Mẹ em hỏi bác sĩ có nên chuyển qua uống thuốc tàu để giúp cho cho bé ra nhiều nốt đậu nhằm cháu dứt hẳn luôn không? Bác sĩ giải thích cho mẹ bé S là bệnh thủy đậu là một trong những bệnh nhiễm siêu vi hiếm hoi có thuốc điều trị đặc hiệu, cần phải điều trị sớm trước 24 giờ thì bệnh mau khỏi, ít biến chứng và không nổi nhiều nốt đậu, vì nốt đậu nổi càng ít là càng đáng mừng, nổi nhiều là bệnh nặng, dễ có biến chứng như nhiễm trùng da, viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm não...
Về chuyên môn, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virut Varicella zoster gây ra. Bệnh thường nhẹ nhưng rất dễ lây. Sau một thời gian ủ bệnh khoảng 14-15 ngày thì bệnh phát. Đầu tiên là nổi ban, ban nổi không theo một trình tự nhất định: ban mọc nhiều ở da thân mình, da đầu, trong các kẽ chân tóc. Thoạt đầu, những nốt đỏ giống như ban sởi, vài giờ sau thành nốt phỏng. Nốt phỏng rất nông trông như giọt sương; nếu lấy hai ngón tay căng nốt phỏng ra, ta sẽ thấy mặt nốt phẳng nhăn lại. Các nốt này mọc rất nhanh và mọc làm nhiều đợt cách nhau 2-3 ngày, do đó ở cùng một vùng da, có thể gặp đủ loại nốt: có nốt to, nốt nhỏ, có nốt đỏ, nốt phỏng, có nốt đã đóng vảy. Đến ngày thứ 4-6, nốt đậu đóng vảy, vảy có màu nâu sẫm.
Một tuần sau vảy bong và không để lại sẹo. Mức độ nặng nhẹ của bệnh liên quan tới số lượng bóng nước, bóng nước càng nhiều bệnh càng nặng vì phản ứng miễ dịch hoạt động ngoài tầm kiểm soát của cơ thể, gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nếu được điều trị sớm trong vòng 24 giờ đầu tiên khi phát hiện nốt đậu bắt đầu nổi thì số lượng nốt đậu bóng nước ít khi vượt quá 50 nốt, còn không điều trị kịp thì hàng trăm nốt nổi lên khắp cở thể, kể cả trong niêm mạc miệng, ruột, đường tiểu...
Khi mắc bệnh ngoài việc đi khám bệnh sớm, bà con mình cần vệ sinh cá nhân cho bé thật tốt, tuyệt đối không được dùng kim chọc cho các nốt đậu vỡ ra kể cả kim vô khuẩn rất dễ dẫn đến nhiễm trùng cơ hội. Tắm rửa cho bé hàng ngày bằng xà bông sát trùng, không tăm bằng nước lá cây, không tắm bằng nước gốc rạ, vì sẽ làm vết bóng nước bị nhiễm vi trùng, vi nấm, thuốc bảo vệ thực vật, cắt móng tay ngắn, uống thuốc theo toa của bác sĩ.
Để phòng ngừa bệnh thủy đậu lâu dài, bà con nên đưa các cháu đi chích ngừa thủy đậu, vắc xin chống thuỷ đậu được áp dụng đối với các đối tượng sau: Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần. Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào cũng tiêm 1 lần. Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.