Hơn 10 năm nhặt hài nhi về chôn cất
Nguyễn Văn Thân (22 tuổi), sinh viên năm cuối của một trường Đại Học ở TP Vinh - Trưởng nhóm Bảo vệ sự sống Faustina (thuộc quản lý của Ban Bác ái xã hội Caritas Giáo phận Vinh) cho biết, tính đến nay có hàng chục ngàn hài nhi được đưa về đây mai táng. Tất cả những sinh linh bé bỏng đều được mang về từ những bệnh viện, cơ sở y tế, phòng khám có dịch vụ nạo phá thai.
Thân cho biết, nhóm hiện có hơn 100 thành viên, phần lớn là sinh viên người công giáo đang theo học các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Một trong những hoạt động chính của nhóm trong suốt nhiều năm qua đó là đi gom những thai nhi xấu số rồi đưa ra nghĩa trang thai nhi ở xã Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc) làm lễ an táng.
Thân kể, thêm một nghĩa trang khác nằm trên ngọn đồi ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là nơi an nghỉ của gần 50.000 thai nhi xấu số trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2014. Nghĩa trang này do nhóm sinh viên công giáo, ban đầu mang tên "Bảo vệ sự sống Gioan Phaolô II" tự xây dựng. Sau khi nhóm giải tán vào năm 2014, nhóm kế nhiệm mang tên "Bảo vệ sự sống Faustina" tiếp tục công việc chôn cất thai nhi. Trong 17 năm qua, hai nhóm đã chôn cất khoảng 80.000 thai nhi tại hai nghĩa trang.
"Do lượng thai nhi quá nhiều, nhóm không thể an táng chôn cất từng em. Vì thế, mỗi lần đi gom các thai nhi xấu số về, nhóm lại để trong tủ lạnh. Cứ khoảng 3 tuần đến 1 tháng, tủ lạnh sẽ đầy với khoảng 200 đến 300 thai nhi xấu số. Sau đó, nhóm đi xin gỗ về, đóng quan tài chôn cất những sinh linh bé bỏng này.
Hầu như ngày nào cũng có điện thoại gọi tới từ những phòng khám, bệnh viện. Thậm chí có nhiều cuộc gọi lúc nửa đêm, thành viên nhóm cũng sẵn sàng lên đường. Nhiều khi chúng em bận đến trường, không tới lấy kịp thì họ để dưới gốc cây nào đó, rồi chỉ vị trí để nhóm đến lấy sau", Thân kể.
Một thành viên khác trong nhóm, Đặng Quang Hoàng (23 tuổi) cho biết, em cũng gặp không ít ngăn cản đến từ gia đình và bạn bè. "Thời gian đầu em đi theo các anh, chị thu gom các thai nhi cũng rất sợ. Nhưng sau đó thì lại thấy thương các bé, tình thương đó đã khiến em vượt lên nỗi sợ hãi. Nhiều lần, các thai nhi bị vứt bỏ đã rất lớn, với đầy đủ bộ phận. Em sờ vào người vẫn còn thấy ấm. Lúc đó, chỉ thấy xót xa, không thấy sợ", Hoàng kể.
Các thành viên trong nhóm chia sẻ, ngoài những hài nhi được đưa về từ các bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế, còn có những bà mẹ nạo phá thai xong đem con về đây vứt. Ban đầu chỉ có vài người, nhưng về sau số lượng người đến vứt bỏ giọt máu thiêng của mình ngày càng nhiều. Cứ như thế, nghĩa trang này… ngày càng đầy thêm những nỗi đau buồn.
Những ngày đầu đến với công việc chôn cất các sinh linh bé nhỏ, Thân và các thành viên trong nhóm không tránh khỏi những lời đàm tiếu, dị nghị. Nhưng rồi bằng thời gian, công việc của Thân nhận được sự tin tưởng, mến yêu của nhiều người.
Hơi ấm tình người...
Nơi chôn cất các thai nhi nằm lọt thỏm trong một nghĩa trang nhân dân ở giáp ranh 2 xã Nghi Phong và Nghi Thạch. Khuôn viên rộng chừng 2.000m2, là nơi an nghỉ của hơn 30.000 thai nhi mà nhóm đã tiếp nhận trong suốt 10 năm qua. Lễ an táng diễn ra với đầy đủ nghi thức như với đám tang của người lớn. "Ngoài những ngày diễn ra lễ an táng, hàng năm cứ vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu và Tháng linh hồn, nhóm đều tập trung ở 2 nghĩa trang thai nhi để dọn dẹp, cầu nguyện, thắp hương cho các bé", Thân chia sẻ.
Không chỉ thu gom và chôn cất các thai nhi, trong những năm qua, Nhóm Bảo vệ sự sống Faustina còn là nơi cưu mang những người lầm lỡ. "Việc chôn cất những hài nhi chỉ là một phần trong hoạt động của nhóm, điều mà nhóm hướng đến vẫn là tư vấn, thuyết phục những thai phụ có ý định bỏ thai nhi. Nếu họ đồng ý, sẽ được nhóm đưa về các mái ấm để chăm sóc cho tới khi sinh con được 1 tháng. Sau khi bé đầy tháng, các bà mẹ sẽ có 2 lựa chọn, hoặc là mang bé trở về, hoặc nếu không đủ điều kiện nuôi con thì nhóm sẽ tìm bố mẹ nuôi cho bé, để bé có cuộc sống tốt đẹp hơn", Thân kể thêm.
Theo Thân, hành trình giành lại sự sống cho những đứa trẻ cũng gặp không ít gian nan. "Mỗi lần biết được ai đó đang có ý định phá thai, nhóm sẽ xin số điện thoại rồi hẹn gặp, thông thường là ở các bệnh viện, phòng khám. Tuy nhiên, để gặp những người này cũng rất khó. Vì các phòng khám không muốn bọn em thuyết phục khách hàng của họ không làm nữa. Chính vì vậy, thường bọn em phải lén lút vào gặp hoặc đóng giả người thân", Thân chia sẻ. Trung bình mỗi năm, nhóm thuyết phục được khoảng 30 bà mẹ từ bỏ ý định phá thai, đưa về chăm sóc tại các mái ấm.
Ngoài ra, nhóm còn có nhiều hoạt động thiện nguyện khác, như mỗi tuần 3 buổi đi phát hàng trăm suất cơm miễn phí cho những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang thuê trọ để chạy thận ở TP Vinh.