Nỗi buồn ca khúc thảm họa

11-09-2017 07:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian qua, làng nhạc trẻ Việt đã có nhiều ca khúc với nội dung trong trẻo và giàu cảm xúc.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều ca khúc, MV (music video)... “thảm họa” với ngôn từ, hình ảnh phản cảm cũng ra đời khiến công chúng bức xúc. Gần đây nhất, MV Như cái lò (biểu diễn Huyền Sambi) được lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội lại khiến người yêu nhạc phát hoảng vì hoàn toàn không có tính nghệ thuật.

Các sáng tác âm nhạc trong giới trẻ hiện nay chủ yếu xoay quanh đề tài tình yêu, tình bạn... Nhiều ca khúc với ca từ giản dị, giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng... đã để lại ấn tượng, chinh phục người nghe. Tiêu biểu trong số đó, khán giả từng “phát sốt” với ca khúc Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu trình diễn trong một cuộc thi sáng tác kiêm biểu diễn trên sóng truyền hình.

Với tiết tấu âm nhạc vui tươi, ngôn từ gần gũi và nội dung hóm hỉnh, ca khúc Ông bà anh đã giúp tên tuổi Lê Thiện Hiếu được biết đến nhiều hơn, qua đó trở thành bàn đạp để nam ca sĩ trẻ có những bước tiến và đi vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nỗi buồn ca khúc thảm họa“Thảm họa” Như cái lò vừa phát hành trên các trang mạng giải trí Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh những ca khúc, sản phẩm âm nhạc được yêu thích như Ông bà anh, dòng nhạc trẻ ở nước ta vẫn hiện diện những “thảm họa”. Gần đây nhất, MV Như cái lò do ca sĩ Huyền Sambi thực hiện được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng giải trí, mạng xã hội. Điều đáng nói, MV Như cái lò tạo hiệu ứng không phải vì sự đặc sắc mà ở góc độ phản cảm, phi nghệ thuật. Theo đánh giá của nhiều khán giả, tên ca khúc Như cái lò cũng đã bộc lộ sự thiếu chuẩn mực khi cố tình chơi chữ. Thêm vào đó, nội dung ca khúc này quá sơ sài, tất cả chỉ xoay quanh cuộc đối thoại của đôi trai gái về vấn đề thời tiết khắc nghiệt, đơn điệu về mặt nội dung với đôi ba câu hát được lặp đi lặp lại. Từ đầu đến cuối, thứ duy nhất ám ảnh người nghe là việc lặp đi lặp lại câu hát “nóng như cái lò, nóng nóng như cái lò” tựa như “lên nóc nhà là lên nóc nhà” từng xôn xao cộng đồng yêu nhạc.

Khi MV Như cái lò được phát hành trên youtube đã thu hút một lượng lớn người xem, tuy nhiên, số lượng người bày tỏ cảm xúc yêu thích (like) cho sản phẩm âm nhạc này khá khiêm tốn, còn lại là “dislike” (không yêu thích). Sở dĩ, Như cái lò bị phê phán, chỉ trích và không được yêu thích bởi ngoài nội dung, ca từ đơn giản, phản cảm thì các cảnh quay và âm thanh trong MV này dễ khiến người xem liên tưởng đến những bộ phim cấp 3. Vũ đạo, trang phục của diễn viên lẫn ca sĩ thể hiện trong Như cái lò cũng khêu gợi đến mức phản cảm. Theo nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, chưa bàn tới nội dung, hình ảnh ca khúc, chỉ nghe cái tên ca khúc đã thấy không ổn. “Sự thu hút chú ý chỉ là nhất thời, về lâu về dài những gì là sáng tạo đúng đắn, mang tính nghệ thuật mới được công chúng thừa nhận” - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường nhận định. Trong khi đó, nhạc sĩ Phan Phương (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đánh giá: “Nội dung ca khúc Như cái lò không truyền tải được cảm xúc nghệ thuật, ca từ tầm thường, nếu không muốn nói là rẻ tiền”.

Thật ra, trước Như cái lò, làng nhạc trẻ nước ta đã xuất hiện nhiều “thảm họa” tương tự. Người mẫu Phi Thanh Vân khiến cộng đồng xôn xao khi trình bày ca khúc Làn da nâu mà xuyên suốt nhạc phẩm này chỉ vài câu đại ý như: “Tôi có một ước ao, tôi có một khát khao, làn da nâu, làn da nâu”. Đi cùng ca từ nhạt nhẽo, Phi Thanh Vân cũng minh họa bằng cách nhún nhảy, lắc, múa may quay cuồng khiến khán thính giả phải bật cười vì sự nhố nhăng. Một thảm họa khác là ca khúc Nói dối do Phương My thể hiện. Trong ca khúc này, Phương My phát âm liên tiếp loạt từ nói dối bằng âm lượng nặng nề, khiến người nghe cảm giác nữ ca sĩ đang đem lời mắng chửi người yêu vào bài hát. Từ đầu đến cuối ca khúc, chỉ duy nhất cụm từ “nói dối” là khán giả nghe rõ, còn lại ý nghĩa bài hát rỗng tuếch, khó hiểu và cách thể hiện cũng chẳng giống ai của Phương My. Ngoài ra, Oh my chuối của Sĩ Thanh cũng làm dậy sóng dư luận vì sự nhạt nhẽo, trong đó có ca từ chơi chữ phản cảm như “Em thích chuối tây chuối ta, anh mang chuối cho em nha”...

Không thể phủ nhận, nhạc trẻ nước nhà đã có nhiều ca khúc để lại dấu ấn đối với người thưởng thức, nhưng thực tế cũng cho thấy nhiều ca khúc thảm họa song song tồn tại. Có nhiều nguyên nhân để ca khúc thảm họa ra đời, trong đó có thái độ, phong cách thiếu chuyên nghiệp của các ca sĩ, nhạc sĩ. Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng chưa thẩm định nội dung chặt chẽ cũng là kẽ hở để ca khúc thảm họa có cơ hội tồn tại trong làng nhạc Việt hiện nay. Nhạc sĩ Phan Phương lấy ví dụ, các tập thơ, tiểu thuyết trước khi xuất bản đều được kiểm duyệt, cấp phép mới được phát hành. Trong lĩnh vực thực phẩm, trách nhiệm của Cục Thú y là kiểm duyệt để thực phẩm bẩn không tràn lan ra thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vậy, ca khúc âm nhạc được ví là món ăn tinh thần lại thoải mái, không có ai kiểm duyệt là một thiếu sót của cơ quan quản lý chuyên ngành. “Nhạc sĩ sáng tác nhưng không thể muốn viết gì thì viết. Trước khi đến với công chúng, ca khúc cần được kiểm định cẩn thận” - nhạc sĩ Phan Phương cho biết.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn