Yêu nghề và yêu người
Bước vào Khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy là một khung cảnh hoàn toàn khác biệt với thế giới bên ngoài. Trong căn phòng chừng gần 200m2, một loạt bệnh nhân đang nằm thở máy, xung quanh là hệ thống máy móc dây nhợ nhằng nhịt. Không có tiếng của bệnh nhân, chỉ có tiếng tít tít của mấy chục máy monitor và máy thở. Thi thoảng mới có những câu nói ngắn gọn của bác sĩ và điều dưỡng. Họ thao tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhanh nhẹn, cẩn thận và chạy như con thoi mặc ngoài kia là nắng, là mưa, là ngày hay đêm.
"Chú ơi, hôm nay chú có thở được không? Chú thở khó khăn à? Chú thở từ từ thôi, đừng có tháo dây ống trên người là không về được với vợ con đâu", điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Thúy - Khoa Hồi sức Cấp cứu khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy ân cần, nhẹ nhàng nói với bệnh nhân, dù biết rằng nam bệnh nhân đó không thể trả lời lại được mình. Nam bệnh nhân 55 tuổi này bị tai nạn lao động rất nặng, mới nhập Khoa Hồi sức cấp cứu một ngày và hành động tháo dây ống chỉ là vô thức.
Điều dưỡng Thúy cho biết, trước khi thực hiện bất kỳ thao tác, thủ thuật nào trên bệnh nhân, cô đều thông báo cho họ dù tỉnh hay mê. Việc giao tiếp bằng tri giác này nhằm đánh giá tình trạng bệnh nhân có hồi phục hay không để hỗ trợ bác sĩ điều trị bệnh.
"Nhiều khi bệnh nhân hôn mê nhắm mắt nhưng họ vẫn biết, mình phải thông báo sẽ làm gì cho họ để bệnh nhân chuẩn bị tâm lý, không bị giật mình, sợ. Còn bệnh nhân không biết, mình cũng cứ nói chuyện vậy chị ạ. Vừa nói Thúy vừa thoăn thoắt lật trở để vệ sinh cho một nam bệnh nhân nặng bị hôn mê sau tai nạn giao thông.
Thúy 27 tuổi, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu. 5 năm qua, với thân hình mảnh dẻ chưa đến 40kg, nhiều lần hai tay và các cơ xương khớp của Thúy rệu rã sau khi bế bệnh nhân, cô gái trẻ không ngại nề hà, chỉ mong sao giúp được nhiều người bệnh.
"Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, em về đây công tác luôn. Những ngày đầu sau giờ làm về ngủ em toàn mơ thấy tiếng monitor kêu. Và lần đầu chứng kiến bệnh nhân mình chăm sóc lâu ngày bị tử vong, em bị sốc. Em khóc. Sau này, khi quen hơn với công việc, mỗi lần chứng kiến những người không may phải lìa sự sống, em vẫn đau buồn bởi mình đã gắn bó và chăm sóc họ", Thúy xúc động kể lại.
Cũng theo điều dưỡng Thúy, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến Trung ương, được trang bị máy móc và kỹ thuật hiện đại. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chuyên môn tốt nên đã giành giật được sự sống cho rất nhiều bệnh nhân nguy kịch, đặc biệt là các bệnh nhân bị tai nạn giao thông, trong đó phần lớn là các thanh niên trẻ từ 18-25 tuổi.
"Lúc mới nhập viện, nhiều bệnh nhân ở trong tình trạng nặng, mặt và thân người phù hết nhưng sau khi điều trị, bệnh nhân tươi tỉnh ra viện, thật sự là thần kỳ. Em rất là vui!"
Vừa dứt lời, điều dưỡng Thúy lại đi sang giường khác để hút đờm và tỉ mẩn vệ sinh cho bệnh nhân khác. Thúy cho biết, cô phải theo dõi sát sao bệnh nhân, nếu phát hiện họ không thở được, giật tháo dây ống, nghẹt ống nội khí quản phải lập tức báo cho bác sĩ.
