Nỗ lực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc

18-08-2014 16:00 | Thời sự

SKĐS - Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét đã tài trợ nguồn kinh phí đặc biệt lên đến 100 triệu USD cho 5 nước trong khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Kông

Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét đã tài trợ nguồn kinh phí đặc biệt lên đến 100 triệu USD cho 5 nước trong khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Kông gồm Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam bằng hoạt động dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc artemisinin” trong thời gian 3 năm, từ 2014 đến 2016.

Thời điểm trước đây, thuốc artemisinin được chiết suất từ cây thanh hao hoa vàng đã đóng góp vai trò rất lớn trong việc điều trị bệnh sốt rét, đặc biệt là sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum kháng lại với các loại thuốc sốt rét đang sử dụng lúc bấy giờ. Tuy vậy sau đó các nhà khoa học và chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần lượt phát hiện những trường hợp sốt rét nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum đã kháng thuốc artemisinin tại Campuchia năm 2008, tại Myanmar và Thái Lan năm 2009, tại Việt Nam (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) năm 2010. Xuất phát từ thực trạng này, WHO đã xây dựng kế hoạch toàn cầu ngăn chặn sốt rét kháng artemisinin năm 2011, kế hoạch ứng phó khẩn cấp với sốt rét kháng artemisinin ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông năm 2013. Trên cơ sở này, WHO đã được Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ nguồn lực để thực hiện dự án ngăn chặn sốt rét kháng thuốc artemisinin xuất hiện và lan rộng.

Cán bộ y tế thôn buôn vùng cao Đắk Lắk tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống sốt rét.

Tại Việt Nam với 15 triệu USD được tài trợ, dự án được triển khai thực hiện tại 159 huyện thuộc 14 tỉnh gồm Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai, Quảng Nam, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Bình Dương và Đồng Nai. Trong 14 tỉnh này, đã có 12 tỉnh đang thực hiện các hoạt động giám sát và đánh giá sốt rét của dự án Quỹ Toàn cầu trước đó; chỉ có 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai mới bắt đầu được dự án này tài trợ cho công tác phòng chống sốt rét.

Dự án viết tắt từ tiếng Anh là RAI (regional artemisinin initiative); theo dự án này, 100 triệu USD được phân bổ 15 triệu cho Campuchia, 40 triệu cho Myanmar, 5 triệu cho Lào, 10 triệu cho Thái Lan, 15 triệu cho Việt Nam và 15 triệu sử dụng điều phối chung cho cả khu vực.

Mục tiêu tổng thể của dự án là góp phần loại trừ ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, ngăn ngừa sự xuất hiện và lan rộng của ký sinh trùng sốt rét kháng artemisinin. Mục tiêu cụ thể được thực hiện tùy theo khu vực. Tại khu vực 1 là khu vực có bằng chứng kháng và nơi có nguy cơ kháng cao; mục tiêu cụ thể là cắt đứt lan truyền sốt rét bằng cung cấp màn, màn tẩm hóa chất cho toàn dân có nguy cơ; cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị có hiệu quả cao tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng cho dân địa phương; cung cấp các biện pháp phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị sốt rét cho dân di biến động; ngừng sản xuất, tiếp thị và sử dụng thuốc sốt rét artemisinin đơn thuần; xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ gắn với cơ chế đáp ứng tại chỗ. Tại khu vực 2 là nơi tiếp giáp với khu vục 1 có nguy cơ cao lan truyền ký sinh trùng sốt rét kháng artemisinin từ các tỉnh trong khu vục 1; mục tiêu cụ thể là bảo đảm độ bao phủ cao của màn, màn tẩm hóa chất cho dân có nguy cơ; cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị có hiệu quả cao tại các cơ sở y tế và cộng đồng; ngừng sản xuất, tiếp thị và sử dụng thuốc sốt rét artemisinin đơn thuần; theo dõi chặt chẽ tình hình sốt rét, xác định và xử lý dịch sốt rét, tiến hành các nghiên cứu đánh giá hiệu lực của thuốc sốt rét.

Ở nước ta, phạm vi hoạt động của dự án được triển khai thực hiện tại 159 huyện thuộc 14 tỉnh với dân số 18,3 triệu người. Trong đó khu vực 1 gồm 4 tỉnh với dân số 4,4 triệu người; khu vực 2 gồm 10 tỉnh với dân số 13,9 triệu người. Nguồn lực được hỗ trợ cho các hoạt động trong 3 năm, từ 2014-2016 đã xác định là 15 triệu USD. Ngoài số kinh phí sử dụng điều phối chung cho cả khu vực theo quy định; phần lớn số kinh phí còn lại được phân bổ cho các hoạt động thuộc 4 lĩnh vực chính trong cả 3 năm triển khai thực hiện dự án gồm phòng chống muỗi sốt rét; quản lý ca bệnh; giám sát, đánh giá và quản lý chương trình. Hy vọng rằng với mục tiêu dự án được xây dựng, Việt Nam cùng với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông sẽ chủ động ngăn chặn được hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc artemisinin xuất hiện và lan rộng; làm hạn chế hiệu quả của công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng trong thời gian tới.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

 


Ý kiến của bạn