Nếu cơ thể chúng ta hoàn toàn khỏe mạnh, virus chắc chắn ít nguy hiểm hơn. Vì thế, nên bắt đầu từ nỗ lực loại bỏ những thói quen xấu với sức khỏe.
Đến nay, trong quá trình diễn biến đại dịch COVID-19 chỉ có 3% tổng số nạn nhân tử vong ở Italy là người hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh gì. Tại Pháp, trên 60% người bệnh COVID-19 đòi hỏi sự hỗ trợ của máy thở là những người mắc các bệnh mạn tính, tức bệnh cộng sinh với COVID-19, chủ yếu là các bệnh như xơ vữa thành mạch, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp...
Theo số liệu thống kê, tại một số quốc gia, thậm chí 95% số người trên 65 tuổi mắc các bệnh mạn tính. Liệu có thể giảm thiểu tỷ lệ này?
Hãy bắt đầu từ vận động và thực đơn
Có tới 70% các bệnh của nền văn minh hiện đại như bệnh tim, đái tháo đường type 2, béo phì hoặc tăng huyết áp... là các bệnh phụ thuộc chế độ ăn uống.
Thực đơn Địa Trung Hải giàu các hợp chất chống viêm, trong đó có dầu oliu, chất xơ thực vật cũng như các chất chống oxy hóa (là thành phần đóng vai trò đáng kể kéo dài tuổi thọ).
Các nhà khoa học khẳng định, nếu không thể áp dụng tất cả nguyên tắc của thực đơn Địa Trung Hải, việc áp dụng (dù chỉ một trong số đó) thay bơ và mỡ động vật bằng dầu oliu cũng mang lại hiệu quả nhất định.
“Bằng nỗ lực thay đổi lối sống, chúng ta có thể loại bỏ, thí dụ tình trạng xơ vữa thành mạch. Đó là nền tảng quan trọng nhất để bắt đầu nỗ lực cải thiện sức khỏe” - TS. Y học Daniel Sliz - chuyên các bệnh nội khoa, Chủ tịch Hiệp hội Y học Lối sống Ba Lan dẫn giải.
TS. Daniel Sliz nói thêm: Trong đa số các trường hợp, bệnh đái tháo đường type 2, bệnh thiếu máu tim, bệnh tăng huyết áp... nhờ vận động và thực đơn hợp lý, các biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não hoặc các biến chứng đái tháo đường đều có thể giảm thiểu hoặc kéo lùi tiến triển.
Béo phì có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2, vì thế, cần bắt đầu từ nỗ lực giảm cân. (ảnh minh họa)
Kiểm soát bệnh tăng huyết áp và giảm béo
“Bệnh tăng huyết áp làm tổn thương thành mạch và tiếp tay cho cholesterol xấu dẫn đến xơ vữa thành mạch. Có thể khắc phục bằng cách gia tăng hoạt động thể chất, áp dụng thực đơn Địa Trung Hải, không hút thuốc lá và giảm béo” TSKH. Y học Jacek Lewandowski - chuyên gia tim mạch kiêm bác sĩ chuyên khoa Nội, Đại học Y Warszawa (Ba Lan) chia sẻ.
Tại sao việc loại bỏ những kilogam cân nặng cơ thể không cần thiết đóng vai trò quan trọng? Béo phì thường là nguyên nhân nhiều chứng bệnh cộng sinh COVID-19, thí dụ, bệnh đái tháo đường type 2.
Với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 giai đoạn đầu và chưa phải bổ sung insulin, giảm béo là giải pháp can thiệp đầu tiên. Cơ thể bị cắt giảm calorie từ thức ăn sẽ tìm chất béo và hấp thụ.
Có thể giảm béo bằng thực đơn và hoạt động thể chất. Thậm chí đã nhiều năm không thực hành hoạt động thể chất, vẫn chưa muộn nếu bây giờ bạn bắt đầu.
Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ đã phát hiện, hoạt động thể chất bắt đầu ở tuổi 50, hay thậm chí 60 vẫn mang lại lợi ích sức khỏe to lớn. Những người quyết tâm vận động tích cực ở tuổi 50, 60 giảm thiểu từ 32-35% nguy cơ tử vong vì các nguyên nhân phổ biến.
Thời lượng từ 2-7 giờ/tuần vận động với cường độ vừa phải và cường độ cao duy trì trong 2 năm với người trên tuổi 60 mang lại hiệu quả giảm thiểu 25% nguy cơ tử vong vì các bệnh liên quan đến tim.
Giã từ thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh kết hợp với COVID-19 đã cướp đi sinh mạng nhiều người.
Bệnh COPD phần nhiều nhận biết sau tuổi 40, song thường bắt đầu sớm hơn. Theo quy luật, sau thời gian 15-20 năm liên tục tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ xuất hiện tình trạng viêm mạn tính với biểu hiện viêm màng niêm mạc hệ hô hấp và hủy hoại màng niêm mạc phổi. Rất tiếc, khi đã bị COPD, chỉ có thể kìm chân nó (bỏ hút thuốc), không có thuốc chữa khỏi.
COPD không chỉ cản trở nỗ lực điều trị người bệnh nhiễm COVID-19 mà cả với cúm thông thường.