đối tượng bàn tới của hội thảo có cần vấn đề đó không, có cần tới quá nhiều hội thảo như hiện nay không… Đã tới lúc cần sự minh bạch ngay trong cách thức tổ chức những hội thảo mang tiếng là khoa học mà thực ra rất phản khoa học này.

Cao Ngọc



Ý kiến của bạn