Na ná giống một tác phẩm nào đó đã từng thấy, bắt chước phong cách của các họa sĩ nổi tiếng nước ngoài, thậm chí ăn cắp nguyên xi ý tưởng của người khác là tình trạng “biết rồi nhưng vẫn cứ phải nói” và ngày càng phổ biến...
Bắt chước từ ý tưởng đến phong cách
Tranh cổ động "Tất cả trẻ em nghèo được học" của tác giả Chu Ngọc Thăng và bức ảnh "Lớp học vùng cao" của tác giả Lê Hồng Linh. |
Đó là một câu chuyện đau lòng mà có lẽ các thế hệ họa sĩ VN sẽ phải tiếp tục nói và suy nghĩ nhiều hơn. Đến xem bất kỳ một cuộc triển lãm nào hay thậm chí ngay cả ở các cuộc thi mỹ thuật, người ta cũng bắt gặp rất nhiều tác phẩm “na ná giống” với những tác phẩm đã thấy trước đó. Vụ việc gần đây nhất khiến công chúng và giới nghệ thuật bất bình là vụ ăn cắp ý tưởng bức tranh cổ động Đừng để HIV/AIDS lấy đi cuộc sống của bạn của tác giả Nguyễn Tấn Khởi - tác phẩm đạt giải A duy nhất trong cuộc thi sáng tác tranh với chủ đề Phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên - với tác phẩm của hoạ sĩ Rewais Hanna của Mỹ. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội thì Nguyễn Tấn Khởi đã lấy tới trên 90% ý tưởng của Rewais Hanna. Trước đó, công chúng yêu mỹ thuật chắc vẫn chưa quên vụ tác giả Nguyễn Trung Kiên đã sao chép gần như toàn bộ từ bức ảnh Nụ hôn của gió của tác giả Trần Thế Long thành tranh cổ động Đảng là cuộc sống của tôi và… đoạt giải; hay trường hợp giữa tranh cổ động Tất cả trẻ em nghèo được học của tác giả Chu Ngọc Thăng và bức ảnh Lớp học vùng cao của tác giả Lê Hồng Linh…
Không chỉ ăn cắp ý tưởng, nhiều họa sĩ của ta còn bắt chước luôn cả phong cách và bút pháp của các họa sĩ nổi tiếng khác. Đáng chú ý là xu hướng lai căng giữa các tác phẩm hội họa của Việt Nam và của các họa sĩ Trung Quốc. Ngay trong Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cũng đã chỉ ra hơn chục tác phẩm chịu ảnh hưởng khá mạnh, hay nói thẳng ra là bắt chước bút pháp của một vài họa sĩ Trung Quốc, đặc biệt là bút pháp của họa sĩ Phương Lực Quân khi khắc họa những khuôn mặt người biểu hiện sự trì trệ, ngờ nghệch, khiến người xem “tức mắt”, tự thấy mình cần phải vùng lên, cần phải thay đổi. Tác phẩm Mầm đá đoạt Huy chương vàng của triển lãm là một ví dụ. Chưa kể còn có nhiều bức tranh mà trong đó nhân vật chính mặc trang phục của Trung Quốc khiến người xem có cảm giác tranh phản ánh cuộc sống của người Trung Quốc chứ không phải của người Việt Nam.
Cũng tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010, với con mắt của một nhà chuyên môn, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa khẳng định: có rất nhiều họa sĩ sử dụng chất liệu “giả” để thể hiện tác phẩm; ghi tác phẩm điêu khắc gỗ, đồng, kim loại nhưng thật ra chúng được “đổ” bằng composite khiến người xem sẽ thất vọng với cảm giác mình bị lừa.
Cần phải có biện pháp mạnh
Tác phẩm "Mầm đá" được cho là bắt chước phong cách của họa sĩ Trung Quốc. |
Theo hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cần thiết phải đưa nội dung giáo dục về Luật Sở hữu trí tuệ, các vấn đề về đạo đức, lòng tự trọng nghề nghiệp... vào trong nhà trường để góp phần nâng cao hơn nữa hiểu biết, ý thức về luật pháp cho các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ.
Thực tế cho thấy, hiện nay chúng ta chưa áp dụng một giải pháp nào thực sự triệt để có tính răn đe trước vấn nạn bắt chước, sao chép trong lĩnh vực mỹ thuật. Chỉ đến khi liên tiếp nhiều vụ việc được các nhà chuyên môn chỉ ra và bị dư luận phanh phui thì chúng ta mới giật mình tự hỏi: vì sao lại có những kiểu ăn cắp, bắt chước trắng trợn đến như thế? Theo hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Cần phải phê phán tận gốc rễ đối với những hành vi tồi tệ này. Đó không chỉ là những việc làm “ăn cắp” mà còn là hành động “lừa” hội đồng nghệ thuật, dối trá trước công chúng”. Hiện tại, sau khi bị phát hiện, các biện pháp xử lý mới chỉ dừng lại ở việc thu hồi giải của các tác giả vi phạm, hoàn trả lại số tiền thưởng cho Ban tổ chức. Rõ ràng, cần phải có và phải áp dụng một hệ thống quy định, chế tài thật đồng bộ. Chẳng hạn, ngoài việc thu hồi giải và tiền thưởng, các họa sĩ vi phạm sẽ không được quyền tham gia các hoạt động, sân chơi mỹ thuật tương tự trong khoảng 3 - 5 năm. Các hội nghề nghiệp cũng phải có những quy định như không kết nạp hoặc khai trừ hội viên đối với các tác giả có hành vi gian trá trong hoạt động nghệ thuật, thiếu ý thức đạo đức nghề nghiệp.
Liên Nhi