Chân dung ấy đã được các nhà báo ghi nhận, sẻ chia và đồng cảm. Khi đến với bạn đọc ở những góc nhìn của nghề, hình ảnh của lực lượng y tế trong cơn lốc đại dịch được khắc họa rõ nét, chân thực hơn; mang nhiều ý nghĩa nhân văn được thể hiện trong từng khoảnh khắc đời thường.
Thêm một lần, ngòi bút đã chạm đến trái tim của người trong cuộc và lan tỏa những giá trị nhân văn vào cuộc sống hôm nay...
Nhà báo Phạm Quang Vinh (Báo Đại Đoàn Kết): “Tôi mong đóng góp một phần cho cuộc chiến chống dịch”
Năm nay dịch bùng phát trở lại, Báo Đại Đoàn Kết thành lập một tổ chuyên thông tin về tình hình dịch và gần như không ngày nào là chúng tôi không có tin, bài về dịch. Tác nghiệp trong mùa dịch, tôi tự dặn chính mình điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn, chuẩn bị mọi điều kiện để tác nghiệp.
Ngoài việc có được hình ảnh đắt giá, tôi và đồng nghiệp luôn nghĩ tới phỏng vấn các nhân vật, khai thác thêm được thông tin cho hấp dẫn hơn nữa, thay vì chỉ có những bức ảnh. Có như vậy thông tin mới đa chiều hơn.
Chúng tôi phải lăn lộn, giáp mặt với những nguồn lây, ngay cả các F0, F1, F2 mà có khi không biết. Nhưng phải đến, tiếp cận vì không đến khu vực đó thì không ghi được hình ảnh. Dịch xảy ra không bao giờ báo trước, nhiều khi đang ngồi ăn cơm tối ở nhà, có điện là chúng tôi tất tả lên đường.
Đi nhiều, chúng tôi thấy các y, bác sỹ hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với người bệnh, F1, F2… Nghĩ vậy, chúng tôi gạt bỏ nỗi âu lo sang một bên để làm việc bình thường.
Tác nghiệp trong các khu cách ly, nhà báo Phạm Quang Vinh luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Đi nhiều nơi, nhưng tôi nhớ lần tham dự lễ xuất quân của 200 nhân viên y tế của BV Việt Nam - Thụy Điển từ Quảng Ninh lên đường sang Bắc Giang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch. Thức dậy từ 3 giờ sáng, tôi cùng đồng nghiệp di chuyển về Quảng Ninh. Đến nơi, tôi xin lên xe đi cùng lực lượng y bác sĩ từ Quảng Ninh sang Bắc Giang để đưa tin. Trên xe, tôi thấy các bác sĩ và tình nguyện viên đều còn rất trẻ, nhưng ai cũng có một tinh thần hăng hái, nhiệt tình, sẵn sàng đi vào tâm dịch.
Khi phỏng vấn, nhiều bạn đều trả lời là rất muốn đóng góp một phần cho cuộc chiến chống dịch. Hỗ trợ tỉnh bạn cũng như hỗ trợ cho quê hương mình, làm sao để dịch không lây lan rộng. Họ xác định đây là cuộc chiến đầy cam go và lâu dài. Ngày các y bác sỹ trẻ lên đường, tôi hình dung ở đây không khác gì ngày xưa ông cha ta xung phong ra trận, vào chiến trường. Ai cũng hồ hởi dù họ biết vào đó xác định vào là hiểm nguy, chưa hẹn ngày về.
Có những ngày tôi mặc khoảng 3 tiếng bộ đồ bảo hộ, gần như kín hết, đeo hai chiếc khẩu trang, vừa chạy vừa chụp, mồ hôi ướt toàn thân, găng tay lõng bõng nước bên trong.
Như lần tác nghiệp đưa tin sự kiện phong tỏa, phun khử khuẩn BV K cơ sở Tân Triều, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương... Chúng tôi chạy theo xe khử khuẩn, hơi thở nhiều đến mức kính mắt mờ đi, gần như không nhìn thấy gì. Trong cái nắng mùa hè, bộ đồ bảo hộ càng thêm bức bối, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ chụp để có thật nhiều ảnh, với nhiều góc khác nhau. Lúc xong việc mới thấy thấm mệt.
Tác nghiệp trong đợt dịch này tôi mới thấy nhiều lực lượng ở tuyến đầu chống dịch rất vất vả, nhưng tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm. Tôi mong muốn bằng nghề nghiệp của mình sẽ đóng góp một chút cho cuộc chiến chống dịch. Ai cũng cố gắng hơn một chút, đóng góp nhiều hơn một chút, có như vậy chúng ta mới có thể thành công trong cuộc chiến lớn này.
