Nỗ lực không ngừng vì sức khỏe người dân

30-04-2018 08:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đã 43 năm đất nước được hoàn toàn giải phóng kể từ ngày 30/4 lịch sử năm 1975, cùng với sự đổi mới từng ngày của đất nước, ngành y tế cách mạng cũng không ngừng thay đổi, thể hiện rõ rệt ở chỗ người dân ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và vì thế mà chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người Việt Nam cũng tăng lên.

43 năm qua, y tế Việt Nam cũng đã dần khẳng định mình với y tế thế giới khi làm chủ nhiều kỹ thuật cao, khó trong khám chữa bệnh; trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi… Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã quyết liệt thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như phong cách phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn…

Lần đầu tiên ghép phổi từ người cho chết não - Thêm trang mới trong thành tựu ghép tạng của y tế Việt Nam

Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh (54 tuổi - Nam Định) trở thành người đầu tiên tại Việt Nam được ghép phổi từ người cho chết não. Ca ghép phổi này được thực hiện tại BVTW Quân đội 108. Thành công của ca ghép phổi này thêm một lần nữa nhân lên kỳ tích của y học Việt Nam nói chung và chuyên ngành ghép tạng nói riêng bởi ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng vì sự phức tạp, khẩn trương, chuyên sâu, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu, các công đoạn trong quy trình kỹ thuật.

Người dân ngày càng hài lòng hơn với các dịch vụ khám chữa bệnh.  Ảnh: Trần Minh

Người dân ngày càng hài lòng hơn với các dịch vụ khám chữa bệnh.  Ảnh: Trần Minh

Sau hơn 1 tháng được ghép phổi, sức khoẻ bệnh nhân Trần Ngọc Hanh tiến triển tốt. Bệnh nhân không còn phải thở máy, tự ăn, tự đi lại. Chỉ số xét nghiệm ổn định. Phổi ghép đã dần đảm nhận chức năng hô hấp, không xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng về thải ghép, nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đang được điều trị chức năng hô hấp, phục hồi chức năng vận động.

Trước đó, ngày 26/2, các kíp kỹ thuật của BVTW Quân đội 108 đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ lấy - ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới sự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Pháp, 1 chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 y bác sĩ, kỹ thuật viên của BVTW Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép đặc biệt này - ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não. BV cũng đồng thời thực hiện ca ghép thận, ghép giác mạc; phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người chuyển giác mạc còn lại ghép cho một bệnh nhân tại BV Mắt TW. Quả tim, thận còn lại được chuyển để ghép cho hai bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh.

Đến dự hội nghị sơ kết đánh giá thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại BVTW Quân đội 108 và thăm bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời chúc mừng đến các chiến sĩ áo trắng của bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao trong ghép tạng như ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc máu cuống rốn, ghép phổi từ người cho sống và bây giờ là ghép phổi từ người cho chết não.

“Ghép phổi từ người cho chết não được đánh giá là kỹ thuật khó nhất trong kỹ thuật ghép tạng hiện nay bởi sự phức tạp, khẩn trương, chuyên sâu và nhất là sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu trong quy trình kỹ thuật. Thành công của ca ghép phổi này thể hiện sự trưởng thành không chỉ của BVTW Quân đội 108 mà còn là sự trưởng thành của nền y tế Việt Nam, đồng thời kết quả này cũng mở ra một trang mới cho ngành ghép tạng Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Cùng với thành công trong lĩnh vực ghép tạng, các thầy thuốc của Việt Nam cũng tiếp tục làm chủ nhiều thành công trong phẫu thuật các ca bệnh phức tạp, hiếm gặp. Đó là các bác sĩ BV Quận 11 của TP. Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên phẫu thuật điều trị thành công cho bệnh nhân N.P.L. (sinh năm 1981, ngụ tỉnh Tiền Giang) bị u đầu tụy gây vàng da, sụt cân, đau bụng. Rồi mới đây, các y bác sĩ của Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (BVĐK Xanh Pôn) phối hợp với GS. Corinne Becker - chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật chỉnh hình của Cộng hòa Pháp - đã phẫu thuật thành công cho 4 bệnh nhi mắc một căn bệnh hiếm gặp và phức tạp không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới - đó là bệnh phù bạch mạch. Đây là lần đầu tiên bệnh nhân mắc bệnh này được phẫu thuật điều trị thành công ngay tại Việt Nam.