TS.BS. Trương Dương Tiển - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các bệnh nhân ở đây đều là những bệnh nhân nặng với "9 phần chết, 1 phần sống". Họ nhập viện đều hôn mê, chấn thương nặng do tai nạn giao thông và tai nạn lao động, sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp và suy đa cơ quan... lâu lâu mới có bệnh nhân tỉnh hoặc những bệnh nhân nặng còn ý thức được. Hầu hết họ đều bị trầm cảm, stress nên bác sĩ và điều dưỡng thường hỏi han, trò chuyện, trấn an và động viên người bệnh cố gắng giữ bình tĩnh, vượt qua nỗi đau để hợp tác điều trị.
"Làm ở Khoa Hồi sức cấp cứu không phải cực mà rất là cực. Nhưng đó là trách nhiệm và lương tâm của người làm nghề Y. Mỗi lần giao ban tôi thường nhắc đồng nghiệp đàn em rằng: Nếu các em không yêu nghề thì không nên làm ở đây, các em có thể kiếm một công việc khác phù hợp. Mình đã chọn nghề thì phải chấp nhận. Nếu ta sợ nhìn những hình ảnh thương tâm thì làm sao cứu sống được bệnh nhân. Phải có tình yêu người, lương tâm và trách nhiệm mới có thể làm hồi sức", TS.BS. Trương Dương Tiển chia sẻ.
Không năm nào ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình
ThS.BS Phạm Minh Huy, 42 tuổi cho hay, anh sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, gắn bó với Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy gần 20 năm và chuyện không ăn Tết cùng gia đình, phải tham gia trực Tết với vợ chồng anh là hết sức bình thường (vợ bác sĩ Huy là bác sĩ Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nguyễn Trãi - PV).
"Làm ở Khoa Hồi sức cấp cứu thì khó mà có lúc nào rảnh rỗi được, bác sĩ luôn phải cận kề bên bệnh nhân. Tôi cũng nhiều lần trực vào những ngày lễ, Tết rồi. Thậm chí cách đây 3 năm, tôi trực ca từ 7h sáng ngày 30 Tết đến 7h sáng mùng 1 Tết thì có bệnh nhân viêm phổi nặng phải chạy ECMO. Và thay vì được thay ca trực từ 7h sáng mùng 1 đó, do vướng ca ECMO trên nên tôi phải làm một mạch tiếp đến 4h chiều mùng 1 (tức là trực 33h đồng hồ liên tiếp). Các bác sĩ 2 ca trực phải xúm vào làm cùng nhau và quên cả ăn trưa luôn. Nam bệnh nhân hơn 20 tuổi đó đã được cứu sống. Đây là kỷ niệm thật sự đáng nhớ đối với tôi và các đồng nghiệp", ThS.BS. Phạm Minh Huy tâm sự.
Tương tự ThS.BS. Huy, BS.CK1. Đinh Thị Ly (29 tuổi) cũng sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ly vào làm ở Khoa Hồi sức cấp cứu đã được hơn 3 năm nhưng chưa năm nào cô được ăn Tết Nguyên đán trọn vẹn cùng gia đình. Ly tâm sự, hồi mới đi làm, thấy nhiều bệnh nhân nặng cô rất sợ. Tuy nhiên, theo năm tháng, Ly trở nên bình tĩnh và tự tin xử trí các tình huống. Trước áp lực công việc nhiều, thu nhập còn thấp, Ly mỉm cười bảo: "Cực vậy nhưng em không chuyển sang công việc khác. Em vẫn muốn trực tiếp làm công việc cứu chữa bệnh nhân vì muốn được có... trách nhiệm. Như vậy em mới thấy ý nghĩa".
Là người gắn bó với Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy đã được 25 năm, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu khu D, Nguyễn Thị Ngọc Liên cho hay, tất cả các bệnh nhân ở đây đều được chăm sóc cấp 1 (cấp độ cao nhất), sức khỏe trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".
Thực tế cho thấy, công việc của bác sĩ, điều dưỡng vốn đã rất vất vả thì khi làm việc tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, áp lực ấy còn nhân lên gấp nhiều lần.
