Nợ tình đặng trả cho vơi

21-10-2009 06:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sang lĩnh vực văn chương, Nguyễn Hữu Khai thực sự làm tôi bị choáng, bởi lẽ giữa nhịp sống công nghiệp nơi phố thị gấp gáp và ồn ã đến như vậy và với cương vị là một nhà quản lý kinh tế ở tầm tập đoàn mà anh vẫn còn làm được thơ theo lối truyện nôm khuyết danh từ cách đây hàng thế kỷ.

(Đọc truyện thơ Tình quê của Nguyễn Hữu Khai, Nxb Hội Nhà văn)

Đây không phải là một cuốn sách thuộc diện "hot" hay best seller vì đã được xuất bản từ cách đây khá lâu, năm 2006, nhưng nó vẫn gây cho tôi một sự tò mò thú vị là ngay ở phần bìa gấp đầu, sau ảnh chân dung của tác giả là mấy dòng chú giải: Võ sư, lương y, tiến sĩ y học, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn y dược Bảo Long. Vậy là tác giả của Tình quê cùng một lúc mang trên mình 5 chức danh khác nhau, trong đó có đến 4 chức danh thuộc về ngành y, mà mới nghe qua có vẻ không thuận lắm, đặc biệt là cái món võ sư và món văn sư trong lịch sử các nước phương Đông, chẳng mấy khi ngồi cùng chiếu với nhau được.

Nguyễn Hữu Khai - tác giả tập thơ Tình quê.

Điều bất ngờ thú vị thứ hai, ở phần bìa gấp cuối sách, chính Nguyễn Hữu Khai đã từng là người nghiện ma túy và viết sách về cai nghiện: Tôi học cai nghiện ma túy (Nxb Lao động, 2001). Một điều bất ngờ thú vị nữa là anh Khai còn là dịch giả hai cuốn sách về y học: Liệu pháp làm đẹp và tăng sức khỏe và Vật lý trị liệu, điều dưỡng (Nxb Y học, 2004).

Sang lĩnh vực văn chương, Nguyễn Hữu Khai thực sự làm tôi bị choáng, bởi lẽ giữa nhịp sống công nghiệp nơi phố thị gấp gáp và ồn ã đến như vậy và với cương vị là một nhà quản lý kinh tế ở tầm tập đoàn mà anh vẫn còn làm được thơ theo lối truyện nôm khuyết danh từ cách đây hàng thế kỷ. Sự lao động công phu và bền bỉ của anh đã làm nên 1.470 câu thơ lục bát để tạo thành một Tình quê hồn hậu và dân dã.

Về mặt thể loại, Tình quê không khác là bao những truyện nôm khuyết danh. Chỉ khác ở chỗ nó là của Nguyễn Hữu Khai chứ không phải của quần chúng nhân dân lao động.

Có lẽ như chính Nguyễn Hữu Khai đã nói: Thực tình nghèo vốn, giàu lòng/ Miệt mài kiếm chọn viết xong truyện này/ Tạm vui trong lúc nghỉ tay/ Cùng người đồng cảnh giãi bày tâm tư/ Lời lẽ khi thiếu khi dư/ Khen, chê xin nhận, cũng như cho vàng,... mà Tình quê đã in đến lần thứ 2 (lần thứ nhất do Nxb Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 1999). Đọc những câu trên ta thấy tác giả có hai phẩm chất mà không phải người cầm bút nào cũng có thể có được. Đó là một hồn thơ mộc mạc, chân thành đến tận đáy lòng và một tinh thần dám làm, dám chịu. Câu chữ lúc thiếu, lúc thừa, người đọc có thể khen hay chê là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, sự cao diệu của Nguyễn Hữu Khai là ở chỗ không miễn cưỡng chấp nhận sự khen chê của người đời, trái lại anh mở lòng đón nhận sự khen chê đó một cách thật sự thoải mái, vô tư và dù là khen hay chê cũng đều đáng quý như cho vàng.

Văn chương nói chung và thơ ca nói riêng, một trong những phẩm chất vô cùng quý giá đấy là sự thành tâm và thành thật. Có được phẩm chất đó tác phẩm thơ ca đã tự tạo cho mình một công chúng riêng và nhờ đó nó có một sức sống bền bỉ ngay trong lòng công chúng. Bóng rơm ấp ủ đàn gà/ Bếp tranh nhả khói la đà ngọn tre/ Tiếng ve ra rả gọi hè/ Dọc đường phượng vĩ đỏ hoe nắng tà,... Những câu thơ này không mới về cảm xúc, giọng điệu, ngôn ngữ hình tượng, càng không có gì mới về cảm quan, nhận thức, nhưng có thể là những câu thơ dễ đọng lại trong tâm tưởng người đọc, nhất là những công chúng bình dân, gợi lại cho họ hình ảnh một làng quê thanh bình với đống rơm, đàn gà, tiếng ve, hoa phượng. Dường như ở làng quê này không biết đến chiến tranh, giặc dã hay bão lũ hoành hành; cũng không có sự sôi động, náo nhiệt của không khí làm ăn thời kinh tế thị trường. Đích thị đấy phải là một làng quê rất xưa ngái, hiện chỉ còn trong tiềm thức của chúng ta. Ngay 4 câu mở đầu: Đa già rủ mát chân đê/ Che làng nho nhỏ bên lề núi xanh/ Êm đềm sông Đáy lượn quanh/ Dập dìu thuyền nhún méo vành trăng thu,... ta thấy Nguyễn Hữu Khai là một thi sĩ đích thực. Sau 3 câu tả thực, đến câu thứ tư, con thuyền nhún nhảy, dập dìu trên sông mà làm méo cả vầng trăng thu là sự xuất thần, phát lộ một hồn thơ dân dã, khiến người đọc bất ngờ, thảng thốt.

Có thể nói Tình quê là món quà tri ân của Nguyễn Hữu Khai với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Chính từ nơi ấy mà anh đã thành người như hôm nay. Anh mang nó theo suốt hành trình lặn lội, bươn chải để thành công và thành nhân. Với Tình quê, Nguyễn Hữu Khai đã ít nhiều làm được điều đó. Nhưng dường như anh càng chia sẻ gánh nặng tình quê lại càng đầy thêm lên chứ chẳng vơi đi chút nào. Ai có một miền quê như anh, nhưng chưa trả được món nợ ân tình đó, chắc chắn sẽ rất trân trọng tình cảm và tấm lòng của anh đối với quê hương.

Phương Thảo


Ý kiến của bạn