Tôi lại chợt nhớ bài hát “Đi trong Hương Tràm”, Hò ơi..... Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu… Bầu trời thì cao mà cánh đồng thì rộng… Dù đi đâu, dù xa cách bao lâu, dù gió mây kia đổi hướng thay màu, … dù trái tim anh không trao em nữa, một thoáng hương tràm cho ta bên nhau...
Khu rừng tràm nguyên sinh rộng hơn 1.029 ha không chỉ là nơi bảo vệ cây tràm gió nguyên sinh bông trắng, cây tràm trà, cây bạch đàn chanh… mà còn giữ gìn bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái của vùng phèn chua, nước nổi với gần 100 động thực vật có dược tính quý. Tại đây Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười (Mephydica) làm nhiệm vụ bảo tồn nguồn thực vật, rừng tràm hương tự nhiên, động vật đặc trưng của khu vực Đồng Tháp Mười. Nguồn gen của các cây tràm gió ở đây đều là giống bản địa, chưa từng lai tạp. Nhiều cây tràm gió có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm.
Sau hơn 34 năm Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười đã hình thành vùng trồng và sản xuất dược liệu lớn nhất nhì cả nước.
Tập hợp nguồn dược liệu đặc trưng
DS. Bùi Đắc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười, chia sẻ, trong vùng rừng tràm nguyên sinh, Công ty đã quy hoạch khoảng 15,6ha để trồng các loại dược liệu đặc trưng của khu vực Đồng Tháp Mười, nhằm lưu giữ nguồn gen, di thực, thích nghi, trồng thử nghiệm các loại dược liệu, lập giống dược liệu cho khu vực và phục vụ cho các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Đề tài cấp Nhà nước có nghiên cứu về cây tràm gió, đề tài cấp Bộ chủ yếu là nghiên cứu về cây tràm trà, cây đu đủ và một số thảo dược khác như cây cỏ ngọt, rau má…
“Hiện nay chúng tôi đã trồng được 3.000 cây nhàu, và qua Tết chúng tôi dự định trồng thêm 7.000 cây nhàu nữa (đã ươm thành công 7.000 cây nhàu). Cây nhàu trị được rất nhiều bệnh, ngoài tăng sức đề kháng, loại dược liệu này còn trị đau nhức, nhức mỏi, cơ xương khớp. Và để tăng hiệu quả của dược liệu, chúng tôi chỉ chọn giống nhàu tốt, trái chín, to, màu trắng. Sản phẩm từ nhàu chúng ta có thể làm ra nước uống cốt nhàu, rượu nhàu, viên thuốc nhàu…”, DS. Thắng cho biết.
Đây còn là một trong ba nơi làm du lịch sinh thái đặc hữu lớn nhất Long An. Từ những hoạt động nhằm phát triển du lịch, Mephydica khuyến khích người dân vùng đệm khai thác lục bình hoặc lá cây để tạo nên những sản phẩm đan lát thuần thiên nhiên nhằm phục vụ cho du khách. Đặc biệt, đây là vùng đất ngập nước theo mùa, mùa mưa nước ngập, cảnh sắc sẽ khác với mùa khô, mùa nước nổi. Ứng với từng mùa như vậy, cây cối hay động vật phát triển khác nhau, ví dụ như cây sả chỉ phát triển và cho tinh dầu tốt vào mùa khô, Mephydica hiện bảo tồn 3 loại sả như: sả chanh, sả hoa hồng hay sả java. Mùa nước nổi có màu xanh bao la của rừng tràm, hoa súng hồng tím nở rộ trải rộng cả mấy cây số kênh rạch.
Tràm: tinh dầu “bình dân” mà quý giá
Đất phèn giúp cây tràm gió nguyên sinh tiếp tục sinh sôi, nảy nở thành rừng có hàm lượng tinh dầu cao, tốt nhất. Tinh dầu tràm gió có giá trị kinh tế rất cao, khoảng 50USD/kg tinh dầu, cao gấp nhiều lần các loại dầu tràm ở các nơi khác. Cây Tràm gió (Melaleuca cajuputi) cho tinh dầu và hương liệu bậc nhất, hương thơm sảng khoái, và sang trọng cho việc phòng và điều trị bệnh hô hấp.
DS. Bùi Đắc Thắng trong rừng tràm
“Để bảo tồn rừng tràm nguyên sinh, chúng tôi chỉ ngắt lá tràm để chưng cất, với tỉ lệ khoảng 0,7% (tính trên lá tươi). Bên cạnh bảo tồn 914ha tràm gió nguyên sinh, Mephydica còn dành hàng chục hécta để trồng mới giống tràm khác và các cây dược liệu để tạo hệ sinh thái hợp lý về động, thực vật cho khu vực Đồng Tháp Mười. Có những năm, rừng tràm nguyên sinh này còn đón được vị khách khó tính nhất, sếu đầu đỏ”, DS. Thắng chia sẻ.
Theo một nghiên cứu khoa học của DS. Nguyễn Văn Bé vào năm 1983, loại dầu mà dân gian dùng trị cảm mạo, cạo gió chính là tinh dầu chưng cất từ lá tươi của cây tràm gió, nên mới có tên dầu Gió. Trong đó, cineol chiếm hơn 42% và nhiều chất khác trị hiệu quả các bệnh cảm sốt, đau nhức xương khớp và viêm da dị ứng. Tinh dầu tràm gió có màu trắng ngà, mùi thơm hăng nồng, ấm chứ không nóng gay gắt và không gây bỏng da nếu dùng trực tiếp vào niêm mạc hay vùng da nhạy cảm. Nước tắm có vài giọt tinh dầu tràm sẽ giúp cơ thể ấm áp, chống cảm, chống ho đồng thời chống cả muỗi nữa vì muỗi rất sợ dầu tràm. Dùng tinh dầu tràm gió thoa trực tiếp lên người hay lòng bàn chân, thái dương, … hoặc sau khi tắm, trước khi ra ngoài trời lạnh sẽ hạn chế được cảm lạnh.