Nhà báo Trần Thị Thanh Huyền (Đài Phát thanh-Truyền hình Bắc Giang): "Khi vào tâm dịch, chúng tôi xác định mình là F1"
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Bắc Giang đã thành lập một đội phản ứng nhanh, gồm những phóng viên có kinh nghiệm làm nghề, lăn lộn, không ngại khó khăn, bền bỉ duy trì nhịp điệu công việc. Họ ăn nghỉ tập trung ở cơ quan, hạn chế tiếp xúc, ngay cả với các thành viên trong gia đình.
Từ những ngày đầu tiên khi bắt đầu có những ca dương tính, nhiều nơi được phong tỏa, cách ly… các phóng viên trong đội, lúc này có nhiệm vụ sản xuất các tin bài liên quan đến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Nhà báo Trần Thị Thanh Huyền (thứ 3, từ trái sang) tác nghiệp trong một khu công nghiệp nơi có lượng công nhân lớn.
Nhà báo Trần Thị Thanh Huyền - Đài PT-TH Bắc Giang, một trong những phóng viên của đội phản ứng nhanh chia sẻ: “Trong thời gian này, chúng tôi tuyên truyền liên tục các hoạt động phòng, chống dịch ở vùng tâm dịch, những tin tức về đời sống, việc chăm lo sức khỏe cho người dân ở các khu cách ly và rất nhiều các hoạt động khác diễn ra ở trong vùng dịch”.
Vì công việc, nhiều ngày nhà báo Trần Thị Thanh Huyền đã không về nhà, chị và đồng nghiệp đi tác nghiệp thực tế và ở cơ quan. Trong đội của chị, có những đồng nghiệp trẻ có con nhỏ cũng phải gửi con để đi làm hằng ngày. Họ luôn quan niệm nghề báo là không ngại dấn thân và gian khổ. Nhưng với tình yêu nghề luôn thôi thúc, khi cả nước đang dồn lực cho cuộc chiến chống dịch thì các thành viên ở đài không quản ngại khó khăn, mong muốn đóng góp một phần cho cuộc chiến ấy.
Nhà báo Trần Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Có nhiều bạn đồng nghiệp ở báo khác hỏi tôi rằng vào những khu vực đó không sợ hay sao, khi mà mỗi ngày đều có nhiều ca nhiễm như vậy. Chúng tôi xác định đi vào khu vực đó, điểm cách ly đó chúng tôi đã là F1 rồi. Đúng theo quy định, phóng viên sẽ về nhà cách ly, nhưng nếu ai cũng theo hướng đó thì sẽ không có người để đưa tin, hình ảnh về cuộc chiến chống dịch ở các vùng dịch.
Mỗi lần chúng tôi lên sóng đã có nhiều bạn bè, người xem nhận ra. Họ gọi điện động viên, có những món quà đó là chiếc khẩu trang chuyên dụng, quần áo bảo hộ, nước sát khuẩn... Những lời động viên đó tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi cũng đã tích cực đóng góp một phần vào công cuộc chống dịch”, chị tâm sự.
Không chỉ có những bản tin về tình hình chống dịch, Đài PT-TH Bắc Giang còn liên tục có những bản tin, phóng sự về các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Họ là những tình nguyện viên hỗ trợ phụ giúp lấy mẫu xét nghiệm, tham gia giám sát cộng đồng, nấu cơm, đưa cơm, đồ uống cho các chốt kiểm soát dịch...; Đó là cán bộ chính quyền địa phương ở thôn, xã cũng trực tiếp hỗ trợ lực lượng y tế đưa các trường hợp F1, F2 đi cách ly.
Về những lần tác nghiệp đáng nhớ, nhà báo Thanh Huyền kể: “Có những hình ảnh mà tôi nhớ mãi, đó là những bác sĩ làm việc từ sáng, thâu đêm và đến hôm sau kiệt sức, những cán bộ làm xét nghiệm chịu áp lực khi có hàng trăm nghìn mẫu xét nghiệm đang chờ. Tôi được biết có hai vợ chồng bác sĩ ở BV Phổi Bắc Giang, nơi điều trị hồi sức tích cực, họ đã hơn 1 tháng chưa về nhà, con nhỏ gửi ở nhà cho ông bà. Đây là những hy sinh rất lớn”.
Những hình ảnh đó càng thôi thúc phóng viên thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, chúng tôi luôn nghĩ rằng mình cần đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến chống dịch. Phóng viên không vào, không có mặt ở nơi đó sẽ truyền tải không hết, không đầy đủ một cách chân thực cuộc chiến chống dịch.
