Nở rộ các chiêu trò lừa đảo ăn theo điều chỉnh địa giới hành chính

01-07-2025 11:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Các đối tượng thường gọi điện giả danh cán bộ thuộc lực lượng Công an, UBND vận động người dân đi cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID, khai báo thông tin trên Dịch vụ công, Tổng cục Thuế...

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập địa giới hành chínhCảnh báo thủ đoạn lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập địa giới hành chính

SKĐS - Lợi dụng thông tin sáp nhập địa giới hành chính, nhiều đối tượng đã giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo. EVN khẳng định không yêu cầu khách hàng truy cập đường link lạ hay cung cấp mã OTP.

Đủ loại chiêu thức lừa đảo ăn theo sự kiện điều chỉnh địa giới hành chính

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi thông báo cho biết thời gian gần đây đã xuất hiện hiện tượng một số đối tượng xấu lợi dụng thông tin về việc các địa phương sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh nhân viên điện lực yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Theo EVN, thủ đoạn lừa đảo phổ biến là các đối tượng giả danh nhân viên điện lực, gọi điện đến khách hàng với nội dung liên quan đến việc điện lực triển khai sáp nhập đơn vị, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link do đối tượng cung cấp để cập nhật thông tin thanh toán tiền điện theo địa chỉ mới sau khi điện lực thực hiện sáp nhập đơn vị.

Nở rộ các chiêu trò lừa đảo ăn theo điều chỉnh địa giới hành chính- Ảnh 2.

Thận trọng với các chiêu thức lừa đảo ăn theo sáp nhập tỉnh thành.

Bên cạnh đó, theo EVN, các đối tượng xấu cũng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, nhắn tin, cài ứng dụng lạ, gọi trực tuyến có hình ảnh thông qua ứng dụng (video-call) để dễ dàng hướng dẫn. EVN cho hay mục đích để lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Chi cục Thuế khu vực I vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng giả mạo cơ quan thuế yêu cầu người nộp thuế cập nhật thông tin địa chỉ. Đơn vị này khẳng định, cơ quan thuế không yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp căn cước công dân hay giấy phép đăng ký kinh doanh để cập nhật thông tin theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Người nộp thuế cần cảnh giác với các hành vi giả mạo cơ quan thuế qua điện thoại, email, tin nhắn nhằm lừa đảo, trục lợi. Người nộp thuế tuyệt đối không thực hiện theo hướng dẫn từ các nguồn thông tin không chính thống.

Lợi dụng chủ trương sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh và xã, phường, thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân và doanh nghiệp. Mới đây, một đối tượng tự xưng là nhân viên của Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia các hạng mục quà tặng tại hội nghị công bố sáp nhập tỉnh Lâm Đồng.

Thời gian qua, nhất là từ khi có chủ trương sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh và xã, phường trên toàn quốc, tình trạng các đối tượng lợi dụng chủ trương này để "thổi giá" bất động sản cũng như các thủ đoạn lừa đảo khác xảy ra khá nhiều. Cách đây khoảng 1 năm, cũng lợi dụng chủ trương sáp nhập địa giới hành chính (cấp phường) tại TP Đà Nẵng, các đối tượng lừa đảo đã "tung chiêu" lừa đảo người dân tại các địa phương trong diện sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính

Thời điểm đó, có đối tượng tự xưng là cán bộ cơ quan BHXH Đà Nẵng gọi điện thoại (đầu số 09457613xx) cho nhiều người dân TP Đà Nẵng trong diện sắp xếp lại do sát nhập địa giới hành chính để thông báo rằng, số CCCD của người dân trên hệ thống BHXH không trùng khớp, đề nghị chụp hoặc cung cấp số CCCD chính xác để cơ quan BHXH thành phố bổ sung hồ sơ.

