Nở rộ hình thức cho vay tiền “không tài sản đảm bảo”: Lắm rủi ro

19-11-2014 07:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong tình hình kinh doanh khó khăn, các ngành nghề phải đua nhau “sáng tạo” để cạnh tranh từng ly từng tý. Và nếu có dịp cần sử dụng đến dịch vụ vay tiền ngoài hệ thống các tổ chức tín dụng ngân hàng,

Trong tình hình kinh doanh khó khăn, các ngành nghề phải đua nhau “sáng tạo” để cạnh tranh từng ly từng tý. Và nếu có dịp cần sử dụng đến dịch vụ vay tiền ngoài hệ thống các tổ chức tín dụng ngân hàng, người ta được chứng kiến nhiều “phát kiến” của các công ty “tín dụng tư nhân” tạo điều kiện để khách hàng vay tiền. Hình thức vay xem ra rất đơn giản, không cần thế chấp tài sản, nhưng đằng sau có đủ sự “mưu mô” của chủ nợ khiến khách hàng luôn mang cảm giác “thuận tiện” cho đến tận khi họ... trả tiền.

“Vay nóng” như... cấp cứu

Chị T.H - một chủ cầm đồ khu Đặng Dung - Trấn Vũ (Hà Nội) bộc bạch, giờ đây hình thức cho vay cầm đồ đang dần dần thoái trào, bởi sự bất tiện khi phải “giam giữ, bảo quản” xe cộ, đồ đạc của khách, phải có nhà kho, nhân viên tốn kém. Nên các chủ cầm đồ cũng phải “cập nhật” xu hướng vay tín chấp cho đơn giản thuận tiện nhất nhằm kiếm thêm khách hàng.

Na ná như hình thức vay tín chấp của các ngân hàng, nhưng vay tín chấp của tư nhân đã được đơn giản hóa đi rất nhiều. Điểm khác biệt lớn nhất là mức lãi suất và thời hạn vay. Chả biết ai là người đầu tiên đưa ra “mô hình cho vay” không cần thế chấp, chỉ thấy rằng giờ đây nhan nhản trên các trang web “vay nóng” hay len lỏi bằng tờ rơi dán đầy các ngõ phố với dòng chữ “Vay tiền nhanh không thế chấp”.

Nhiều hình thức cho vay không thế chấp đang hoạt động mạnh mẽ.

Lần theo số điện thoại của một quảng cáo, tôi tìm đến một trụ sở tư nhân chuyên cho “vay nóng” ở quận Hai Bà Trưng. Trang web giới thiệu của công ty quảng cáo rằng đã giúp cho biết bao người qua cơn “nguy khốn”, giải quyết nhanh gọn nhiều tình huống “thoát hiểm” như cấp cứu bệnh tật, tạo ra bao cơ hội đầu cơ, kinh doanh, đem lại lợi nhuận lớn hơn nhiều lần cho những người có cơ hội mà... thiếu tiền vốn.

Tại văn phòng, cô nhân viên giới thiệu hình thức vay dành cho cán bộ, công nhân viên: “Để vay được 20 triệu đồng, anh chỉ cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm bản chính của hộ khẩu, CMND, hợp đồng lao động, bằng lái xe, thêm được hóa đơn điện, nước, điện thoại thì càng tốt. Thời hạn vay lần đầu là 2 tháng, có thể gia hạn thêm 1 lần 2 tháng nữa nhưng không được tiếp tục gia hạn nữa”.

Nhẩm tính lãi suất theo lời cô nhân viên là 2.500 đồng/triệu/ngày, tức sau một tháng người vay phải trả 1,5 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay 20 triệu đồng, khoảng 7,5%/tháng. Sau hai tháng là mất 3 triệu đồng. Điều đặc biệt là số tiền lãi luôn được “khấu” trước vào khoản vay (ví dụ vay 20 triệu đồng, khách chỉ cầm về 17 triệu đồng) và khách vay chỉ được thông báo số tiền lãi phải trả nên họ cảm thấy chỉ một vài triệu không quá lớn, nhưng khi nhẩm tính theo phần trăm thì con số cực khủng.

Bên cạnh bàn tôi ngồi, một cô nhân viên khác đang gọi điện mắng xơi xơi một khách vay tầm trung niên (vì cách thưa gọi là chú - cháu): “Chú là người lớn, chú vay phải đàng hoàng. Trong ngày mai chú mà không trả là cháu gọi thẳng đến cơ quan và bạn bè, đến tận nhà chú chứ không thể để như thế được đâu”.

Rồi cô này cúp máy đánh rầm, quay ra nói đổng: “Ông này gia hạn 2 lần rồi, lần này mà còn lần chần là tôi đến tận nhà và thông báo hết cho cơ quan, bạn bè cho bẽ mặt”.          Thấy tôi có vẻ “lăn tăn” về lãi suất, cô nhân viên tiếp tôi động viên: “Anh yên tâm, mặt bằng lãi suất là chung cho hình thức vay này. Nếu muốn lãi thấp hơn và vay nhiều hơn, kể cả vài trăm triệu, anh phải có tài sản đảm bảo như xe cộ, sổ đỏ...”.

