Hà Nội

Nobel Y học 2020 trao cho 3 nhà khoa học phát hiện ra virus viêm gan C

05-10-2020 19:34 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nobel Y học 2020 thuộc về 3 nhà khoa học Harvey J.Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ) nhờ phát hiện ra virus viêm gan C.

4h30 chiều ngày 5/10 theo giờ Việt Nam, Giải thưởng Nobel Y học 2020 đã chính thức công bố tại Viện Karolinska, Thụy Điển. Nobel Y học năm nay thuộc về 3 nhà khoa học Harvey J.Alter (người Mỹ), Michael Houghton (người Anh) và Charles M.Rice (người Mỹ) nhờ phát hiện ra virus viêm gan C. Phát hiện này đã mở ra tiền đề cho xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh viêm gan C và tạo ra các loại thuốc mới cứu sống hàng triệu người trên thế giới.

Công bố giải thưởng tại Stockholm, Thụy Điển, Ủy ban trao giải Nobel đã biểu dương công trình của bộ 3 đã giúp lý giải căn bệnh viêm gan do virus lây lan trong máu bí ẩn mà không thể lý giải được bằng các phát hiện virus viêm gan A và viêm gan B trước đó. Công trình của họ kể từ thập kỷ 1970 và thập kỷ 1980 đã góp phần cứu sống hàng triệu người.

Đồng chủ nhân của Giải thưởng Nobel Y học 2020, mỗi người nhận 1/3 giải (từ trái sang): Harvey J.Alter (người Mỹ), Michael Houghton (người Anh) và Charles. M.Rice (người Mỹ) nhờ phát hiện ra virus viêm gan C.

“Nhờ phát hiện của họ, các xét nghiệm máu để phát hiện virus viêm gan C đã trở nên thông dụng và các xét nghiệm này là vô cùng cần thiết để loại trừ nhiễm viêm gan do truyền máu ở nhiều nơi trên thế giới, do đó, góp phần cải thiện sức khỏe toàn cầu.” Ủy ban trao giải Nobel cho biết.

“Phát hiện của 3 nhà khoa học Harvey J.Alter (Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ), Michael Houghton (Đại học Alberta) và Charles M.Rice (Đại học Rockefeller) cũng đã tạo tiền đề để tạo ra các loại thuốc chống virus trực tiếp lên viêm gan C. “Lần đầu tiên trong lịch sử, bệnh viêm gan C có thể chữa khỏi, mở ra hy vọng xóa sổ viêm gan C khỏi người dân thế giới”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 70 triệu ca nhiễm viêm gan C trên toàn thế giới và khoảng 400.000 ca tử vong mỗi năm. Đây là căn bệnh mạn tính và là nguyên nhân chính gây ra xơ gan và ung thư gan.

Giải Nobel Y học mang tầm quan trọng năm nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bởi nó nêu bật tầm quan trọng của nghiên cứu y khoa đối với các nền kinh tế và cộng đồng xã hội trên toàn thế giới.

Ông Patrick Ernfors, thành viên Ủy ban trao giải Nobel đã so sánh giải thưởng Nobel năm nay với cuộc chạy đua của hàng triệu nhà khoa học trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. “Vì vậy mà phát hiện mang tính thực tế này, phát hiện về virus bản thân nó mang tầm quan trọng lớn”, ông nói, bởi nó chính là tiền đề để phát hiện và chữa khỏi căn bệnh.

Nhà khoa học Harvey J.Alter sinh năm 1935 ở New York và tiến hành nghiên cứu giành giải Nobel tại Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ ở Bethesda. Nhà khoa học Charles. M.Rice sinh năm 1952 ở Sacramento, California, nghiên cứu bệnh viêm gan tại Đại học Washington ở St. Louis và hiện làm việc tại Đại học Rockefeller ở New York. Nhà khoa học Michael Houghton sinh ra ở Anh vào năm 1950 và nghiên cứu tại tập đoàn Chiron ở California trước khi chuyển tới Đại học Alberta ở Canada.

Ông Thomas Perlmann, Tổng Thư ký của Ủy ban trao giải Nobel cho biết ông đã liên lạc với hai nhà khoa học Alter và Rice, họ rất ngạc nhiên khi biết tin và cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã giành giải thưởng cao quý này.

Trên website Nobelprize.org, xuất hiện các dòng Tweet chúc mừng 3 chủ nhân của Nobel Y học:

Harvey J.Alter giành Nobel Y học 2020 nhờ các nghiên cứu về viêm gan gắn với các ca truyền máu chứng tỏ rằng một virus bí ẩn là nguyên nhân gây ra căn bệnh viêm gan cấp tính.” (khởi điểm của hành trình tìm ra virus viêm gan C).

“Michael Houghton giành giải Nobel Y học 2020 nhờ sử dụng một chiến lược chưa từng thử nghiệm trước đó để phân lập bộ gene của virus mới (ở thời điểm đó) được đặt tên là viêm gan C.”

“Năm nay, Charles M.Rice giành giải Nobel Y học nhờ đưa ra bằng chứng cuối cùng cho thấy chỉ riêng virus viêm gan C là nguyên nhân gây ra căn bệnh viêm gan C.”

Giải thưởng Nobel danh tiếng đi kèm với huy chương vàng kèm tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương gần 1,2 triệu USD). Lễ công bố các giải thưởng Nobel còn lại (vật lý, hóa học, văn học, hòa bình và kinh tế) sẽ còn tiếp diễn tới ngày 12/10.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn