Hà Nội

Nỗ lực tìm mọi biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gắn với phòng, chống dịch COVID-19

17-09-2021 12:53 | Thị trường
google news

SKĐS - Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, ngành Hải quan quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tạo mọi điều kiện cho các DN xuất nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan một cách nhanh nhất, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Rút gọn thủ tục, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa

Tổng cục Hải quan vừa trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định về thông quan hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp; đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu trong giai đoạn dịch COVID-19, đáp ứng chỉ đạo tại Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19.    


Nỗ lực tìm mọi biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gắn với phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Công chức hải quan Cảng Sài Gòn KV1 (Cục Hải quan TPHCM) thông quan hàng hoá qua hệ thống điện tử cho DN.

Theo đó, cho phép người khai hải quan được đưa hàng về bảo quản trong 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và nợ giấy phép, kiểm tra chất lượng tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; được giải phóng hàng và chậm nộp văn bản xác nhận viện trợ hàng hóa nhập khẩu theo quy định trong 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Cơ quan hải quan cũng đã vận dụng tối đa các quy định đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp để đưa vào Thông tư. Người khai hải quan được nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số qua hệ thống cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục hải quan và nộp bổ sung bản chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Đó là, chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan phải nộp khi làm thủ tục hải quan để được thông quan hàng hóa. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hoặc không áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng.

Ngay sau khi Nghị quyết 105/NQ-CP được ban hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Thông tư trình Bộ Tài chính về việc áp dụng Điều 50 Luật Hải quan năm 2014 về thủ tục hải quan đối với hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp để thông quan nhanh đối với hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gắn với phòng, chống dịch COVID-19

Nỗ lực tìm mọi biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gắn với phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Tổng cục Hải quan tìm giải pháp rút gọn thủ tục, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa. Ảnh minh họa.

Để tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất nhập khẩu, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các DN, cá nhân trong thực hiện thủ tục hải quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, đảm bảo công tác giám sát, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần đẩy lùi và hạn chế tối đa khả năng lây lan của dịch bệnh.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan tại các cửa khẩu, sân bay quốc tế triển khai thông quan nhanh hàng hóa, đặc biệt là hàng viện trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cán bộ, công chức có hành vi gây khó khăn cho DN; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và giám sát tự động tại sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất...

Cùng với đó, hướng dẫn phối hợp giữa các đơn vị trong Ngành đảm bảo thông quan hàng hóa tại các khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly theo quy định phòng chống dịch. Bố trí địa điểm (có trang bị đầy đủ các điều kiện phòng dịch) để cán bộ, công chức làm việc với DN nếu cần thiết...

Để triển khai giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan nhanh hàng hóa tại cửa khẩu và đồng hành cùng DN trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đồng thời, có công điện khẩn chỉ đạo cục hải quan tỉnh, thành phố khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới. Bố trí cán bộ, công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm...

Cùng với đó, giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho DN.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo hải quan địa phương thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trong đó có việc cho phép Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng hóa đang ùn ứ tại Cảng Cát Lái đến các khu vực cảng biển, cảng cạn khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để giải tỏa tình trạng quá tải...

Mô hình mới kiểm tra chuyên ngành sẽ giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp

Trước đó, Chính phủ giao Hải quan là cơ quan đầu mối trong thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu". Trong đó đề ra 5 nhóm giải pháp để triển khai Mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Bao gồm: Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý; Thứ hai, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; Thứ ba, về nguồn lực thực hiện KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu; Thứ tư, hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu; Thứ năm, tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt Quyết định số 38/QĐ-TTg, Tổng cục Hải quan đã bắt đầu tiến hành tổ chức, triển khai Đề án theo đúng các mục tiêu Đề án, đảm bảo hiệu quả và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

"Đề án cải cách mô hình KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu" được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm được thời gian làm thủ tục KTCL, kiểm tra ATTP vì chủ yếu giao dịch với một đầu mối, thủ tục kiểm tra được lồng ghép trong thủ tục hải quan, áp dụng điện tử hóa tối đa vào quy trình kiểm tra; tạo thuận lợi giải quyết thắc mắc khi có vấn đề, do thống nhất về cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng trước khi thông quan; Tiết kiệm chi phí khi lô hàng được miễn, giảm kiểm tra (đối tượng được miễn kiểm tra được mở rộng hơn); Môi trường kinh doanh cạnh tranh và bình đẳng hơn, do hàng nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, minh bạch và khách quan hơn.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Nguyễn Thu
Ý kiến của bạn