Hình ảnh ở khu điều trị bệnh nhân nặng, ở trung tâm hồi sức tích cực, hình ảnh các y bác sĩ tìm mọi cách để cứu sống các bệnh nhân trong thời khắc sinh tử… được phát sóng. Đó là hồi chuông cảnh báo đến người dân trong việc thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Thông qua hình ảnh trực quan sinh động, người dân sẽ thực hiện tốt hơn các biện pháp phòng dịch, không để lây lan dịch.
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, đội ngũ phóng viên của Đài PT-TH Bắc Giang đã và đang ngày đêm nỗ lực để thông tin về tình hình dịch bệnh một cách chính xác, nhanh và có sức thuyết phục nhất đến với khán giả.
“Nếu mình không xông pha thì làm sao mình có thể cổ vũ động viên và truyền tải năng lượng tích cực, sức mạnh đoàn kết lúc này đến tất cả mọi người. Tôi luôn nghĩ và cố gắng để hàng ngày có những phóng sự, những bản tin chất lượng. Lan tỏa thông điệp về tinh thần cống hiến, tinh thần đoàn kết trong mùa dịch”, nhà báo Trần Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Nhà báo Đoàn Bổng (Báo VietNamNet): 'Tôi không sợ COVID nhiều bằng sợ không có sản phẩm như kỳ vọng"
Bắc Giang thời điểm tôi lên tác nghiệp đã có hơn 2.000 ca mắc COVID-19, mức độ nguy hiểm của chủng virus mới nguy hiểm hơn nhiều so với ở BV Bạch Mai năm 2020. Thật ra, sau một thời gian dài tiếp xúc với các đợt dịch nên trong suy nghĩ cũng phần nào “chai lì”. Tôi không còn sợ dịch như ngày trước mà trái lại, các chuyến tác nghiệp, điều tôi lo là sẽ ảnh hưởng đến vợ và cô con gái nhỏ mới 6 tháng tuổi.
Mọi người thấy tôi lên Bắc Giang đều chúc tôi giữ mình. Còn ở trên này, tiếp xúc với nhiều người từ người đứng đầu Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của tỉnh đến những cán bộ Tổ COVID-19 cộng đồng, bác nông dân trên cánh đồng cách ly hay cô giáo với hành động thiện nguyện giữa đại dịch… tôi thấy dịch ở mức độ được kiểm soát tốt. Các khu vực có F0 được phong tỏa và khoanh vùng rộng. Nói Bắc Giang là tâm dịch, nhưng ở phạm vi một tỉnh thì căng thẳng nhất vẫn là huyện Việt Yên.
Nhà báo Đoàn Bổng (phải) phỏng vấn công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang)
Quyết định lên Bắc Giang tôi thấy rất sẵn sàng nhận nhiệm vụ cơ quan giao. Vẫn cảm giác như BV Bạch Mai năm nào, tôi không sợ dịch bệnh nhiều bằng sợ không có được sản phẩm như kỳ vọng của cơ quan và của chính bản thân tôi đặt mục tiêu.
Rất nhiều câu chuyện trong những ngày đã qua tại Bắc Giang, tôi nhớ mãi đôi mắt một nữ công nhân đỏ hoe khi nhiều ngày ăn nghỉ làm việc tại công ty ở khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên). Dịch bùng phát tại khu công nghiệp khiến công nhân là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Nữ công nhân tôi gặp chỉ là một trong số hàng trăm nghìn công nhân chịu chung cảnh ngộ khi trải qua một thời gian dài không có việc làm do dịch bệnh bủa vây.
Báo VietNamNet chia thành 2 tốp phóng viên tác nghiệp Bắc Giang, tôi thuộc nhóm thứ hai lên Bắc Giang từ ngày 2/6. Nhìn chung công việc ưu tiên vẫn bám vào tâm dịch Việt Yên, đồng thời cá nhân tôi làm thêm các câu chuyện nhân văn trong mùa dịch. Trước đó, nhóm phóng viên của báo tác nghiệp đợt bầu cử tại Bắc Giang khi dịch bùng phát căng thẳng.
Là cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông tác nghiệp từ Bắc Giang, tôi ý thức việc các sản phẩm của mình phải trung thực và có tính định hướng. Trên tinh thần đồng hành và qua các bài viết để cổ vũ, động viên các lực lượng chống dịch.
Cho đến giờ phút này, những phản hồi của tỉnh Bắc Giang, từ Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của tỉnh, từ công nhân đến những chân dung việc tốt phản hồi và dành sự trân trọng với Báo VietNamNet.
