Nỗi ám ảnh chưa có lời giải

29-07-2012 13:10 | Thông tin dược học
google news

Thời gian gần đây tại Afghanistan liên tục xảy ra những vụ ngộ độc làm cho hàng trăm nữ sinh phải nhập viện. Người thì đồn rằng do Taliban chủ mưu, kẻ thì cho rằng do hoảng loạn tinh thần kéo dài nên sinh ra bệnh mass hysteria (rối loạn phân ly tập thể). Vậy sự thật của những vụ ngộ độc này là gì?

(SKDS) - Thời gian gần đây tại Afghanistan liên tục xảy ra những vụ ngộ độc làm cho hàng trăm nữ sinh phải nhập viện. Người thì đồn rằng do Taliban chủ mưu, kẻ thì cho rằng do hoảng loạn tinh thần kéo dài nên sinh ra bệnh mass hysteria (rối loạn phân ly tập thể). Vậy sự thật của những vụ ngộ độc này là gì?

Hoang mang lo sợ bị đầu độc

Theo BBC, ngày 23/5/2012 tại Trường Hajera Bibi ở tỉnh Takhar, miền Bắc Afghanistan đã xảy ra vụ ngộ độc có quy mô lớn làm 125 nữ sinh phải nhập viện mà người ta tình nghi là bị trúng độc bởi một loại bột trắng rắc trong phòng học. Phần lớn nạn nhân đều có dấu hiệu như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và hôn mê bất tỉnh. Nạn nhân cảm nhận được mùi lạ ngay từ khi chưa bước vào lớp, song không nghĩ rằng bị đầu độc. Mẫu máu của nạn nhân đã được gửi đi xét nghiệm. Theo bác sĩ điều trị, tình trạng của bệnh nhân không quá nghiêm trọng và có thể được ra viện sau vài ngày điều trị. Không chỉ có Takhar mà nhiều nơi khác cũng xảy ra trường hợp tương tự như ở tỉnh Khost, Bamiyan và Nangarhar. Theo bà Khalid Enayat, Phó Giám đốc Bệnh viện Muhmud Raqi, có ít nhất 98 bệnh nhân của Trường Qazaaq phải tẩy ruột, kể cả hiệu trưởng, 11 giáo viên và 2 nhân viên của trường.

Không kể vụ đầu độc tại Trường Hajera Bibi, từ tháng 4/2012 đến nay, tại Afghanistan đã diễn ra 5 vụ ngộ độc liên tiếp trong hệ thống các trường học. Ngày 18/4, khoảng 150 nữ sinh của một trường ở tỉnh Takhar, phía Bắc Afghanistan phải nhập viện sau khi cùng uống nước tại trường. Các quan chức địa phương khẳng định đây là hành động của các phe phái thuộc Taliban vốn kỳ thị phụ nữ và không chấp nhận việc phụ nữ tiếp cận với giáo dục. Ngày 9/5, khoảng 100 học sinh nữ, 8 giáo viên đã bị ngộ độc và phải nhập viện tại tỉnh Balkh. Ngày 15/5, hàng trăm học sinh đã bị ngất xỉu tại một trường học dành cho các bé trai ở tỉnh Khost.
 
Tiếp đến ngày 29/5 có tới 50 học sinh nữ trong tỉnh Takhar phải đưa đi cấp cứu vì mắc chứng buồn nôn. Theo cảnh sát, các điều tra viên đã tìm thấy chất bột lạ được phun vào phòng học của các nữ sinh nói trên. Học sinh tuổi từ 10 - 20 nói rằng, sau khi hít phải chất bột này đã bị chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nhiều nữ sinh đã bị bất tỉnh tức thì. Trong khi những vụ đầu độc nói trên chưa nguôi thì ngày 3/7/2012 lại xảy ra một vụ đầu độc khác diễn ra tại một trường học ở thành phố Sheberghan thuộc tỉnh Sir-e-pul and Jawzjan ở miền Bắc làm 260 học sinh nữ bị nhiễm độc.

Truy tìm nguyên nhân

Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể song dư luận Afghanistan đều mong sớm tìm ra sự thật. Theo tờ Daily Afghanistan số ra ngày 2/7, Taliban đã giết hại nhiều học sinh và giáo viên, rải chất độc tại các trường hoặc axít nhắm vào học sinh, đốt trường học và đe dọa các quan chức giáo dục, nhất là các tỉnh phía Bắc - nơi Taliban đang suy yếu vì vậy rất có thể Taliban đứng sau những vụ đầu độc này. 

Liên quan đến sự kiện trên, đầu tháng 6 vừa qua, 14 nghi phạm đã bị cơ quan tình báo Afghanistan bắt giữ, song phần lớn đã được thả vì không có bằng chứng, chỉ còn lại 3 người được đưa đi phỏng vấn vì bị tình nghi đã vận chuyển 2 chai thuốc độc từ Pakistan qua tỉnh Kunar để đưa vào Takhar và bị tình nghi thực hiện 6 vụ tấn công các trường học, kể cả Trường Hajera Bibi. Một trong số này có tên Najibullah là giáo viên của trường khai nhận đã đưa 2 chai thuốc độc và 50.000 Afghanis (khoảng 20 triệu VNĐ) cho hai nữ sinh sử dụng nhưng mới dùng hết một chai. Người còn lại là Mullah Yakub - thành viên của Taliban, đã giúp vận chuyển các chai chất lỏng nói trên còn người cuối cùng là Nooragha phủ nhận mọi cáo buộc, chỉ thừa nhận nhập cảnh vào Afghanistan qua đường Pakistan. Tất cả 3 người này hiện đã được giao cho cảnh sát điều tra.

 Nữ sinh Trường Hajera Bibi đang được điều trị trong bệnh viện sau khi bị ngộ độc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuộc

 

Mặc dù đã bắt được một số nghi phạm nhưng dư luận Afghanistan muốn Chính phủ sớm tìm ra sự thật, giúp con em của họ yên tâm khi đến trường. Mới đây, Chính phủ Afghanistan đã mời WHO) vào cuộc. Sau khi điều tra toàn bộ, bước đầu, WHO cùng Bộ Y tế công cộng Afghanistan khẳng định chưa tìm thấy bằng chứng đầu độc, rất có thể do tâm lý kích động là thủ phạm gây ra căn bệnh thần kinh này, song cũng không loại trừ khả năng bị đầu độc nên cần tiếp tục theo dõi và nghiên cứu tiếp. Sau khi kiểm tra 200 mẫu máu và nước tiểu không thấy có dấu hiệu trúng độc.
 
Một số chuyên gia nghiên cứu chứng kích động tâm lý cũng cho rằng, lịch sử đã chứng kiến nhiều tiền lệ như vụ từng xảy ra ở Palestine năm 1983 hoặc ở Gruzia thuộc Liên Xô cũ năm 1989 hay ở Kosovo năm 1990. Theo giáo sư tâm lý học Peter Kinderman ở ĐH Liverpool (Anh), con người sống trong cộng đồng dễ bị tác động và bị ảnh hưởng bởi trào lưu chung theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, nếu một người lo sợ bị đầu độc thì sẽ làm cho những người xung quanh bị ảnh hưởng theo, giống như hiệu ứng Domino. Một khi có ai đó phát bệnh, tất cả những người xung quanh hoảng sợ nghĩ mình cũng bị mắc bệnh theo nên dễ bị lây lan, dấu hiệu thường thấy như thở gấp, tim đập nhanh, đau đầu, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu hàng loạt.

       KHẮC NAM (Theo Reuters/BBC/DM, 2012)


Ý kiến của bạn