Nỗi buồn của người chiến thắng

14-11-2011 11:28 | Thời sự
google news

Vụ án bắt cóc bé sơ sinh lần đầu xảy ra, chỉ sau 5 ngày, cháu bé đã trở về với gia đình làm nức lòng đồng bào cả nước thành niềm vui không chỉ riêng gia đình bị hại và các thầy thuốc BV Phụ sản Trung ương. Thế nhưng, anh em CSHS - những người chiến thắng và làm nên niềm vui đó lại ủ trong lòng nỗi buồn!

Vụ án bắt cóc bé sơ sinh lần đầu xảy ra, chỉ sau 5 ngày, cháu bé đã trở về với gia đình làm nức lòng đồng bào cả nước thành niềm vui không chỉ riêng gia đình bị hại và các thầy thuốc BV Phụ sản Trung ương. Thế nhưng, anh em CSHS - những người chiến thắng và làm nên niềm vui đó lại ủ trong lòng nỗi buồn! Nỗi buồn của “các anh số 7” (thương hiệu tin yêu mà dân gọi CSHS Hà Nội theo địa chỉ trụ sở) bắt đầu ngay từ nỗi đau mất con của nạn nhân lan sang để rồi khi bắt được thủ phạm lại càng buồn hơn vì những chuyện nhân tình thế thái gây ra vụ án này khi hỏi cung thủ phạm.

Mừng quá, biết tin cháu bé sơ sinh bị bắt cóc được “các anh số 7” ôm vào lòng trao tận tay gia đình chỉ sau 5 ngày, chúng tôi vội đến ngay số 7 Thiền Quang, leo lên tầng 3 tìm gặp thượng tá trưởng phòng Đào Thanh Hải, Trưởng ban chuyên án để chúc mừng. Mới nghe nhắc đến vụ phá án thành công, ông Trưởng ban chuyên án đã vội xua tay, khuôn mặt bần thần trong nỗi buồn miên man.
 
Quen nhau lâu, biết tính ông là thế. Cứ mỗi lần phá xong một vụ án, có khi được khen, được thưởng tưởng phải ăn mừng, nào ngờ trái tim ông thêm một lần quặn nhói vì những cái ác tồn tại trong cuộc đời. Lắm khi khai thác đối tượng, ông càng đau đáu hơn về những nguyên nhân khiến đối tượng phạm tội để rồi lại trăn trở giá hoàn cảnh thế này, anh nọ xử sự thế kia chắc đối tượng không phạm tội…
 
Dân cứ nghĩ CSHS là võ nghệ cao cường, bắn súng hai tay, trí  lực dồi dào, không sợ chết nhưng ít biết phẩm chất của nhà tâm lý, nhà xã hội học và đặc biệt là trái tim đa cảm, nhân hậu trong họ. Cũng vì nhân hậu mà thấy khuôn mặt chưng hửng của nhà báo định khai thác, viết bài, thượng tá Đào Thanh Hải chỉ cho lối thoát: “Anh sang bên đội 12 đi, gặp Tần!”.
 PV báo SK&ĐS trò chuyện “ngoài lề” với Trung tá Đỗ Đình Đang.

Tần mà ông Hải nói là Trung tá Nguyễn Tiến Tần, Đội trưởng Đội Điều tra, phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em của CSHS Hà Nội, người trực tiếp bế cháu bé bị bắt cóc từ tay thủ phạm về lại với gia đình. Rút kinh nghiệm thất bại vừa rồi, chúng tôi sang đội 12 không phỏng vấn, không hỏi chuyện phá án gì hết, chỉ ngồi chơi và “gạ chuyện”!

Để có được giây phút bế cháu bé trên tay trả lại gia đình, CSHS Hà Nội phải tưởng tượng ra tất cả những giả thiết có thể xảy ra không kém một nhà văn! Nhưng ông nhà văn có tưởng  tượng cũng chỉ ngồi trong nhà và hư cấu cho hợp lý với tưởng tượng của mình chứ CSHS thì phải đi tìm đáp số chính xác trong muôn vàn giả thiết tưởng tượng ấy.
 
