Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức gói bánh chưng ngay tại nơi sinh sống của hàng chục người bệnh phong, gợi nhớ cả một miền ký ức của hương vị Tết quê hương cho những thân phận nhỏ bé kém may mắn.
Theo thống kê toàn quốc hiện còn khoảng 20.000 bệnh nhân phong bị dị hình tàn tật từ nhiều năm nay. Đó là những di chứng thương tâm do căn bệnh này gây ra.
PGS.TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thấu hiểu và chia sẻ với những hoàn cảnh người bệnh phong kém may mắn và những hi sinh thầm lặng của nhân viên y tế tại các cơ sở chăm sóc, điều trị cho người bệnh phong, hàng năm bệnh viện đều đến với bà con, trao các suất quà ấm áp nghĩa tình tại Thanh Hóa, Hà Nam, Bắc Ninh, Nghệ An, Thái Bình... Hàng chục ngôi nhà tình thương cho người bệnh phong đã được xây dựng trong nhiều năm qua bằng quỹ thiện tâm của những nhà hảo tâm và cả nhân viên, bác sĩ của BV.
“Người bệnh phong có lẽ là những người “khổ nhất trong những người khổ nhất”. Họ không những nghèo khổ mà còn phải chịu những dị hình tàn tật. Mắt có thể không nhìn thấy, tay chân co quắp, cụt… rất đáng thương. Nhưng với sự chăm sóc của y tế, sự động viên chung tay của cộng đồng thì có lẽ họ cũng vơi bớt một phần nỗi khốn khó...” – PGS.TS Nguyễn Văn Thường chia sẻ.
Tại Bắc Ninh, BS. Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh cho biết: Trên 80% người bệnh phong ở đây là người cao tuổi trên 80 tuổi, và họ đã sống xa gia đình trong khoảng thời gian rất lâu. Những ngày Tết đến Xuân về họ thường rất nhớ nhà, nhớ quê hương và mong muốn được sẻ chia, trò chuyện để vơi bớt nỗi cô quạnh.
Năm nay, có một điều đặc biệt chưa từng có, người bệnh phong được tận hưởng trọn vẹn không khí Tết, được lì xì, được trao quà, gói bánh chưng, ăn cơm quây quần cùng nhau rất đầm ấm. "Các cụ rất vui và phấn khởi vì được cộng đồng gần gũi, cảm giác không còn xa cách, người bệnh được tiếp thêm nghị lực để sống vui sống khỏe cùng với căn bệnh phong"- BS. Tuấn nói.
Các y bác sĩ trực tiếp gói bánh chưng, tổ chức Tết sớm cho người bệnh phong.
Một không khí hết sức quây quần ấm áp bên nồi bánh chưng đỏ lửa. Có lẽ đã hàng chục năm qua, người bệnh phong mới được hưởng trọn vị Tết quê hương như thế này.
Những chiếc bánh đã "ra lò" và được trao gửi đến tận tay người bệnh.
PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương trao quà và chia sẻ, động viên người bệnh phong, nhân viên y tế ở Trại phong Quả Cảm.
Trại phong Quả Cảm giống như một ngôi làng nho nhỏ với gần 80 “nhân khẩu”, trong đó đa số là các cụ cao tuổi. Họ sống quây quần trong những căn nhà cấp bốn giản dị, nằm thấp thoáng sau những rặng cây cổ thụ thanh bình, yên ả.
Dù chịu nhiều thiệt thòi, chịu những dị hình tàn tật nhưng các cụ ông, cụ bà vẫn luôn lạc quan và tự chăm sóc cho cuộc sống của mình, chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ.
Và thật may mắn cho những người bệnh phong tại Trại phong Quả Cảm vì bên họ có nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân luôn ân cần hỏi han từng người bệnh. Y tá Xuân thực sự là mùa Xuân đẹp nhất ở Trại phong Quả Cảm.
Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong ở Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, điều dưỡng Xuân đã thuộc nằm lòng từng thói quen sở thích của mỗi người, bà lại vừa như một chiếc đồng hồ báo thức, một tờ giấy nhớ nhắc lịch cho từng bữa ăn, giờ uống thuốc của bệnh nhân. Y tá Xuân chính là "từ mẫu của người bệnh phong", người đã kết nối được nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ bệnh nhân phong, sửa sang nhà cửa, xây mới những ngôi nhà tình thương để họ có cuộc sống tốt hơn.
Để dự phòng bệnh phong, chuyên gia da liễu cũng khuyến cáo, người dân cùng với chính quyền, ngành y tế tiếp tục phải nêu cao tinh thần, tiếp tục duy trì chương trình phòng chống phong, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông.
Bệnh phong không phải là bệnh di truyền, bệnh lây nhưng ít lây, hiện tại nó đang có trong cộng đồng và nó sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm nếu chúng ta lơ là, không phát hiện sớm mà để nó lây lan ra cộng đồng thì lúc bấy giờ bệnh nhân phong kháng thuốc sẽ nhiều lên, lây lan ra thì lúc khó có thuốc nào trị được...