Được biết, đây là loại hình cho vay đang nở rộ và khá thu hút khách hàng hiện nay bởi đã đánh trúng vào những nhu cầu nhỏ lẻ, số tiền ít, rủi ro gần như cực hiếm vì chủ vay đã cầm hết cả giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, hợp đồng lao động của khách hàng. Song song với đó là mức lãi suất cực lớn, nên nhiều công ty cầm đồ đang chạy theo hình thức này, đã cho ra đời hàng loạt “chi nhánh” khắp Thủ đô, liên tục kêu gọi nguồn góp vốn đầu tư sôi động.

Những “mô hình” tinh vi

Khác với kiểu cho vay khách lạ, ở những khu trường đại học và các khu công nghiệp lại có thêm một hình thức cho vay “tín chấp” mà vật cầm cố là thẻ sinh viên, bằng lái xe, hộ chiếu, CMND hoặc thậm chí là cả thẻ ATM. Tất nhiên số tiền cho vay chỉ vài triệu đồng nhưng tỷ lệ nghịch với đó là mức lãi suất có thể lên đến 5.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày cho khoản vay 3 - 4 triệu đồng.

Số tiền vay nhỏ, tổng mức lãi phải trả không lớn nhưng tỷ lệ thì lại cực cao. Và đối với những khách hàng thuộc dạng “thu nhập từ bố mẹ”, hoặc chạy ăn từng bữa như công nhân thì khoản vay lại trở thành “gánh nợ”.

Hoàng Hữu M. - sinh viên một trường ĐH tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã từng phải “vật lộn” với khoản vay kiểu này cho biết, chủ cho vay có thể không cần mở cửa hàng, họ chỉ dựa vào mối quan hệ quen biết và nắm rõ hết lai lịch của các sinh viên, nhưng vẫn đòi hỏi nắm giữ thẻ sinh viên, CMND, hoặc sổ hộ khẩu, bằng lái xe, hộ chiếu...

Phương thức cho vay cũng rất linh hoạt, họ có thể cho người vay trả theo ngày, theo tuần, hoặc theo tháng... Mức vay chỉ tối đa từ 3 - 10 triệu đồng. Nhưng lãi suất cực cao. Đổi lại hình thức vay rất linh hoạt như vay kiểu “lấy ít, trả đủ”, vay 4 triệu đồng trả thành 5 triệu sau 2 tháng. Hoặc vay “trả góp” theo ngày, vay 10 triệu đồng thì chỉ cầm được 8 triệu đồng, sau đó mỗi ngày nộp đủ 250.000 đồng cho đến hết.

Những kiểu cho vay này dù tính theo bất kể cách nào cũng đều có mức lãi suất thuộc dạng cực cao.

Ở các khu công nghiệp đông công nhân như Mê Linh, Vĩnh Phúc... cũng xuất hiện hình thức vay tín chấp tương tự nhưng thêm tài sản cầm cố là ATM. Người vay phải xuất trình bảng lương trả qua ATM và đặt lại thẻ cho chủ nợ. Số tiền vay cũng chỉ bằng khoản lương, hàng tháng đến đợt lương là chủ nợ ra cây chờ rút tiền thanh toán luôn. Nhiều công nhân trót dính vào vòng xoáy này mà không thoát ra nổi bởi thu nhập thấp, chi tiêu còn không đủ lại thêm lãi suất cao, nên cứ tồn lại nợ nghĩa là sự chồng chất.

Những “mánh” cho vay tiền đơn giản, linh hoạt đến mức dễ dãi như trên đang nở rộ, đã vô hình hấp dẫn người vay và gây ra nhiều hệ luỵ khó lường khi các hình thức đòi nợ cũng rất quyết liệt được đưa ra như làm mất uy tín người vay với cơ quan, gia đình, bạn bè. Đội ngũ đòi nợ còn đến tận gia đình con nợ quấy quả gây khó dễ dù số tiền chỉ là vài triệu đồng. Người vay hầu hết đều không tính đến tình huống xấu khi trả nợ, không lường nổi mức lãi suất cắt cổ đã gây ảnh hưởng lớn đến gia đình, trật tự, an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật và một số cơ quan chức năng thì chỉ xử phạt khi phát hiện các hành vi gây rối, đòi nợ trái pháp luật, không đăng ký kinh doanh... chứ khó xử lý triệt để hình thức cho vay này. Bởi lẽ ngoài sự tinh vi, kín kẽ và số tiền vay nhỏ lẻ, còn về pháp lý, các công ty cũng được phép mở các cửa hàng kinh doanh cho vay theo kiểu cầm đồ, tín chấp... miễn là trong mức lãi suất cho phép.

Như vậy, chỉ có người vay phải tự quyết định sự an toàn cho mình bằng cách tìm hiểu cặn kẽ, lường trước những rủi ro, cân nhắc khả năng chi trả của bản thân mà không nên dựa vào những tính toán thiếu thực tế, gây ra những hệ lụy khó lường ảnh hưởng tới bản thân.

Phạm Hoàng

 


Ý kiến của bạn