Đáp số chỉ có một mà giả thiết thì nhiều mà mỗi giả thiết ấy là chất chồng những vất vả với những mũi, những tổ công tác tỏa đi khắp nơi. Thủ phạm ngang nhiên mặc áo nhân viên y tế giữa ban ngày, lúc đông người vậy liệu có nhân viên y tế xịn nào bắt cóc? Một bà ở tỉnh nọ tuổi cũng đã “cứng”, mấy lần đẻ đều con chết, vừa ra viện đúng ngày vụ bắt cóc xảy ra liệu có quẫn quá hóa liều mà cướp con người khác làm con mình?
 
Những đường dây buôn bán trẻ con có trong tầm ngắm và lúc xảy ra vụ án, các đối tượng ở đâu... là ví dụ vài giả thiết vậy và làm rõ những câu hỏi ấy quả là không dễ. Điều tra là nghi vấn nhưng phải tế nhị vì nghi 10 nhưng đáp số chỉ có 1. Không thể vì mục đích tốt là tìm thủ phạm mà thô bạo yêu cầu tất cả các nhân viên y tế trạc tuổi ấy, hình dáng thế đứng xếp hàng để nạn nhân mất con nhận diện chẳng hạn. Không lẽ chưa xóa được nỗi đau trong lòng người mẹ mất con lại vô tình gieo nỗi buồn cho những những người lương thiện bằng sự xúc phạm?
 
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, những điều tra viên trong ban chuyên án đã làm những người bị nghi thoải mái, tự tin, không biết mình bị nghi quả là thái độ trân trọng con người thật đáng quý. Xin không để lộ những biện pháp nghiệp vụ ở đây, song với sự tận tình, bền bỉ, khẩn trương không biết mệt mỏi, các anh đã bóc tách, loại trừ để ngày càng đi gần đến đích. Có một chi tiết người lái xe taxi phát hiện nghi vấn là rất đáng khen ngợi nhưng chi tiết này quả không phải vô tình mà là sự tất yếu trong thế trận an ninh toàn dân mà CSHS ta đã dày công xây dựng.

Những giờ phút đầu tiên tiếp xúc với người mẹ mất con, “các anh số 7” đã thấy lòng quặn thắt vì nỗi đau người mẹ lan sang các anh. Điều tra là nhiệm vụ nhưng CSHS làm nhiệm vụ với tất cả sự đồng cảm, thương cảm của trái tim con người. Đã có người quay mặt đi lau vội giọt nước mắt bởi trong các anh cũng có người “chậm con” và nỗi đau trước mặt chạm vào  các anh với liên tưởng đến xé lòng. Giọt nước mắt ấy không hề ủy mị, khó hiểu với những người hàng ngày giáp mặt với tội phạm, giọt nước mắt ấy là sức mạnh làm nên những chiến công.

Khi nói chuyện vụ án,Trung tá Nguyễn Tiến Tần kể: “Ngay khi bắt tay vào triển khai điều tra chiều mùng 3/11/2011, chúng tôi đã xác định ngay đây là vụ việc lần đầu tiên xảy ra gây hoang mang và ảnh hưởng lớn tới dư luận, nạn nhân lại là một cháu bé 2 ngày tuổi nên nếu để chậm ngày nào là nguy hiểm tính mạng cháu ngày ấy, áp lực phá án trong thời gian ngắn là rất lớn”.
 
