Hà Nội

Nỗ lực khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét tại Quảng Bình

03-08-2022 10:17 | Y tế
google news

SKĐS - Quảng Bình đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đẩy lùi bệnh sốt rét, tập trung vào những vùng sốt rét lưu hành nặng, sốt rét kháng thuốc và các đối tượng nguy cơ cao... nhằm khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2024.

Theo dõi chặt, ngăn chặn sốt rét xuất hiện, bùng phát

Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận 5 bệnh nhân sốt rét.

Nỗ lực khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét tại Quảng Bình - Ảnh 1.

Cán bộ y tế Quảng Bình tẩm màn với hóa chất diệt muỗi tại những vùng có nguy cơ cao.

BS Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết, để chủ động phòng, chống sốt rét trong cộng đồng, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với mạng lưới y tế cơ sở tích cực triển khai nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng công tác điều tra, giám sát dịch tễ côn trùng gây sốt rét, phát hiện các trường hợp mắc, đặc biệt là các xã có di biến động dân số cao, vùng trọng điểm sốt rét lưu hành ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó thực hiện việc phun tồn lưu, tẩm màn với hóa chất diệt muỗi tại những vùng có nguy cơ cao.

Việc nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm sốt rét cho tuyến cơ sở và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống sốt rét, giúp người dân hiểu và tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng cũng được quan tâm thực hiện.

BS Trương Thế Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Lệ Thủy cho biết, ngay từ đầu năm, trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống sốt rét phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đặc biệt chú trọng 3 xã miền núi rẻo cao: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy là địa bàn sốt rét trọng điểm của huyện. Chủ động phân công cán bộ phụ trách bám sát địa bàn của các xã, tăng cường công tác giám sát chủ động nhằm phát hiện ca bệnh sớm có hướng xử lý.

Nỗ lực khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét tại Quảng Bình - Ảnh 2.

Công tác phòng, chống sốt xuất huyết được chú trọng ở những địa bàn miền núi, rẻo cao.

BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng trạm Y tế Lâm Thủy (Lệ Thủy) cho biết trạm nằm trên địa bàn xã miền núi có địa hình phức tạp, người dân di biến động thường xuyên. Trạm đã chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho bà con dân bản hiểu và thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt rét. Hàng tháng, đội ngũ cộng tác viên sốt rét về các bản làng trọng điểm, lấy mẫu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét để theo dõi. Vào mùa cao điểm của bệnh, trạm tổ chức tẩm màn, phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống sốt rét cho người dân.

Sớm loại bỏ sốt rét

Hàng năm, CDC tỉnh Quảng Bình triển khai giám sát các huyện, xã, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt rét, đặc biệt là hoàn thiện hồ sơ loại trừ sốt rét nhằm đạt được những kết quả cao nhất.

Nỗ lực khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét tại Quảng Bình - Ảnh 3.

Công tác tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết được chú trọng.

Chị Nguyễn Thị Đào, Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, CDC Quảng Bình cho biết: Để được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn loại trừ sốt rét phải thực hiện được 8 tiêu chí và điều kiện theo quy định. Trong đó có tiêu chí bắt buộc ít nhất 3 năm liên tục không có ca bệnh sốt rét nội địa trên địa bàn cùng với các điều kiện, như: 100% các trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai được báo cáo trong vòng 48 giờ kể từ khi phát hiện; 100% các trường hợp bệnh ngoại lai được điều tra trong 3 ngày kể từ khi phát hiện; đơn vị có khả năng xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh sốt rét..

Nhằm hướng đến mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2024 theo lộ trình, CDC Quảng Bình đã nỗ lực huy động các nguồn lực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và loại trừ sốt rét từ tuyến tỉnh đến huyện, xã.

Công tác quản lý và điều trị cho người có ký sinh trùng sốt rét, bệnh nhân sốt rét cũng như các biện pháp kỹ thuật được triển khai đồng bộ, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét. Phấn đấu đạt tiêu chí bắt buộc và các điều kiện bảo đảm loại trừ sốt rét trên toàn tỉnh.

Nỗ lực khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sốt rét tại Quảng Bình - Ảnh 4.

Việc phòng, chống và loại trừ sốt rét có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sức khỏe của người dân.

"Việc phòng, chống và loại trừ sốt rét có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sức khỏe của người dân. Góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật cho người dân, đặc biệt đối với xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, cần được coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài không chỉ riêng ngành y tế mà còn là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và của cả cộng đồng", BS Đỗ Quốc Tiệp chia sẻ.


Thành Trung
Ý kiến của bạn