- Điện khí hóa là đem lại no ấm cho dân vì có điện là máy móc chạy, năng suất tăng, của cải trong xã hội nhiều thêm, giá thành hạ thay vì làm thủ công... - Hai Phiếm bảo.
- Mà nước mình thì lắm sông, nhiều thác, tranh thủ làm thủy điện thì tha hồ phát triển, tha hồ no ấm...
- Bên cạnh “no ấm”, tôi lại thấy có điều “lo lắm”...
- Hử?
- Thì như Thủy điện Sông Tranh 2 chưa dứt được mối lo của người dân về sự an toàn sau những trận động đất, dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vẫn gây những tranh cãi chưa có hồi kết và mới đây, Đập thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) lại bị vỡ do thi công không đúng thiết kế. Chưa thấy “no” đâu đã thấy “lo” trước nguy cơ thiếu an toàn!
- Vài cái bác kể nhằm nhò gì so với hệ thống sông ngòi dày đặc như báo cáo của Bộ Công Thương là cả nước hiện có tổng số 1.110 công trình, dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khoảng 25.290MW.
- Nhưng có đến 360 dự án được đánh giá là quy mô nhỏ, hiệu quả thấp và 1/3 số đập thủy điện đến hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định rõ ràng, thành ra lo vẫn cứ lo.
- Thủy điện vừa và nhỏ do địa phương phê duyệt đầu tư, còn chất lượng công trình do chủ đầu tư tự lo, thành ra nhiều khi việc phê duyệt rất... “địa phương”!
- Tận dụng tiềm năng thiên nhiên để phát triển kinh tế - xã hội là tốt nhưng tận dụng bừa thì có khi nhận quả đắng từ chính thiên nhiên...
- Đắng quá chứ nếu xây thủy điện chỉ tính đến lãi của doanh nghiệp hoặc có bao nhiêu điện mà quên điều quan trọng nhất là môi trường và đời sống của dân!.
Hai Phiếm cứ lẩm bẩm:
- Mùa mưa bão đến rồi... Xin đừng để người dân xung quanh các dự án, công trình thủy điện vừa bị mất đất lại vừa luôn nơm nớp lo sợ về sự an toàn tính mạng do chất lượng công trình!
Cả Nghĩ