Nobel Hòa bình 2015: Thông điệp của đối thoại

12-10-2015 07:29 | Quốc tế

SKĐS - Giải Nobel Hòa bình 2015 đã được trao tặng cho 4 tổ chức đã thúc đẩy đối thoại dân tộc ở Tunisia, giúp cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ ở quốc gia này thành công.

Giải Nobel Hòa bình 2015 đã được trao tặng cho 4 tổ chức đã thúc đẩy đối thoại dân tộc ở Tunisia, giúp cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ ở quốc gia này thành công. Đây là ví dụ cho thấy chỉ có đối thoại mới là giải pháp giúp tháo gỡ những điểm nóng xung đột.

“Chúng tôi đã nỗ lực cùng nhau vì đất nước Tunisia”, một trong bốn đại diện của nhóm Bộ tứ Đối thoại của Tunisia phát biểu trước báo giới hôm 10/10. Trước đó, kết quả công bố giải Nobel Hòa bình 2015 đã khiến dư luận ngạc nhiên khi nhóm Bộ tứ Đối thoại Tunisa đã vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký, trong đó có Thủ tướng Đức Merkel và Giáo hoàng Francis. Nhóm Bộ tứ Đối thoại Tusnia được thành lập vào mùa hè năm 2013, bao gồm Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia, Liên minh Công nghiệp - Thương mại và Thủ công nghiệp Tunisia, Liên đoàn Nhân quyền và Hội đồng Luật sư Tunisia. Nhiệm vụ của nhóm Bộ Tứ là tháo gỡ những khúc mắc chính trị, xây dựng cầu nối đối thoại giữa các phe phái tại Tunisia nhằm giúp quốc gia này tránh khỏi nguy cơ nội chiến liền kề sau Cách mạng Hoa Nhài, mở đầu cho làn sóng Cách mạng Màu tại Trung Đông - Bắc Phi.

Nobel Hòa bình 2015: Thông điệp của đối thoại
Tunisia rơi vào khủng hoảng chính trị sau cái chết của một thanh niên trẻ cuối năm 2010.

Cách mạng Hoa Nhài tại Tunisia diễn ra vào tháng 11/2010 sau cái chết của một thanh niên Tunisia. Ngay sau đó các cuộc biểu tình bạo loạn diễn ra nhiều nơi biến Tunisia trở thành một chảo lửa chính trị không thể kiểm soát. Chỉ 2 tháng sau đó, Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali đã bị lật đổ và Tunisia rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị tưởng như không thể vãn hồi.

Thành lập trong bối cảnh trên, nhóm Bộ tứ Đối thoại Tunisia được tuyển lựa từ 273 ứng cử viên, với đại diện của các nhóm chính trị có ảnh hưởng xã hội nhằm hàn gắn mâu thuẫn giữa các đảng Hồi giáo thế tục và các lực lượng chính trị khác. Trong 4 năm khủng hoảng (2011-2014), nhóm Bộ tứ Tunisia đã dần hàn gắn được các mâu thuẫn xã hội, từng bước thiết lập đối thoại chính trị và tháo gỡ dần các nút thắt mâu thuẫn giữa 22 đảng phái lớn nhỏ tại Tunisia.

Sự kiện Quốc hội đã phê chuẩn Chính phủ liên minh mới do đảng thế tục Nidaa Tounes đứng đầu và bao gồm các đại diện của đảng Hồi giáo Ennahda theo đường lối ôn hòa ngày 5/2/2015 chỉ là một trong những bước tiến chính trị mà nhóm Bộ tứ Đối thoại Tunisia có công thúc đẩy. Trước đó, việc ngày 2/2/2015, Thủ tướng Tunisia Habib Essid công bố Chính phủ liên hiệp mới do đảng thế tục Nidaa Tounes kiểm soát và có sự tham gia của đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda, một trong những thế lực chính trị có ảnh hưởng nhất và cũng là lực lượng nắm quyền hậu Cách mạng Hoa Nhài, với nhiệm vụ trước mắt là giải quyết các vấn đề an ninh và vực dậy nền kinh tế, được coi là thành công lớn trong đời sống chính trị Tunisia sau 4 năm khủng hoảng. Cùng với đó, cuộc sống của người dân Tunisia đã từng bước đi vào ổn định khi chính quyền Tunisia chính thức dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp vào ngày 6/3/2014, được ban bố sau làn sóng chống Chính phủ cuối năm 2011 sau “Mùa xuân Arab” ở nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi. Nhờ đó, Tunisia được ca ngợi là một “điểm sáng” so với các quốc gia cũng đang chìm trong khủng hoảng chính trị khác như Libya và Ai Cập. Mặc dù quốc gia Bắc Phi này đang đối mặt với những nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố và những thách thức lớn về kinh tế, nhưng sự ổn định về chính trị trong đó có đóng góp không nhỏ của nhóm Bộ tứ không chỉ xây dựng một xã hội dân chủ mà còn khiến Tunisia trở thành một hình của mẫu đối thoại giải quyết xung đột trong khu vực.

“Sau Mùa xuân Arab ở Tunisia giai đoạn 2010-2011, Bộ tứ đã mở đường cho cuộc đối thoại hòa bình giữa các công dân”, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Kaci Kullmann Five nhận định. Còn trang Nobelprize.org của Hội đồng Trao giải Nobel cho rằng, nhóm Bộ tứ được trao giải vì “những đóng góp mang tính quyết định trong việc xây dựng một nền dân chủ ở Tunisia sau những biến động chính trị rất lớn”.

(Theo NBC, Votic, Le Figaro)

N.Minh

 

 

 


Ý kiến của bạn