Ở các nước phương Tây, nghệ thuật sắp đặt xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 20. Dường như ngay lập tức, môn nghệ thuật này khiến người ta vừa ngỡ ngàng vừa thích thú bởi sự phóng khoáng vô biên của nó. Tất nhiên, trào lưu nghệ thuật này cũng gây ra nhiều tranh cãi khi xuất hiện tại Việt Nam.
Muôn vẻ
Có thể nói, nghệ thuật sắp đặt cho phép người nghệ sĩ thỏa sức "nghịch ngợm" với những đồ vật mà anh ta sưu tầm được. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khổng lồ của nghệ sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ - Sakir Gokcebag là một ví dụ. Mặc dù tác phẩm của anh đã được đánh giá rất cao vì tính chất sáng tạo nhưng ban đầu, người ta từng nghĩ đó chỉ là một trò "nghịch ngợm" của những đứa trẻ. Anh đã sử dụng hàng trăm cuộn giấy vệ sinh như chất liệu trong tác phẩm. Những cuộn giấy được đặt ở nhiều trạng thái khác nhau, gắn trên tường hoặc treo lơ lửng từ một cột trụ hoặc đinh móc trên tường. Tất cả hòa hợp để tái hiện ý tưởng “Mang vẻ đẹp hòa nhập vào cuộc sống thường nhật”...
Đến nay, nghệ thuật sắp đặt cũng như một số loại hình nghệ thuật thử nghiệm khác vẫn được đón nhận ở mức độ dè chừng.
Kỳ quặc, khó hiểu và đôi khi khiến người xem cảm thấy... bực mình - đó là lý do vì sao nghệ thuật sắp đặt vẫn là một sự tranh cãi chưa có hồi kết. Tuy vậy, chính yếu tố kỳ quặc đó lại khiến người ta cảm thấy thích thú, tò mò. So với nhiều loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật sắp đặt luôn thu hút người xem.
Với tiêu chí mở rộng cánh cửa giao lưu với văn hóa nghệ thuật thế giới, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của rất nhiều nghệ sĩ quốc tế, không ngoại trừ các họa sĩ đam mê nghệ thuật sắp đặt. Khán giả Việt từng có cơ hội chiêm ngưỡng không gian với vô vàn chấm bi kì ảo thuộc triển lãm nghệ thuật sắp đặt của Nhật Bản “Yayoi Kusama: Những nỗi ám ảnh”. Triển lãm này được tổ chức nhân kỉ niệm năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Với gương và bóng chấm bi, nữ nghệ sĩ Kusama đã tạo ra một không gian 2D, 3D kì ảo. Đúng như tên gọi của khu triển lãm này - “Những ám ảnh chấm bi”, nhiều bạn trẻ đến đây đã không khỏi mẩn mê vì cách sắp đặt tài tình...
Người họa sĩ 40 tuổi Nguyễn Ngọc Dân cũng là một hiện tượng của nghệ thuật sắp đặt Việt thời gian qua. Anh nổi tiếng với Dự án “Dây và cột điện” và triển lãm sắp đặt “Phố Dân – Dân phố”. Anh đi và vẽ, sưu tầm và chọn lựa các đồ vật mua về "chỉ để có được ngày triển lãm hôm nay". Anh chia sẻ: Sự đầu tư công phu nhất cho “Phố Dân – Dân phố” có lẽ là bộ cột điện sắt và hệ thống sứ điện, trụ điện, bên trên là quả địa cầu mà anh đặt tên gọi là "Kiệu rước trái đất". "Mọi người nói trông thật buồn cười. Về nhà đi ngủ nằm nghĩ lại tôi cũng thấy thật buồn cười", Nguyễn Ngọc Dân chia sẻ tại buổi khai mạc.
Người họa sĩ cho rằng, đô thị hóa trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đảo lộn đổi thay từng ngày cuộc sống và môi trường sống của hàng triệu người dân phố. Do vậy, triển lãm này nói lên mối quan hệ giữa tác phẩm với người xem, giữa tác phẩm với tác phẩm, giữa tôi và chúng ta. Triển lãm cũng giúp người xem tự hỏi mình liệu có đủ sức điều khiển những khối vật chất vô cảm, vô tri vô giác mà con người làm ra hay chính con người bị những thứ này sai khiến.
Có thể nói, tác phẩm nghệ thuật sắp đặt luôn tiềm ẩn giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn, thậm chí tiếng nói của người nghệ sĩ được thể hiện rất mạnh mẽ. Nhưng sức lan tỏa của nó đến đâu, thậm chí có bị người xem nghi ngờ, "hiểu nhầm" hay không thì bản thân tác giả không thể... tác động được.
Bày ra để rồi... vứt đi?
Thực tế, chúng ta khó mà đổ lỗi cho ai bởi sau năm 2000, nghệ thuật sắp đặt mới bắt đầu phát triển khá rộng rãi ở Việt Nam. Những tác phẩm sắp đặt đầu tiên của Việt Nam được trình bày giống như không gian điêu khắc hay giống như một bức tranh. Những triển lãm sắp đặt đầu tiên cũng cuốn hút công chúng yêu nghệ thuật và giới mỹ thuật, tuy nhiên, nhiều người đến xem chỉ vì sự hiếu kỳ chứ bản thân chưa hiểu biết nhiều về loại hình nghệ thuật này. Sự lần mò của cả người thực hành nghệ thuật lẫn người thưởng thức nghệ thuật dẫn đến tình trạng các tác phẩm lúc đầu đều chưa có sức thuyết phục, có tác phẩm còn hời hợt về cả nội dung và hình thức. Cả tác giả và người thưởng thức đều miễn cưỡng gán cho tác phẩm một nội dung “mới” nào đó.
Có thể nói, với hơn 10 năm du nhập và phát triển ở Việt Nam, nghệ thuật sắp đặt cũng như một số loại hình nghệ thuật thử nghiệm khác vẫn được đón nhận ở mức độ dè chừng. Thái độ này không chỉ xuất hiện ở công chúng thưởng thức nghệ thuật mà còn ở cả phía các nhà quản lý. Người Việt Nam vẫn hoàn toàn chưa chấp nhận mỹ thuật mà không phải là tranh, tượng; mỹ thuật mà lại có ngôn ngữ múa, điện ảnh xuất hiện trong đó. Vì thế nên có lẽ phần lớn triển lãm sắp đặt sau khi trình diễn xong thì chẳng ứng dụng được bao nhiêu, "thảm" hơn, không ít tác phẩm sắp đặt nhanh chóng biến thành... phế phẩm khi cuộc triển lãm kết thúc.
Có lẽcác nghệ sĩ sắp đặt tiên phong của Việt Nam đã cho thấy việc cần thiết phải định nghĩa lại vai trò của người nghệ sĩ mỹ thuật, không phải chỉ là người biết nặn, biết vẽ. Họ cũng cho thấy một nhu cầu cấp thiết phải thay đổi triệt để, toàn diện trong quan niệm về nghệ thuật đương đại: người nghệ sĩ không chỉ đơn thuần là sáng tạo không gian mà còn phải có một cái nhìn tổng thể hơn, giải quyết được một vấn đề thực tế. Người nghệ sĩ hiện tại phải là những người thực hành, có thể nghiên cứu, trình bày ý tưởng và dùng nghệ thuật của mình can thiệp vào đời sống xã hội. Nhưng vấn đề là sự cố gắng ở một phía chưa đủ, công chúng cũng nên có cái nhìn "mở" hơn với môn nghệ thuật này.
Tùng Lâm