Không chỉ gọi điện, các đối tượng lừa đảo còn yêu cầu người dân cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách truy cập đường link lạ có đuôi ".govvvn.com" trên thiết bị ĐTDĐ và làm theo hướng dẫn. Màn hình của đường link lạ hiển thị giao diện giống với ứng dụng "VssID – Bảo hiểm xã hội số" của ngành BHXH Việt Nam. Sau đó, đối tượng yêu cầu người dân nhập số điện thoại và mật khẩu bất kỳ vào giao diện này. Sau khi nhập các thông tin như hướng dẫn, người dân mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.

Cách phòng ngừa sập bẫy chiêu trò của kẻ gian

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) cho biết, các đối tượng thường gọi điện giả danh cán bộ thuộc lực lượng Công an, UBND vận động người dân đi cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID, khai báo thông tin trên Dịch vụ công, Tổng cục Thuế, Sổ tay sức khỏe điện tử,… để tạo lòng tin. Sau đó gợi ý, hướng dẫn người dân tự thực hiện trên điện thoại di động cá nhân để không cần trực tiếp đến cơ quan Công an. Khi người dân đồng ý thực hiện, các đối tượng hướng dẫn tải ứng dụng giả mạo thông qua các đường links (liên kết) được cung cấp.

Sau khi cài đặt, ứng dụng sẽ yêu cầu người dân cấp tất cả các quyền như truy cập trên điện thoại bao gồm danh bạ, vị trí, hình ảnh, camera, ghi âm, trợ năng trên điện thoại. Ngay sau khi ứng dụng được cấp quyền, các đối tượng có thể theo dõi và điều khiển hoàn toàn điện thoại của nạn nhân từ xa. Từ đó có thể thực hiện: soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng Internet, truy cập wifi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của nạn nhân.

Ngoài ra, nguy hiểm hơn các đối tượng có thể hoàn toàn thu thập được những thông tin cá nhân, thông tin nội bộ như ảnh chụp, video, tin nhắn, số điện thoại lưu trữ trên thiết bị, điều này đặt ra nguy cơ lộ, mất bí mật Nhà nước (nếu có) và bí mật đời tư.

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội khuyến nghị người dân người dân chỉ cài đặt ứng dụng từ nguồn chính thống trên App Store (đổi với hệ điều hành IOS cho điện thoại Iphone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ; không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn, an ninh cho thiết bị; không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân qua điện thoại.

Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cũng nên đọc kỹ thông tin, không vội đồng ý tất cả các điều khoản khi cài đặt. Cùng với đó, người dùng nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt,.. để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.

Ngoài ra, khi phát hiện các website lừa đảo, ứng dụng giả mạo, người dân cần thông báo ngay với các cơ quan chức năng và cảnh báo mọi người xung quanh để nhận diện và phòng tránh.

Trước tình trạng đó, BHXH Việt Nam đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh người của cơ quan BHXH nhằm lợi dụng, lừa đảo người dân có nhu cầu giải quyết chế độ BHXH, BHYT. Người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam, người dân cần nâng cao cảnh giác để không bị đối tượng xấu lợi dụng và lừa đảo. Trường hợp nếu có vướng mắc thì liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi gần nhất hoặc liên hệ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua số hotline: 1900.9068 hoặc số 0243.7899999 để được hỗ trợ.

Với người dân, chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn nhận định, tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng, đặc biệt chú ý các nguyên tắc: Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng; xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền…

Thủ đoạn của băng nhóm lừa đảo "nhiệm vụ online nhận hoa hồng" chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồngThủ đoạn của băng nhóm lừa đảo 'nhiệm vụ online nhận hoa hồng' chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng

SKĐS - Các đối tượng tạo lập tài khoản mạng xã hội ảo, đăng tải hình ảnh phụ nữ xinh đẹp, cuộc sống giàu sang, rồi tiếp cận đàn ông thành đạt để làm quen, hẹn hò. Sau vài ngày nhắn tin qua Viber, chúng dụ dỗ nạn nhân "giúp nhận quà" bằng cách tham gia đầu tư trên sàn thương mại điện tử ảo.


Tô Hội
Ý kiến của bạn