Do đặc trưng của Khoa Hồi sức Cấp cứu là bệnh nhân nặng, người nhà không được thăm nuôi nên tất cả các công việc từ chăm sóc chuyên môn đến sức khỏe, tinh thần đều do điều dưỡng đảm nhận như: Đánh răng, rửa mặt, ăn uống, thay quần áo, ga giường, thay bỉm tã, xoay trở, lau người, dọn vệ sinh, gội đầu, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân... đến tiêm thuốc, truyền dịch, tập vật lý trị liệu.
Và nếu bác sĩ là người luôn căng thẳng vì sự trở nặng bất ngờ của người bệnh thì đội ngũ điều dưỡng là nhóm nhân sự luôn túc trực thường xuyên theo dõi các chỉ số sinh tồn, di chuyển liên tục để thực hiện công tác chăm sóc người bệnh...
"Các em điều dưỡng ở đây chủ yếu là nữ, đa số quê lại ở xa nên dịp lễ, Tết, họ hết sức thiệt thòi, bởi thường xuyên phải trực, không có nhiều thời gian về vui vầy với họ hàng. Thật sự tôi rất là thương các em điều dưỡng. Các em có thân hình bé nhỏ nhưng chăm sóc bệnh nhân hết sức tận tình, làm những công việc trước đó chưa bao giờ làm. Các em không phân biệt bệnh nhân đó giàu hay nghèo, làm công việc gì, có địa vị hay không. Họ thấu hiểu và yêu thương bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân như là người thân của mình. Một người mẹ chỉ chăm sóc 1 đến 2 con nhỏ, nhưng ở đây một điều dưỡng chăm sóc cùng lúc 4-5 người trưởng thành. Nhiều bệnh nhân cân nặng đến 8-9 chục kg, thậm chí cả trăm cân, trong khi điều dưỡng nhỏ con nên việc chăm sóc không hề đơn giản", chị Liên cho hay.
Cũng theo chị Liên, không chỉ riêng mình chị mà còn rất nhiều đồng nghiệp của chị đã dành trọn thanh xuân và tuổi trẻ của mình nơi đây. Đôi lúc nhìn lại, chị cũng cảm thấy vui và tự hào vì đã góp một phần nhỏ của mình vào việc cứu chữa cho người bệnh. "Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là chỉ cần mỗi bệnh nhân nặng qua cơn nguy kịch, hồi tỉnh lại. Có rất nhiều bệnh nhân hồi phục đã quay lại cảm ơn chúng tôi", chị Liên rưng rưng...
Cũng như điều dưỡng Ngọc Liên, Minh Thúy, BS. Minh Huy, Đinh Thị Ly và nhiều nhân viên y tế khác vẫn tiếp tục gắn bó với nghề mình đã chọn và hết lòng vì bệnh nhân. Họ có thể thể thức trắng đêm khi chăm sóc và điều trị bệnh nhân, có thể nhịn đói quên ăn khi làm việc, là chấp nhận không đủ thời gian để chăm sóc con cái, bố mẹ già chu đáo, nhiều lúc phải gác lại những riêng tư... Trong đó, rất nhiều người từ khi bước vào Khoa Hồi sức cấp cứu làm việc, chưa bao giờ ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình và người thân...
Đó chính là bản lĩnh, là sự hy sinh thầm lặng của những nhân viên y tế cho tình yêu nghề.
Mỗi ngày sau ca trực, mắt quầng, chân tay mệt rã rời, họ mới được chợp mắt. Niềm vui và động lực tiếp tục làm việc của họ là những tín hiệu chuyển biến tích cực dù nhỏ từng chút từng chút một của người bệnh, được nhìn thấy thật nhiều nụ cười của bệnh nhân mỗi khi xuất viện.
Thêm một mùa Xuân lại về với các thầy thuốc và bệnh nhân nơi đây. Mùa Xuân mang bao ước vọng của người bệnh và nhân viên y tế...
Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam. Khi các bệnh nhân nặng chuyển lên càng nhiều thì áp lực của Khoa Hồi sức Cấp cứu ngày càng cao. Thế nhưng, đội ngũ nhân viên y tế ở đây đã quen với công việc này như là một phần của cuộc sống. Chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân được kịp thời xử lý, được mổ thành công, được chuyển về hậu phẫu, ổn định về khoa và xuất viện là họ thấy vui với niềm vui của người bệnh và gia đình họ.