Nhưng khi hỏi về cảm giác là người đầu tiên bế cháu bé, Trung tá Nguyễn Tiến Tần như trở thành “anh Tần” chứ không phải là ông Đội trưởng hình sự: “Không hiểu sao lúc đó mồ hôi tôi toát hết dọc sống lưng. Tôi ít nghĩ đến kẻ bắt cóc mà chỉ lo tính mạng cháu bé ra sao, phải làm gì cho tới khi cháu về với bố mẹ. Toàn đàn ông cả với nhau, bắt cướp to khỏe thì dễ, chứ bế cháu bé cho nhẹ nhàng thì cứ luống ca luống cuống mãi. Anh em chỉ muốn bay ngay về bệnh viện để trả cháu cho mẹ vì cả ngàn con người đang chờ ở đó, nhưng tôi cứ phải nhắc lái xe hết sức cẩn thận”.

Chính vì có “anh Tần” trong Trung tá Nguyễn Tiến Tần nên khi Lệ không dễ dàng trao cháu bé cho lực lượng công an mà khăng khăng nhận là con mình, anh Tần đã thông cảm động viên thủ phạm rằng “việc làm của cháu là sai lầm lắm rồi, ảnh hưởng tới bao người, nếu đã trót thì cháu hãy bạo dạn khai nhận, chuyện đã đến nước này rồi, cháu đừng để mình phải trượt sâu hơn nữa”.

Hóa ra ông Trung tá Đội trưởng tham gia không biết bao vụ án lớn nhỏ còn hiểu tâm lý tội phạm như thể một bác sĩ chuyên khoa hiểu bệnh tình bệnh nhân cùng những số phận con người cũng bao đau đớn, tủi nhục và đắng cay của tội phạm ẩn sau mỗi vụ án.
 
Ngoài những kẻ máu lạnh mang tính… bẩm sinh, những kẻ phạm tội chuyên nghiệp thì có không ít người đã hành động vì bột phát, trong tư thế quẫn bách do áp lực. Trung tá Tần cũng đượm buồn trong giọng nói: “Cô Lệ trong vụ án này là trường hợp như vậy. Đôi lúc tôi thấy buồn vì cuộc sống con người cứ tạo ra cho nhau những áp lực, như thế rất dễ khiến người thiếu bản lĩnh bị sa ngã”.
 
Đó cũng là tâm sự của Trung tá Đỗ Đình Đang, điều tra viên ban chuyên án. Ngồi cùng phóng viên bên hành lang trước cửa Đội 2, ông chậm rãi: “Các cụ bảo đàn ông sâu sắc giếng khơi, đàn bà nông nổi như cơi đựng trầu cũng là để nói đến sự thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn trong nhìn nhận cuộc sống, giống như cô Lệ trong vụ việc này.
 
Thông tin sơ bộ là cô này sau khi có bầu mới đăng ký kết hôn, đến khi đau đẻ, gọi điện cho chồng thì chồng đang… đi chơi. Giữa cô ta và gia đình chồng cũng rất lạnh nhạt. Hai vợ chồng cãi nhau, giận nhau, cô ta nhảy lên xe buýt đi đẻ. Tiền chẳng có, lúc vào BV Gia Lâm sinh xong thì vỡ ối, mệt quá ngất đi, rồi được người ta thông báo con đã tử vong.
 
Do lo sợ nhà chồng hắt hủi, chồng dọa bỏ khiến cô ta quẫn trí, ủ mưu mười mấy ngày rồi nảy ra ý định độc ác là bắt con người khác thế làm con mình. Nếu xét hết hoàn cảnh như thế thì Lệ có tội nhưng cũng đáng thương”.

Vụ án còn tiếp tục mở rộng điều tra nhưng đứa trẻ sơ sinh trở về có thể gọi là kết thúc những đau buồn của gia đình mất con, của cả xã hội để thay bằng những niềm vui và hạnh phúc. Thế nhưng không thấy sự hỉ hả của những người làm nên niềm vui, hạnh phúc ấy. Ở họ cứ canh cánh một nỗi buồn ngay cả sau mỗi chiến công. Đấy là phẩm chất của “các anh số 7” chăng và phẩm chất ấy đang ngày ngày âm thầm làm nên sự bình yên, làm nên những nụ cười của đồng loại… 

Hoàng Lê


Ý kiến của bạn