Hay các bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt BVĐK tỉnh Quảng Ninh mới đây đã lần đầu tiên tiếp nhận và thực hiện phẫu thuật thành công cho ca bệnh đặc biệt có hơn 100 dị vật “ghim” trên mặt. Trường hợp của bệnh nhân này vô cùng hiếm gặp bởi số lượng dị vật rất nhiều, kích thước nhỏ lại găm sâu, len lỏi vào những vị trí nguy hiểm vùng đầu và mặt nên khi tiến hành mổ, phẫu thuật viên phải thật cẩn thận, khéo léo và tỉ mỉ thì mới có thể loại bỏ dị vật mà vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh. “Nếu không được phẫu thuật kịp thời, với số lượng dị vật nhiều như vậy sẽ nhanh chóng dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ, gây tổn thương nghiêm trọng hơn”, BSCKII Nguyễn Công Suất - Trưởng khoa Răng hàm mặt BVĐK tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Vắc-xin ngừa bệnh sởi - Rubella “made in” Việt Nam lần đầu được sử dụng trên toàn quốc

Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết, từ tháng 4/2018, vắc-xin sởi - Rubella do Việt Nam sản xuất đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng thay thế cho loại vắc-xin sởi - Rubella nhập khẩu lâu nay.

Quá trình sản xuất vắc-xin có sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản. Ảnh: TB

Quá trình sản xuất vắc-xin có sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản. Ảnh: TB

Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, ở các điểm tiêm chủng thường xuyên và các điểm tiêm chủng xã, phường cho thấy tính an toàn của vắc-xin sởi - Rubella do Việt Nam sản xuất và không ghi nhận bất kỳ  phản ứng nặng nào sau tiêm. Kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc-xin sởi - Rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016.

Trước khi được đưa vào sử dụng trên toàn quốc, từ tháng 3/2018, vắc-xin sởi - Rubella được đưa vào sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bước đầu  triển khai tại 4 tỉnh là Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Đăk Nông cho hơn 7.000 trẻ, đến nay đã có hơn 50.000 trẻ tại 19 tỉnh, thành phố được tiêm loại vắc-xin này.

Trước đó, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc-xin sởi - Rubella. Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được loại vắc-xin sởi - Rubella sau Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, việc sản xuất thành công vắc-xin phối hợp này góp phần nâng cao được vị thế của Việt Nam, nhất là ngành y tế trong công nghệ sản xuất vắc-xin thế hệ mới có chất lượng cao. Việc tự chủ sản xuất được vắc-xin giúp giảm ngân sách Nhà nước khi bớt được vắc-xin nhập khẩu.

80% người dân hài lòng về ngành y

Cuối tháng 3/2018, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) công bố báo cáo thí điểm đánh giá chỉ số hài lòng người bệnh về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện ở Việt Nam từ góc nhìn người bệnh.

Trước đó, từ tháng 9/2016 - tháng 11/2017, Cục Quản lý khám chữa bệnh là đầu mối chủ trì hợp tác với các chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana xây dựng và khảo sát thí điểm Chỉ số hài lòng người bệnh Việt Nam (Patient Satisfaction Index - PSI) thông qua phỏng vấn người bệnh nội trú đã xuất viện qua điện thoại. Theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, chỉ số PSI được tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140.000 bệnh nhân nội trú ở 29 BV tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước tham gia chương trình khảo sát thí điểm. Trong đó, có 6 BV tại TP. Hồ Chí Minh, 2 BV của Hà Nội.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương - đại diện Tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho biết, chỉ số hài lòng của người bệnh trung bình đạt 3,98, tương đương 79,6% so với kỳ vọng. Trong đó, người bệnh hài lòng nhất là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Lắng nghe phản hồi của người sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế là cách tiếp cận phù hợp với xu thế của thời đại và chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, liêm chính ở Việt Nam. Bộ Y tế đã là một trong những Bộ tiên phong xây dựng và thể chế hóa hệ thống đánh giá chất lượng BV nói chung, thu nhận phản hồi từ người dân sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh nói riêng trong những năm gần đây theo triết lý của quản trị hiện đại.


Thái Bình
Ý kiến của bạn