Hà Nội

'Nở rộ' các kỳ thi riêng, thí sinh gia tăng áp lực

13-03-2024 13:58 | Xã hội

SKĐS - Việc tổ chức các kỳ thi riêng sẽ giúp thí sinh có thêm phương thức xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, với nhiều kỳ thi có mục tiêu giống nhau đang tạo áp lực lên thí sinh và gia đình.

Nhiều đợt thi trong năm

Ngoài phương thức xét tuyển truyền thống như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, năm 2024, dự kiến có 9 đại học, trường đại học quyết định tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7.

Theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh, do đó, các trường căn cứ trên quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng đề án tuyển sinh, nếu xét về góc độ quy định của pháp luật, thì hoàn toàn được phép tổ chức các kỳ thi riêng.

Việc có thêm các kỳ thi riêng sẽ mở rộng cánh cửa vào đại học, tạo cơ hội cho thí sinh, song cũng khiến không ít thí sinh lo lắng khi có quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

'Nở rộ' các kỳ thi riêng, thí sinh gia tăng áp lực- Ảnh 1.

Năm nay sẽ có 9 đại học, trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7.

Chia sẻ với phóng viên báo Sức khoẻ và Đời sống, em Nguyễn Hoàng Bách (học sinh lớp 12 ở Hà Nội) cho biết, năm nay em sẽ tham gia 3 kỳ thi gồm thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Bách cho biết, để chuẩn bị cho các kỳ thi này, ngoài thời gian biểu học trên lớp thì em phải đi học thêm nhiều ca vào buổi tối và cuối tuần vì các kỳ thi riêng có cấu trúc đề và nội dung khác nhau. "Mặc dù việc đi học thêm nhiều ca khá là vất vả nhưng em nghĩ để tham gia được cả ba kỳ thi thì phải có các kiến thức bổ trợ cho nhau. Em đã mua khoá học online luyện thi đánh giá năng lực để tự ôn luyện ở nhà", Hoàng Bách chia sẻ.

Không chỉ có các thí sinh, nhiều phụ huynh cũng không khỏi lo lắng trước gần chục các kỳ thi riêng. Chị Nguyễn Thuý Ngần (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, dù năm ngoái gia đình đã chuẩn bị tinh thần cho con trai là sẽ tham gia thêm hai kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy nhưng sang năm nay mẹ con chị vẫn lo lắng.

Theo chị Ngần, việc thi tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện cần và đủ để con đăng ký xét tuyển đại học còn nếu muốn có cơ hội trúng tuyển vào các trường top trên thì con phải thi các kỳ thi riêng. "Thời gian này con tôi rất vất vả ôn luyện. Ngoài thời gian học ở trường và tại các lớp học thêm, tối về nhà con thường học đến 1 giờ sáng. Tôi lo con mình sẽ bị quá tải".

Thí sinh cần xác định rõ kỳ thi nào là cần thiết và phù hợp

Là một giáo viên dạy Toán cấp THPT ở Trung du miền núi phía Bắc, cô Nguyễn Thị Kim Dung (Phú Thọ) cho rằng, các kỳ thi riêng ra đời được xem là giúp các em thí sinh tăng cơ hội xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, việc gia tăng số lượng các kỳ thi riêng đôi khi lại tạo nhiều áp lực, khó khăn cho cả cô và trò.

Theo cô Dung, đối với những học sinh ở thành phố lớn, điều kiện ôn tập nhiều hơn và nhiều phương thức tiếp cận với các nguồn thông tin hơn thì có thể đỡ bỡ ngỡ khi tham gia thi đánh giá năng lực. Còn đối với các em học sinh ở các vùng khác, điều kiện học tập bị hạn chế, việc tham gia các kỳ thi riêng có rất nhiều hạn chế như các em phải vất vả di chuyển xuống Hà Nội thi giống như thi đại học trước kia.