Với tôi, đó là một kỉ niệm đẹp khó quên trong nghề báo.
Nhà báo Thái Sơn (Báo Nhà báo & Công Luận): Ghi dấu yêu thương bằng những điều bình dị
Hòa cùng cuộc chiến chống đại dịch COVID -19, với trách nhiệm của một nhà báo nơi tuyến đầu, chúng tôi luôn sẵn sàng. Thông tin về tình hình dịch bệnh, số lượng ca nhiễm, nghi nhiễm, nguồn lây nhiễm … đến những chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vì bị ảnh hưởng đại dịch, chúng tôi không được bỏ sót.
Để chuyển tải những thông tin, nhanh nhạy đến với bạn đọc và người dân về tình hình dịch bệnh, chúng tôi tham gia hầu như tất cả các vấn đề, địa điểm. Từ những cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM đến các ngõ hẻm, tòa nhà, khu phố bị cách ly vì có ca nghi nhiễm.
Nhà báo Thái Sơn (thứ 3, từ trái sang) trao quà ủng hộ và tác nghiệp tại BV Dã chiến Củ Chi
Đưa tin là thế, nhưng trong cuộc chiến người trực diện là bác sĩ, mà chúng tôi thường gọi là “những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu”. Tiếp cận với họ dễ những cũng khó, dễ gặp nhưng ít thông tin. Họ kiệm lời, ít nói nhiều. Có thể nói, họ đang hi sinh vì công việc, vì sức khỏe và sự bình yên của cộng đồng trong thầm lặng.
Nhớ nhất, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Một tối, bên Trung tâm Hợp tác báo chí và truyền thông quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) gọi điện cho tôi nói: “ngày mai mời anh cùng theo đoàn đi đến BV Dã chiến Củ Chi để trao quà ủng hộ các y, bác sĩ đang chống dịch”.
Tôi lên đường trong tâm trạng hăm hở, bởi nếu mình không tham gia thì mất cơ hội ghi lại những hy sinh của các chiến sĩ áo trắng làm việc nơi tuyến đầu.
Ngày hôm sau đến BV Dã chiến Củ Chi – nơi đang điều trị cho hàng trăm ca nhiễm với SARS-CoV-2, ghi nhận nơi ăn ở, sinh hoạt, của đội ngũ y tế làm việc nơi đây, đồng thời lắng nghe các bác sĩ, điều dưỡng viên chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của tôi, bác sĩ Ngô Chí Nguyện – Trưởng khoa Lâm sàng, BV Dã chiến Củ Chi nói: “Ai đó hỏi chúng tôi có mệt không? Đúng là mệt, nhưng không vì thế mà chùn bước. Chúng tôi luôn sẵn sàng. Nguyện là lá chắn thép của thành phố”… Câu nói của anh làm tôi cảm động.
Theo bác sĩ Nguyện, không chỉ riêng nhà báo có cảm giác lo lắng trước khi tới mà mới đầu, đội ngũ y tế, đặc biệt với những bạn trẻ đến làm việc ở đây cũng có tâm trạng căng thẳng, áp lực khi nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực. Tuy nhiên, với tâm thế của người chiến sĩ áo trắng, họ lặng thầm gánh vác sứ mệnh cao cả, chữa bệnh cứu người, không quản ngại những khó khăn, gian khổ.
Cảm động hơn khi tôi gặp Trưởng khoa điều dưỡng – Lê Thị Thu Hương. Một điều dưỡng viên luôn túc trực ở đây từ ngày thành lập bệnh viện (tháng 2/2020), chị ít khi có dịp về nhà.
“Ở đây các bạn tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, xa những người thân yêu nhất để ngày đêm túc trực bên buồng bệnh, tận tình chăm sóc bệnh nhân”, chị Hương tâm sự.
Ròng rã hơn một năm qua, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, nhiều y, bác sĩ tại bệnh viện luôn kiên trì có mặt 24/24 giờ, túc trực bên người bệnh; với mong muốn duy nhất giúp họ chiến thắng dịch bệnh, sớm trở về với cuộc sống bình thường.
Cuộc gặp gỡ phần nào tôi hiểu được nỗi vất vả, hy sinh của đội ngũ y tế làm việc trông công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Họ là những nhân vật làm lay động lòng người trong những tháng ngày đằng đẵng bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch.
Họ là những đối tượng truyền cảm hứng cho những người cầm bút, để chúng tôi được tiếp tục được viết về họ bằng tình cảm trân quý, yêu thương và sẻ chia…