Ám ảnh tai biến không phải là không có nguyên do. Vì lỡ khi xảy ra tai biến, người bác sĩ thật sự cô đơn, không biết bám vào cái gì để cứu mình, ai là người có quyền hay tổ chức nào là người có quyền phán quyết mình đúng hay sai.
Do điều kiện khách quan ở nước ta, nền y tế chưa phát triển. Nhiều cơ sở y tế chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ phẫu thuật, phòng ốc đảm bảo vô trùng. Nhân viên phòng mổ, y tá, hay nói chung nhân viên y tế chưa đạt mức chuyên nghiệp cao. Người bác sĩ ngoại khoa dù có giỏi mà không được trang bị những phương tiện cần thiết điều trị cho bệnh nhân đạt những kết quả tối ưu thì tai biến y khoa xảy ra là điều dễ hiểu. Ví dụ trong lĩnh vực tiết niệu, mỗi ca tán sỏi nội soi đều được trang bị máy Xquang C-arm trong tán sỏi, rất an toàn nhưng hầu hết ở Việt Nam đều không có. Trong lĩnh vực nội soi niệu, các dụng cụ như dây dẫn (guidewire) đều sử dụng một lần rồi bỏ nhưng ở nước ta được sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần khiến không an toàn trong thao tác cũng như trong vô trùng. Hầu hết áo mổ ở những nước phát triển là bằng áo giấy sử dụng một lần trong khi nước ta còn bằng áo vải, phải giặt lại nhiều lần thì thử hỏi sao điều kiện vô trùng của mình bằng người ta được.
Đối với bác sĩ cũng gắn với câu Sinh nghề, tử nghiệp.
Ám ảnh tai biến không phải là không có nguyên do. Vì lỡ khi xảy ra tai biến, người bác sĩ thật sự cô đơn, không biết bám vào cái gì để cứu mình, ai là người có quyền hay tổ chức nào có quyền phán quyết mình đúng hay sai.
Có lần, một BS nọ không “được lòng” ban giám đốc phát biểu: “Ở bệnh viện này, tôi không sợ ai, chỉ sợ... biến chứng” vì ban giám đốc họ chỉ chờ có thế thì làm lớn chuyện ngay, chuyện bé xé ra to, đó là hình ảnh tiêu cực. Có một giám đốc còn tuyên bố, các bác sĩ nào để xảy ra tai biến thì tự thỏa thuận, tự bồi thường chứ bệnh viện không dính dáng gì hết. Có gì bất thường trong lời tuyên bố này?
Giả sử bác sĩ và ban giám đốc cùng nhận trách nhiệm trong các tai biến y khoa, họ cùng nhau giải quyết đơn thư. Hầu hết các trường hợp vấn đề gây bức xúc giữa hai bên là các khoản bồi thường lớn bao nhiêu là đủ. Tại sao một trường hợp mổ viêm ruột thừa tử vong ở Bệnh viện Pháp Việt đòi bồi thường đến vài tỷ, tại sao trường hợp khác chỉ vài triệu. Nếu có bồi thường thì là bao nhiêu cho một trường hợp cụ thể nào đó chưa có một văn bản nào quy định rõ ràng. Điều này cũng gây khó cho các quan tòa, xử thế nào cho đúng.
Có trường hợp bác sĩ phải tự lo một mình một ngựa chạy đôn chạy đáo đối phó với đơn thư, có trường hợp cả khoa hay cả kíp trực, cả kíp mổ ai có liên quan đến bệnh nhân thì đền một chút. Không có công thức nào cả, cơ quan chủ quản là bệnh viện xử lý rất tùy tiện, theo cảm hứng và cảm tính.
Ở ngoại quốc hay các nước phát triển, bác sĩ được trả lương rất cao vì trong đó có một lý do đây là một nghề đặc biệt, nghề nguy hiểm, đối tượng phục vụ là con người, nguy cơ thưa kiện rất cao. Nhưng Nhà nước ta chưa đối xử với nhân viên y tế hay cụ thể là bác sĩ với một triết lý như vậy. Thu nhập của một bác sĩ làm toàn thời gian trong bệnh viện công thì chỉ đủ sống. Phần lớn mọi người còn nghĩ nghề y là nghề phục vụ, đừng đỏi hỏi gì nhiều. Nhưng họ thường không nghĩ tới một góc khuất của ngành là phải đối diện tới những khoản bồi thường một cách ghê gớm. Có một lần, một bác sĩ nội trú mới ra trường phụ mổ với đàn anh, được đóng bụng sau mổ, để xảy ra sai sót khâu vào ruột non, không may bệnh nhân tử vong. Anh BS nội trú ấy phải móc túi bồi thường 60 triệu đồng.
Trước tai biến y khoa, người bác sĩ phải còn đau khổ đối diện với chính lương tâm mình nữa mà không có bút mực nào tả được. Hằng đêm phải mất ngủ vì nghĩ tới những hậu quả cho bệnh nhân. Gia đình cũng đâu có được yên thân, thấy người thân bị tai nạn nghề nghiệp, họ có vui đâu. Một hệ lụy tinh thần và tài chính của người bác sĩ đều bị ảnh hưởng.
Thật tình mà nói, không có bác sĩ nào muốn tai biến xảy ra, đó đích thực là một rủi ro. Con người luôn luôn có sai lầm, hàng ngàn năm nay như thế. Nhưng trong một môi trường tốt, điều kiện làm việc tốt, trình độ quản lý cao, người ta hạn chế được những rủi ro này. Nếu có luật lệ chặt chẽ, có luật sư để giúp mọi người làm việc đúng luật, luật sư của bác sĩ và của bệnh nhân, có bảo hiểm làm việc hiệu quả rõ ràng, người bác sĩ sẽ an tâm làm việc hơn.
Thực tế ở nước ta, nghề y đúng là cái nghiệp, thầy thuốc làm việc trong thấp thỏm lo sợ. Bị bệnh nhân thưa kiện hay không, yếu tố may rủi rất cao, mặc dù thế, người bác sĩ vẫn làm việc ngày cũng như đêm lo cho bệnh nhân của mình. Chỉ mong bệnh nhân cũng như người nhà hiểu mình, Nhà nước hiểu mình mà tạo ra cơ chế nào đó để bác sĩ an tâm công tác hơn, nếu có rủi ro xảy ra cũng được giải quyết thỏa đáng đúng pháp luật, không thiệt cho mình cũng như cho bệnh nhân.
Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
SK&ĐS