Dành lời khuyên cho các em thí sinh, cô Dung cho rằng, để đạt kết quả cao trong các kỳ thi, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản. "Các em không chỉ dành thời gian và công sức ôn tập để tham gia các kỳ thi riêng mà các em cần dành thời gian ôn thi tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì phần lớn các trường, kể cả trường top trên vẫn có chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.

Đặc biệt, các em không nên học lệch. Nếu thích môn tự nhiên thì vẫn đầu tư cho môn đó nhưng không được bỏ hẳn các môn xã hội. Với những em tham gia các kỳ thi riêng thì các em cần lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin về cách thức thi, cấu trú đề thi, dành thời gian cho việc luyện các đề minh hoạ trên mạng. Các em cần xác định rõ kỳ thi nào là cần thiết, phù hợp với năng lực bản thân để đăng ký dự thi, cô Dung lưu ý.

'Nở rộ' các kỳ thi riêng, thí sinh gia tăng áp lực- Ảnh 2.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2023. Nguồn: ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, Luật Giáo dục đại học không cấm các trường tự chủ phương án tuyển sinh, tức là không cấm các trường tổ chức những kỳ thi tuyển sinh riêng. 

Như vậy, về mặt về mặt pháp lý, các trường không vi phạm; nhưng về mặt chất lượng thì lại có một số vấn đề như: Tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng trái với tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Điều đó có nghĩa, hướng đến kỳ thi chung gọn nhẹ, giảm phiền hà cho người học và cho phụ huynh. Nếu ngày càng có nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng tức là đang đi ngược lại tinh thần ấy.

Thứ hai, các trường muốn tổ chức kỳ thi riêng, phải chứng minh được là kỳ thi đó sẽ được tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức. Bên cạnh đó, đề thi của kỳ thi riêng bây giờ theo xu hướng phải đi vào những vấn đề chuyên sâu, chuyên gia phải thực sự am tường về đo lường, đánh giá trong giáo dục; mà chúng ta thực tế đang rất hiếm những chuyên gia như vậy, nhất là các trường chuyên ngành lại càng không có hoặc thiếu những chuyên gia ấy. Cho nên, nếu các trường cứ tổ chức kỳ thi riêng, chất lượng chưa chắc đảm bảo, mà còn gây phiền hà thêm cho thí sinh...

"Mặc dù luật không cấm, nhưng tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể "thả nổi". Bộ GD&ĐT cần có phương án siết chặt tình trạng trên. Chẳng hạn, yêu cầu các trường làm đề án về phương thức xét tuyển một cách nghiêm túc, đầy đủ, trong đó, đối với việc tổ chức một kỳ thi riêng, trường phải chứng minh được là đủ khả năng tổ chức một kỳ thi tốt hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT", TS. Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Thí sinh nên tham dự bao nhiêu kỳ thi riêng để xét tuyển đại học?

Về việc có quá nhiều kỳ thi riêng như hiện nay sẽ gây áp lực cho thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng là để tạo thêm cơ hội cho các thí sinh. Tuy nhiên, thực tế, các em không cần phải tham gia nhiều kỳ thi. Những thí sinh thực sự muốn có thêm cơ hội thì đăng kí dự thi.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện nay, đa số các trường vẫn tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Chỉ thí sinh muốn thi vào những trường, ngành cạnh tranh cao mới lựa chọn 1 đến 2 kỳ thi để tăng cơ hội đỗ. "Thí sinh thi nhiều hơn chưa chắc thêm được cơ hội. Chỉ cần điểm thi tốt nghiệp THPT cùng với điểm của một kỳ thi riêng là đủ".


Thi tốt nghiệp THPT: Xử lý thế nào nếu thí sinh cần cấp cứu?Thi tốt nghiệp THPT: Xử lý thế nào nếu thí sinh cần cấp cứu?

SKĐS - Để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi với các quy định cụ thể cho từng tình huống có thể xảy ra, thí sinh cần nhớ để tránh "trượt oan".

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn